Ảnh minh họa |
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 5 - 12/4, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 7 ca mắc ho gà.
7 trường hợp mắc ho gà ghi nhận tại 7 quận, huyện gồm Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Trì.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 46 trường hợp mắc ho gà tại 20 quận, huyện, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Bệnh nhân là trẻ em dưới 2 tháng tuổi chiếm 52,2%, trong đó chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh chiếm 70% số ca mắc.
Trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận 13 ca mắc sốt xuất huyết. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số mắc sốt xuất huyết của toàn thành phố là 570 ca, số mắc cao chủ yếu tập trung trong tháng 1/2024 với 408 trường hợp.
Đối với dịch bệnh tay chân miệng, trong tuần thành phố ghi nhận 161 trường hợp mắc, tăng 37 trường hợp so với tuần trước.
Bệnh nhân phân bố rải rác ở 28 quận, huyện, trong đó một số địa bàn có nhiều bệnh nhân gồm: Ba Vì 23 ca, Hà Đông 14 ca, Thanh Trì 12 ca, Ba Đình và Hoàng Mai đều ghi nhận 10 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 585 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch, trong tuần tới, thành phố đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xử lý dịch triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch.
Rà soát và tổng hợp số lượng trẻ em là đối tượng tiêm chủng của năm 2022-2023 chưa tiêm vaccine sởi, rubella để tổ chức tiêm bù, tiêm vét theo kế hoạch.
Tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, cơ sở giáo dục; tuyên truyền cho phụ huynh học sinh đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh.
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào đường hô hấp. Những vi khuẩn này bám chặt vào lông mao ở đường hô hấp trên, sau đó vi khuẩn giải phóng độc tố tấn công hệ hộ hấp và làm đường thở sưng lên.
Ho gà được biết đến với những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được, thường khiến người bệnh khó thở. Sau khi ho, bệnh nhân thường cần hít thở sâu, điều này dẫn đến âm thanh phát ra như tiếng rít dài. Ho gà có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Ho gà là bệnh có khả năng lây nhiễm cao trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, khi đó 80% những người tiếp xúc cùng hộ gia đình với người bênh có thể bị lây. Người là ổ chứa duy nhất. Đây là nguồn lây nhiễm chủ yếu cho trẻ nhỏ. Bệnh lây nhiễm mạnh nhất trong thời gian 2 tuần đầu kể từ khi khởi phát bệnh.
Bệnh có thể lây qua đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt trong không khí khi người bệnh hắt hơi, ho; hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi khi người bệnh nôn hay khạc nhổ. Chính vì vậy, bệnh ho gà ở trẻ em rất dễ lây lan khi ở cùng một không gian đông đúc như trường học, nhà ở, ký túc xá, khu công nghiệp…
Cục Y tế Dự phòng Việt Nam cảnh báo: Bất kỳ đối tượng nào ở lứa tuổi nào, không phân biệt giới tính, dân tộc, vùng địa lý đều có thể bị ho gà. Tuy nhiên, có hơn 90% số ca mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi cơ bản.
Kết quả giám sát năm 2015 cho thấy: có 88,4% số ca mắc bệnh không được tiêm vắc xin, 6,6% số ca chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh diễn biến càng nặng và có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ.
Theo Tố chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 30-50 triệu người mắc ho gà, trong số đó có khoảng hơn 300.000 người tử vong, tỷ lệ này tăng cao nhất ở nhóm trẻ nhỏ. Từ khi có vắc xin phòng ngừa, tỷ lệ mắc cũng như tử vong do bệnh này gây ra đã giảm.
Hà Nội xuất hiện bệnh nhân ho gà đầu tiên trong năm, là bé gái 6 tuần tuổi |
Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc ho gà trong vòng hai tuần |