Những thực phẩm tốt cho lá phổi Những thực phẩm không nên sử dụng cùng với bưởi Những thực phẩm "kẻ thù" của người bệnh trĩ |
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hoá
Rất nhiều gia đình mâm cơm ngày Tết chỉ có những món ăn giàu đạm mà thiếu đi các món rau. |
PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, dịp Tết nhiều người thường bày biện, phô trương những món ăn đắt tiền, giàu năng lượng và cho rằng, đây mới là những món ăn ngon và ăn thật nhiều. Tuy nhiên, việc ăn quá “lố” một nhóm thực phẩm nào đó, nhất là trong dịp Tết sẽ khiến nhiều vơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong mâm cơm ngày Tết, các gia đình thường có rất đa dạng các món ăn. Thế nhưng, các món ăn chủ yếu lại giàu chất đạm, đường, chất béo như: bánh chưng, bánh tét, các loại giò chả, thịt đông. Cách chế biến các món ăn này chủ yếu là chiên rán hoặc xào với nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, các món ăn vặt trong ngày Tết rất nhiều như bánh ngọt, mứt, kẹo, nước uống có gas; trong khi đó trái cây tươi và rau xanh lại rất ít.
Bác sĩ Hưng lấy ví dụ như Tết ăn quá nhiều đồ giàu đạm, đường, chất béo hệ tiêu khóa sẽ phải làm việc ngày đêm, gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa. Không chỉ có vậy, gan-thận cũng phải hoạt động hết tốc lực, khi bị quá tải sẽ gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ, mất dần chức năng thận. Trong khi đó, những thực phẩm sẵn có, rẻ tiền và rất tốt cho sức khỏe, nhất là hệ tiêu hóa trong dịp Tết mọi người thường ít ăn.
Bác sĩ Hưng chỉ đích danh thực phẩm bị “bỏ quên” trong dịp Tết đó là rau. Theo đó, trên mâm cơm ngày Tết có rất ít các loại rau, nếu có cũng thường được chế biến kết hợp với thịt như hầm xương, làm nộm… như vậy khi ăn cũng sẽ nạp nhiều năng lượng vào cơ thể. Không chỉ có vậy, khi vào mâm cỗ Tết đa số mọi người thưởng thức những món ngon, giàu đạm trước, rất ít người dùng rau trước.
“Đây là một thói quen không tốt. Bởi khi ăn các đồ giàu đạm sẽ tạo nên cảm giác no, rồi bỏ luôn việc ăn rau. Trong khi đó, rau chính là thực phẩm giúp cho việc tiêu hóa chất đạm được dễ dàng hơn”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.
BS. Nguyễn Thị Hòa, Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng TP.HCM lại cho rằng, nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa trong dịp tết là do việc ăn uống không đúng giờ và điều độ như ngày thường. Đây là dịp mọi người dành thời gian để nghỉ ngơi và đi chơi Tết, không chú trọng nhiều đến việc ăn uống nên đôi khi sẽ bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều bữa. Những điều này dễ có nguy cơ gây ra rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra có một nguyên nhân mà rất nhiều người mắc phải là bảo quản thực phẩm chưa đúng. Trước Tết, người dân thường có thói quen tích trữ rất nhiều thực phẩm. Đến ngày Tết, thực phẩm lại bị dư thừa, cần phải bảo quản lại. Tuy nhiên, nhiều gia đình không biết cách bảo quản thực phẩm đúng hoặc tâm lý chủ quan dẫn đến sử dụng những thực phẩm ôi thiu, bị nhiễm khuẩn chéo từ các loại thực phẩm khác gây rối loạn tiêu hóa.
Xua tan nỗi lo rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết
Khi vào bữa ăn hãy dùng rau trước, ăn các thực phẩm khác sau. |
Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Hưng khuyên mọi người tốt nhất khi vào bữa ăn hãy dùng rau trước, ăn các thực phẩm khác sau. Bởi rau cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho cơ thể hoạt động, giúp chức năng tiêu hóa trơn tru hơn, nhất là với trẻ nhỏ. Không chỉ có vậy, ăn rau trước còn là cách để hạn chế tăng cân trong dịp Tết.
