Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về khai thác khoáng sản, bao gồm các quy trình về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và quản lý thu chi ngân sách… Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại khoảng cách nhất định giữa những quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, giữa nội dung văn bản và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác khoáng sản. Tình trạng trốn thuế tài nguyên (chủ yếu là do khai báo không đúng sản lượng để tính thuế và sản lượng khai thác thực tế), vận chuyển, buôn bán lậu... đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, dẫn tới thất thu ngân sách. Đặc biệt, công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của các bên trong khai khoáng còn rất hạn chế. Dẫn đến tình trạng người dân ở nhiều địa phương có các dự án khai khoáng chưa thể giám sát được nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, thậm chí, họ còn chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường dẫn đến tình trạng xung đột, tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp ở một số địa phương. Thực tế đã thấy rất rõ, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, nhiều nơi vô tổ chức đã không những làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng, làm xuống cấp rất nhanh hệ thống đường xá, cầu cống, phá hủy môi trường sống, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội cho địa phương nơi có mỏ. Thực trạng hiện nay có không ít mỏ khoáng sản đang có dấu hiệu quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản không đúng với các quy định về Luật khoáng sản đang có hiệu lực thi hành. Thực tế đang có không ít mỏ khoáng sản tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) không lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác là một ví dụ. |
Hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Ngọc Ni |
Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh luôn là một trong những vấn đề mà thời gian gần đây người dân phản ánh tới phóng viên Tạp chí điện tử Thương hiệu & Sản phẩm. Việc các mỏ khai thác khoán sản không tuân thủ các quy định về lắp các hệ thồng trạm cân để giám sát tải trọng phương tiện khi vận chuyển khoáng sản ra khỏi các mỏ khai thác làm thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Là một trong những xã có số lượng mỏ đá nhiều nhất của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), xã Kim Hoa (sáp nhập 3 xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy) gồm: Mỏ khai tác đá của Công ty TNHH Sơn Sơn Nguyệt; Công ty Cổ phần Đại Long và Công ty TNHH Hùng Bình. Không khỏi bất ngờ khi cảnh xe cộ tấp nập đang vận chuyển khoáng sản từ các mỏ khai thác đá ra ngoài. Bằng mắt thường cũng có thể thấy được những chiếc xe ben chở đá có dấu hiệu quá khổ, quá tải. Điều đáng ngạc nhiên hơn là những chiếc xe này sau khi được "ăn” đá xong, lấy phiếu và xuất mỏ mà không hề qua một hệ thống trạm cân tải trọng nào.
Rất nhiều mỏ không có trạm cân tải trọng khi chở khoáng sản ra ngoài mỏ |
Theo những người quản lý các mỏ khai thác khoáng sản cho biết, hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chưa mỏ nào lắp đặt hệ thống trạm cân tải trọng. Ông Nguyễn Đình Linh giám đốc Công ty Cổ phần Đại Long cho biết “trạm cân ở đây thì cả khu vực ở Hương Sơn chưa ai lắp. Bọn anh chưa lắp vì nếu lắp là phải lắp đồng bộ tất cả các mỏ”.
Nhiều tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng, kéo theo đó là việc ô nhiểm môi trường, bụi đất và lầy lội |
Còn ông Nguyễn Trọng Giang, Phó giám đốc kiêm quản lý mỏ của Công ty TNHH Sơn Nguyệt thừa nhận, “việc không lắp đặt trạm cân là sai, các cơ quan cũng đã nhắc nhở. Bên cạnh đó do tâm lý người dân ở đây họ mua hàng bằng khối chứ chưa mua hàng qua cân, cũng nói thật là mỏ này cũng đang nhìn mỏ khác rồi mới lắp”. Được biết mỏ khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Sơn nguyệt được cấp lại lần hai từ năm 2013 có thời hạn đến 2037 trử lượng khai thác 2 triệu khối.
Nguồn tài nguyên khoáng sản đang thất thoát từ những mỏ khai thác không chấp hành quy định của pháp luật |
Còn tại xã Quang Diệm có 2 mỏ, gồm mỏ đá Ngọc Ni thuộc Công ty TNHH Ngọc Ni và mỏ đất Đồng Trạng của Công ty cổ phần vận tải Thọ Lam cùng chung cảnh ngộ.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Phó giám đốc Công ty TNHH Ngọc Ni thôn 2, xã Sơn Diệm (nay là xã Quang Diệm - PV), thừa nhận việc không lắp trạm cân là sai luật nhưng lại đổ lỗi cho khó khăn về kinh tế. “Làm giấy tờ xong từ năm 2017, năm 2019 mới đi vào khai thác, cân đây chưa có là vì khó khăn về kinh tế, trong luật thì phải lắp camera và trạm cân”, ông Hiền cho hay. Được biết từ khi đi vào khai thác mỏ đá này bán đá thì ít nhưng bán đất thì nhiều.
Mỏ đất Đồng Trạng của Công ty cổ phần vận tải Thọ Lam |
Theo khoản 2, điều 42 Nghị định 158/2016 Quy định chi tiết thi hành Luật khoáng sản (có hiệu lực từ ngày 15/01/2017), tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại các vị trí đưa khoáng sản nguyên ra khỏi khu vực khai thác; Lắp đặt Camera giám sát tại các kho chứa để lưu trử thông tin, số liệu liên quan.
Quy định là vậy tuy nhiên đến nay hàng loạt mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh vẫn bất chấp pháp luật chây ỳ lắp trạm cân tại các mỏ khai thác khoáng sản. Điều này sẻ gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, không những thế những tuyến đường liên xã bị cày nát, do các xe tải trọng có dấu hiệu cơi nới và quá khổ quá tải tiềm ẩn nhiều rủi ro ATGT cho người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường này.
Quy trình khai thác tại mỏ đá Ngọc Ni cũng là vấn đề cần quan tâm |
Để tài nguyên khoáng sản không thất thoát các tuyến đường dân sinh không bị băm nát bởi những chiếc xe quá khổ quá tải, trách nhiệm này thuộc về ai? Câu hỏi này xin giành cho các cơ quan chức năng Hà Tĩnh nói chung và huyện Hương Sơn nói riêng. Và liệu thực trạng này chỉ xẩy ra ở mỗi huyện Hương Sơn hay còn có ở những huyện khác?
Nghị định số: 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Điều 40. Vi phạm quy định về lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã khai thác. 2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không lắp đặt trạm cân tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan (trừ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ), cụ thể như sau: a) Phạt cảnh cáo đối với trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với công suất được phép khai thác hàng năm nhỏ hơn 30.000 m3/năm; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ trường hơp quy định tại điểm a khoản này; c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này; d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và điểm e khoản này; đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c vài điểm e khoản này; e) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản độc hại. |