Một số công dụng chữa bệnh của cây huyết dụ Hoa cúc tím - loại hoa đẹp với nhiều công dụng tuyệt vời ít người biết Công dụng “vàng” của lá lốt trong mùa đông |
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt hay kinh nguyệt thất thường có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi, mức độ và biểu hiện khác nhau như ở lứa tuổi dậy thì, sinh con, mãn kinh,...do nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của nội tiết tố, thay đổi điều kiện sống, thói quen sinh hoạt hoặc do sử dụng một số loại thuốc gây rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là thuốc tránh thai.
Trong y học cổ truyền, địa du được biết đến là loại dược liệu dùng trong điều trị rối loạn kinh nguyệt, khí hư bất thường, kinh nguyệt ra nhiều, đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt và trong những trường hợp phụ nữ tắc sữa, mọi chứng huyết của phụ nữ sau sinh.
Cây địa du còn có tên khác là ngọc xị, tạc táo, qua thái,…Tên khoa học là Sanguisorba officinalis L. Rosaceae. Thuộc loại cây thân thảo, lâu năm, mọc hoang ở rừng núi, chiều cao trung bình khoảng 0,5-1m. Rễ cây dạng thân bò ngầm dưới đất, màu nâu. Lá địa du có dạng cuống dài và búp lông chim. Mỗi lá có từ 3-14 đôi lá chét hình trứng tròn hoặc hình bầu dục dài với đầu lá tù. Mép lá có dạng răng cưa thưa. Cụm hoa hình bông, mọc ở ngọn. Hoa lưỡng tính, nhỏ có màu đỏ sẫm hay hồng tím. Quả có lông hình cầu.
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, thu hái rửa sạch phơi khô. Dược liệu thường được chế biến thành lát hình tròn hay hình bầu dục không đều với độ dày trung bình khoảng 0,2 - 0,5 cm, mặt cắt có màu nâu hoặc đỏ tía. Dược liệu địa du không có mùi, vị hơi đắng, tính hơi hàn (lạnh), không có độc tính, tính chất mát huyết, cầm máu.
Thành phần chủ yếu trong dược liệu địa du là tannin. Ngoài ra còn có các thành phần khác như saponozit, flavon. Theo y học hiện đại, địa du dùng với tính chất cầm máu, chảy máu tiêu hóa, rửa vết loét, khí hư.
Một số bài thuốc trong y học cổ truyền có địa du:
Điều trị kinh nguyệt ra nhiều, chu kỳ kinh nguyệt dài ngày: Địa du (sao vàng xém cạnh) 15g và hạn liên thảo 8g. Đem các vị thuốc đã chuẩn bị rửa sạch cho vào ấm thuốc, đổ thêm khoảng 3 bát con nước, sắc nhỏ lửa cho đến khi còn 1 bát. Tiếp theo, cho thêm 2 bát con vào ấm sắc còn 1 bát. Sau đó, đem 2 nước thuốc vừa làm trộn lẫn, chia thành 3 lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn ấm. Một liệu trình điều trị bệnh thông thường kéo dài khoảng 10 ngày.
Điều trị khí hư dài ngày, kiết lỵ ra máu: địa du 16g; đương quy 12g, ô mai 12g, a giao 12g, kha tử nhục 12g, mộc hương 6g và hoàng liên 6g. Nghiền tất cả dược liệu kể trên thành bột mịn, luyện với mật làm từng viên hoàn. Mỗi lần uống khoảng 8g, ngày uống 2 lần hoặc sắc uống.
Ngoài ra địa du còn có một số bài thuốc giúp điều trị các chứng bệnh nước tiểu sẻn đỏ (do nóng), trị ho do lao phổi, chảy máu cam do nhiệt. Tuy nhiên, người bị huyết hư hàn, có ứ huyết không nên dùng dược liệu địa du.
Đồng thời, trước khi sử dụng địa y trong điều trị bệnh, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ Đông y hoặc thăm khám tại các bệnh viện có khoa Y học cổ truyền để có cách sử dụng thuốc tốt và đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh.
Công dụng trong y học của cây dền gai |
Một số công dụng tuyệt vời của đậu đen |
Những dấu hiệu rối loạn tiền mãn kinh ở chị em phụ nữ |