EU sẽ nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng từ 10% lên 20%. |
Bộ Công thương cho biết, mới đây Ủy ban Châu Âu ban hành Quy định 2024/3153 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các bên ngoài vào Liên minh châu Âu (EU) theo quy định 2019/1793. Đồng thời đưa ra quyết định đối với một số nông sản, thực phẩm có nguồn gốc tại Việt Nam.
Theo đó, Liên minh châu Âu nâng tần suất kiểm tra sầu riêng từ 10% lên 20% và vẫn áp dụng tại phụ lục I. Lý do trong thời gian qua, tỉ lệ cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang EU vẫn còn cao.
Bên cạnh đó, Liên minh Châu Âu áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 30%.
Đậu bắp và ớt, áp dụng tần suất kiểm tra đều là 50% đồng thời kèm theo các lô hàng là giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.
Nguyên nhân trong thời gian qua, số các lô hàng thanh long, ớt và đặc biệt là đậu bắp xuất khẩu sang EU vẫn còn bị cảnh báo, vi phạm Quy định mới liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL ) không giảm. Vì vậy, EU vẫn duy trì áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra như lần thông báo trước. Quy định này có hiệu lực từ ngày 8/1/2025.
Hoạt động xuất khẩu sẽ gặp khó?
Nhiều sản phẩm từ ớt, quế của Việt Nam bị cảnh báo tại EU. |
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết trong năm 2024, cơ quan này đã nhận tới 1.029 thông báo mới từ các thành viên WTO, trong đó có những quy định khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Ngô Xuân Nam nói: "Chúng ta rất tự hào về nông nghiệp của Việt Nam. Để vào được các thị trường khó tính là cả vấn đề và quá trình nỗ lực. Có sản phẩm, chúng ta phải mất nhiều năm đàm phán và nỗ lực mới mở được cửa vào thị trường. Chúng ta muốn xuất khẩu được không chỉ dựa vào số lượng, chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng được các quy định của thị trường".
Từ thực tế trên, ông Nam khuyến nghị người nông dân trong quá trình sản xuất, canh tác cần tuân thủ và cập nhật đúng các quy định của EU về kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt với những hoạt chất không có trong danh sách cấm của EU thì mặc định ở mức 0,01mg/kg (ppm).
Với những hoạt chất cho phép, bà con tuyệt đối tuân thủ quy tắc "4 đúng" - đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng cách. Trong đó, phải đảm bảo thời gian cách ly đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng với đó, bà con phải tích cực chuyển đổi sang hướng canh tác định hướng hữu cơ, sử dụng các hoạt chất sinh học, chế phẩm sinh học để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, là sự phối hợp, đồng hành của các doanh nghiệp trên quan điểm tiếp cận đồng quản lý chất lượng sản phẩm giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
"Hiện nay, không riêng gì thị trường EU, hầu hết các thị trường đều đưa ra cảnh báo dù chỉ một lô hàng vi phạm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhận thức một cách sâu sắc rằng chỉ cần bị 'tuýt còi' một lần thôi là sẽ kéo theo tất cả doanh nghiệp khác trong ngành chịu mức kiểm soát tăng cường ở cửa khẩu. Những công đoạn này chắc chắn sẽ gây tốn kém chi phí lên nhiều lần cho doanh nghiệp" - ông Nam nhấn mạnh.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, việc EU tăng tần suất kiểm tra các mặt hàng sầu riêng, thanh long… sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó khăn do thời gian thông quan kéo dài. Vì vậy, chất lượng hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyên, Châu Âu là một trong những thị trường khó tính nhất trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của thị trường này.
Năm 2024 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 7,1 tỉ USD, tăng gần 27% (khoảng 1,5 tỉ USD) so với năm ngoái, trong đó sầu riêng đạt khoảng 3,2 tỉ USD, chủ yếu cung cấp cho thị trường Trung Quốc.