Hà Nội vốn có ý nghĩa là thành phố bên sông, nhưng đến nay vẫn chưa thể quy hoạch xây dựng phát triển đô thị ven sông Hồng. Trong khi việc phát triển đô thị quanh các dòng sông vẫn luôn là sự ưu tiên của các nước trên thế giới.
Thực tế cho thấy các đô thị ven sông không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở và giúp tăng chất lượng cuộc sống của người dân cũng như phát triển các dịch vụ du lịch. Vì vậy, việc quy hoạch và phát triển đô thị ven hai bờ sông Hồng là hết sức cần thiết.
UBND TP Hà Nội vào cuộc
Mới đây, UBND Hà Nội tái khởi động lại quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Đây không phải lần đầu công việc này được thực hiện.
Nhiều phương án quy hoạch sông Hồng trong hơn 20 năm qua đã được nhiều đơn vị đề xuất song đều trở thành những giấc mơ dang dở, vì nhiều lý do khác nhau.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thừa nhận, thực lực tài chính của thành phố trong 5 năm tới còn khó khăn, chưa thể đầu tư làm đê hai bên bờ sông Hồng, cũng như di dời 900.000 dân đang cư trú ở khu vực bờ sông với tổng chiều dài trên 4 km.
Tới đây, Hà Nội sẽ tính toán xây dựng quy hoạch làm đê kết hợp với đường, đảm bảo chống lũ cấp 3.
Nhiều phương án quy hoạch sông Hồng trong hơn 20 năm qua đã được nhiều đơn vị đề xuất song đều trở thành những giấc mơ dang dở
Thành phố cũng đang tính toán phương án đền bù bằng tiền để người dân có thể tự mua nhà tái định cư… Dự kiến, đồ án quy hoạch sẽ được lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia trước ngày 30/7, sau đó sẽ trình Thường trực Thành ủy Hà Nội và Thủ tướng xem xét quyết định.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết: Trong suốt 30 năm qua, kể từ khi Hà Nội xác định định hướng phát triển thành phố ven sông, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước “đánh tiếng” đồng ý góp vốn đầu tư nghiên cứu quá trình trị thủy, từ đó đề xuất các dự án phát triển hạ tầng ở 2 bên bờ sông Hồng.
Một số ý kiến cho rằng, cũng vì quá trình trị thủy sông Hồng chậm chễ, nên Hà Nội đã đánh mất nhiều cơ hội phát triển ở hai bên bờ sông.
“Trước lợi ích kinh tế từ 2 bên bờ sông Hồng đem lại, nếu Hà Nội quyết tâm làm và kêu gọi đầu tư, chắc chắn không thiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ cùng đồng hành. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là vấn đề thoát lũ, cần phải tìm ra một phương án khả thi và an toàn nhất nếu không việc quy hoạch sẽ khó thực hiện được”, ông Nghiêm nói thêm
Những lưu ý “sống còn” khi triển khai
Để triển khai hiệu quả dự án cần đảm bảo các yếu tố về quy hoạch, thỏa mãn các chính sách pháp luật cũng như cần có phương án xử lý đê điều, giải pháp ứng phó lũ của dòng sông.
Về vấn đề quy hoạch: Để dự án được khả thi cần đảm bảo yếu tố đồng bộ trong việc quy hoạch dự án với hai bên bờ sông vì khu đô thị mang tính đặc thù nên cần được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, định hướng giao thông theo mô hình phát triển quy hoạch riêng của khu đô thị đó và đồng thời đảm bảo hài hòa với quy hoạch chung của thành phố Hà Nội.
Khu vực bãi giữa sông Hồng có nhiều tiềm năng phát triển
Hiện nay, tình trạng giao thông của thành phố đang tồn tại những bất cập đó là người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân là chính, trong khi phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế. Nếu khu đô thị ven sông được hình thành nên áp dụng theo TOD (Transit Oriented Development) để hạn chế ùn tắc giao thông, mang lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng dân cư và giảm ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông cá nhân gây ra. Đây là khu đô thị nằm ven sông, phía trong đê nên cần có sự nghiên cứu kỹ yếu tố đặc thù về vị trí địa lý nhằm đảm bảo hài hòa nhu cầu giao thông giữa khu đô thị với hệ thống giao thông lân cận.
Phát triển đô thị ven sông cũng cần có giải pháp ứng phó lũ của dòng sông. Sở dĩ dòng sông Hồng được bắt nguồn từ Trung Quốc và được tạo thành từ hợp lưu của nhiều con sông trước khi chảy qua Hà Nội, do đó khi triển khai cần lưu ý các giải pháp chống lũ và kiểm soát được cao độ mực nước ảnh hưởng đến khu dân cư.
Trên thực tế, hơn 20 năm qua chưa xảy ra tình trạng nước lũ nguy hiểm và người dân cũng đã ở dọc 2 bên sông ngày nhiều hơn. Tuy nhiên, khi triển khai chúng ta cần có các giải pháp ứng phó với việc này, đồng thời đảm bảo sự hài hòa của dòng chảy cho khu vực hạ lưu, điều hòa lưu lượng dòng nước không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân 2 bên bờ sông cũng như việc sản xuất nông nghiệp của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Ngoài ra, việc trị thủy đồng thời cần đảm bảo yếu tố môi trường, phát triển đô thị nhưng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên của con sông và khu vực xung quanh hai bên bờ sông, việc nắn chỉnh 2 bên bờ sông (nếu có) cần được nghiên cứu trên cơ sở khoa học để không ảnh hưởng đến vùng hạ lưu sông, các di tích lịch sử đền, chùa miếu mạo… trên 2 bờ sông và tốt về mặt phong thủy. Nếu chúng ta làm được các nội dung trên, khu đô thị dọc 2 ven sông có thể trở thành “đô thị đáng sống” nhất nhì ở Việt Nam.
Trong gần 30 năm qua, có một số dự án quy hoạch sông Hồng nhưng chưa thành hiện thực.
Dự án Trấn Sông Hồng năm 1994, nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng. Theo thỏa thuận với thành phố, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án. Do có một số vướng mắc, đặc biệt là vấn đề trị thủy nên dự án chưa triển khai được.
Đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng. Giữa năm 2006, lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020. Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bị dừng triển khai.
Năm 2016 có ba doanh nghiệp tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng theo 2 phương án. Một là xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị, giữ an toàn nội đô (chống lũ trên báo động 3), thay thế cho tuyến đê hiện tại. Hai là quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo chống lũ báo động 2; bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng hệ thống hồ, kênh thu nước, phục vụ tiêu thoát nước hỗ trợ tuyến đê phía trong (đê hiện tại) đảm bảo chống lũ trên báo động 3.
Khánh HKhánh