Tình trạng ùn tắc giao thông ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Ùn tắc giao thông dịp cuối năm làm nhiều người bị ảnh hưởng cả về kinh tế, lẫn sức khỏe. |
Thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, nhất là ở nhiều thành phố, đô thị lớn. Nhiều nơi không chỉ ùn tắc vào giờ cao điểm mà còn xảy ra ở mọi thời điểm trong ngày. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do dịp cuối năm mọi người đi lại, mua sắm nhiều hơn.
Ngoài ra, hiện các phương tiện giao thông tăng quá nhanh, nhất là ô tô, trong khi cơ sở hạ tầng đường sá chưa đáp ứng được đà tăng của phương tiện, dân số. Bên cạnh đó, việc mọi người lo ngại trong quá trình di chuyển, giữ an toàn nên chậm hơn thường ngày cũng gây nên tình trạng ùn tắc.
Việc ùn tắc giao thông không chỉ ảnh hưởng đến công việc, kinh tế, xã hội… nó còn gây tác động rất nhiều tới sức khỏe. Ths.BS Đoàn Dư Mạnh (thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam) cho biết, khi tắc đường, thời gian ngồi lái ô tô, xe máy kéo dài gấp 2-3 lần bình thường, ngày nào cũng lặp lại như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.
Cụ thể, với người lái xe ngồi lái xe lâu, trước hết sẽ bị cột sống thắt lưng do phải ngồi nhiều. Tiếp đến sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây tâm lý stress liên tục và kéo dài, từ đó gây nên tình trạng đau nửa đầu, trầm cảm hoặc quá khích thần kinh. Mặt khác, việc ngồi một tư thế lâu và lặp lại liên tục sẽ khiến cột sống bị thoái hóa, đau cổ vai gáy, nặng hơn có thể gây chèn ép thần kinh cột sống, gây tê đau dọc từ cổ vai đến bàn tay ở một bên.
Ngoài xương khớp và thần kinh, việc mắt phải làm việc liên tục trong một thời gian, cùng với sự căng thẳng sẽ bị ảnh hưởng đến thị lực như tăng độ cận hoặc lão hóa mắt. Đặc biệt, hệ hô hấp sẽ là bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất với cả người đi ô tô và xe máy, khi bụi khói từ ô nhiễm môi trường, xăng xe thải ra khi tắc đường.
“Kể cả đi ô tô khi hít thở trong không gian hẹp cũng bị ảnh hưởng, nếu mở cửa thì khói bụi càng nhiều. Điều này sẽ gây tăng nặng tình trạng viêm xoang, viêm đường hô hấp, viêm phế quản phổi mạn tính. Nhiều trường hợp còn thiếu ô xy lên não, làm cho hệ tim mạch cũng ảnh hưởng khi phải tăng nhịp tim và huyết áp do hô hấp kín thiếu oxy hoặc hít nhiều khói xe”, bác sĩ Mạnh cảnh báo.
Tắc đường còn làm tăng tính căng thẳng, từ đó những vụ va chạm giao thông đột ngột rất dễ xảy ra, khi đó dễ gây nên chấn thương phần mềm. Hay những cơ quan nội tạng tưởng chừng như không bị ảnh hưởng, nhưng khi tắc đường sẽ đều bị tác động.
“Hệ tiêu hóa cũng ảnh hưởng, ví dụ như tăng nguy cơ bị viêm dạ dày do căng thẳng. Hoặc táo bón do lái xe kéo dài không uống đủ nước, kèm theo ai bị trĩ cũng nặng lên tình trạng bệnh. Ngồi nhiều 1 tư thế kéo dài cũng gây ứ trệ máu gây suy giãn tĩnh mạch; thận cũng dễ bị sỏi; dễ viêm tiết niệu do uống ít nước hoặc nhịn tiểu liên tục. Qua đó cho thấy việc tắc đường kéo dài rất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của cộng đồng, những người tham gia giao thông”, bác sĩ Mạnh cho hay.
Giải quyết tình trạng ùn tắn giao thông
Để khắc phục, một trong nhiều việc cơ quan chức năng đã làm là tăng thời gian đèn xanh phù hợp lưu lượng phương tiện. |
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM xác nhận, từ đầu năm 2025 lưu lượng phương tiện tại các tuyến đường trung tâm tăng 11,4%, trong khi ùn tắc tại cửa ngõ và trung tâm lần lượt hơn 10% và 17%. Để khắc phục, một trong nhiều việc cơ quan chức năng đã làm là tăng thời gian đèn xanh phù hợp lưu lượng phương tiện.
Phương án cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở hàng loạt vị trí cũng được áp dụng. Tính đến ngày 14/1, 181 bộ đèn tín hiệu rẽ phải ở 78 nút giao chủ yếu khu vực trung tâm như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai... được lắp đặt. Công tác khảo sát, lắp đặt thêm dự kiến hoàn thành trước ngày 19/1.
Một động thái nữa, lực lượng CSGT được huy động trên mọi điểm nóng như sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe liên tỉnh, khu vực trung tâm. Những cảng lớn như Phú Hữu, Trường Thọ, Phước Long, Sở GTVT phối hợp phân làn theo khung giờ, đồng thời cập nhật tình hình qua VOV Giao thông và bảng điện tử để người dân lựa chọn cách di chuyển.
Bến phà Cát Lái, bến phà Bình Khánh tăng số chuyến lên 240 và 180 chuyến đôi/ngày trong khi phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu tăng lên 35-50 chuyến/ngày. Tuyến buýt đường thủy số 1 và tàu cao tốc Sài Gòn - Vũng Tàu đặt mục tiêu chuyên chở 5.000 và 1.000 khách/ngày. Trong nỗ lực giảm áp lực cho đường bộ, ga Sài Gòn, tuyến metro số 1 đã có kế hoạch. Sở GTVT cam kết theo dõi hiệu quả hàng loạt giải pháp, đặc biệt việc lắp đèn rẽ phải, nhằm điều chỉnh kịp thời để bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn trong dịp cao điểm Tết.
Áp lực giao thông tại TP. Hà Nội tương tự TP. HCM. Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, thông tin năm 2024, việc tổ chức, quản lý vận tải, phát triển hạ tầng, ứng dụng số... tại đơn vị dù chuyển biến tích cực nhưng giao thông vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện 16 điểm ùn tắc mới. Trước tình hình này, đơn vị cử thanh tra giao thông phối hợp cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông phân luồng, điều tiết.
Nói về nút giao thông Thanh Xuân (Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển), theo ông Thường, đây là vị trí tắc đường thường xuyên và ảnh hưởng một số tuyến đường khác. Sở GTVT Hà Nội đã khảo sát, đưa ra nhiều phương án. Trước mắt, cuối tuần này sẽ thực hiện phương án điều chỉnh, mục tiêu là giảm tình trạng ùn tắc kéo dài như đã thực hiện với nút giao Ngã Tư Sở.
Với Vành đai 3 trên cao, theo ông Nguyễn Phi Thường, lượng xe tải, xe kinh doanh lưu thông rất lớn. Phương án giảm hoặc cấm và thực hiện vào thời gian nào, đơn vị sẽ giao cơ quan tham mưu khảo sát, lập kế hoạch cụ thể để báo cáo Sở GTVT chấp thuận thực hiện.