Theo khuyến cáo, mỗi ngày một người trưởng thành phải ăn 400-500g rau xanh, quả chín. Trẻ nhỏ ăn khoảng 200-300g. Tính một cách đơn giản, mỗi bữa cần cho trẻ nhỏ ăn ít nhất nửa bát rau. Với trẻ lớn và người trưởng thành nên ăn 1 bát rau/bữa và nên ăn đa dạng các loại rau.
" Đặc biệt, trong dịp Tết với người đang cần kiểm soát cân nặng, đường huyết thì rau có vai trò rất quan trọng. Dịp Tết có rất nhiều loại rau đang vào mùa, vì thế mọi người có thể lựa chọn để ăn đa dạng, vì mỗi loại rau đều có những vai trò, cung cấp nguồn dinh dưỡng khác nhau cho cơ thể”, bác sĩ Hưng cho hay.
Một vấn đề bác sĩ Hưng cũng hết sức lưu ý, đó là cách chế biến rau dịp Tết. Theo đó, nhiều người đổi bữa từ mâm cơm truyền thống sang ăn lẩu, cho rằng như vậy sẽ ăn được nhiều rau hơn, nhưng đôi khi gặp phải sai lầm khi ăn cũng khiến rau mất đi nhiều tác dụng. “Khi ăn lẩu, nếu nước lẩu quá đậm đặc, quá béo thì dù ăn rau năng lượng vẫn nạp vào cơ thể khá nhiều. Hơn nữa, ăn lẩu thường ngồi lâu, rau được ninh quá kỹ, nhất là các loại rau lá khiến dinh dưỡng mất đi nhiều”, bác sĩ Hưng cảnh báo.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo, trong dịp Tết việc ăn rau là cần thiết, nhưng nên chọn những loại rau và cách ăn rau phù hợp, mang lại hiệu quả và nguồn dinh dưỡng cao. Với các loại rau đảm bảo an toàn, có thể ăn sống được, nhưng cũng nên hạn chế để tránh nhiễm ký sinh trùng. Tốt nhất nên hấp, luộc, trộn salad hoặc xào nhẹ để thay đổi khẩu vị mỗi ngày và có được nhiều dinh dưỡng. Không ăn rau để qua đêm hoặc nấu đi, nấu lại nhiều lần trừ canh măng.
Mâm cơm ngày Tết nên kết hợp hài hòa các nhóm thực phẩm, trong đó cần đa dạng các loại rau. |
Theo BS. Hòa khuyến cáo người dân nên có chế độ ăn cân đối. Theo đó, chế độ ăn cân bằng không có nghĩa là bỏ hết những món ngon ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, giò chả, bánh kẹo... mà người dân cần có ý thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Mọi người có thể áp dụng nguyên tắc dinh dưỡng là 80/20.
Cụ thể, không cần kiêng hoàn toàn các loại thực phẩm vào dịp Tết nhưng nên giới hạn sử dụng dưới 20% là bánh kẹo, mứt, nước ngọt. Còn lại 80% là thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Đối với những bữa phụ ngày Tết, bạn có thể tăng cường ăn các loại trái cây và nhiều loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dương, hạt điều.
Bên cạnh lựa chọn thực phẩm an toàn thì việc bảo quản thực phẩm đúng cách cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, bảo vệ cơ thể khỏi những triệu chứng khó chịu của rối loạn tiêu hóa. Người dân cần phân loại thực phẩm tươi và thực phẩm chín để tránh lây nhiễm chéo khi dự trữ trong tủ lạnh.
Ngoài ra, tủ lạnh cũng cần được vệ sinh định kỳ ít nhất một lần/tháng vì đây là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất mà mọi người không nhìn thấy được. Mọi người phải luôn nhớ rằng thực phẩm phải được hâm nóng trước khi ăn, ưu tiên ăn đồ ăn nấu chín. Đồ ăn để bên ngoài trên hai tiếng cũng phải hâm lại để tránh ngộ độc thực phẩm.