Nhiều diện tích trồng lúa ở miền Tây đã chuyển sang loại cây trồng khác nhằm thích ứng biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, điều kiện thời tiết có những thay đổi bất thường so với trước, nhiệt độ các tháng trong năm, mùa khô và mùa mưa không còn tuân theo quy luật chung. Mùa mưa đang có xu hướng đến muộn, có năm đến sớm, mùa khô thì xảy ra hạn hán làm nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn miền Tây bị thiệt hại.
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, Bộ NN&PTNT đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Ðặc biệt, việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới (lúa, thanh long, chanh,...) có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) được chú trọng để duy trì được năng suất cây trồng.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng” (3G3T), kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm” (1P5G), quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), làm đất tối thiểu, che phủ bằng thảm thực vật, hình thành các chuỗi liên kết nông sản bền vững,...
Người nông dân miền Tây đang chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo UBND tỉnh An Giang, những năm qua, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất theo hướng giảm đất lúa. Nếu như năm 2013, toàn tỉnh sản xuất hơn 641.340ha lúa thì nay giảm xuống dưới 620.000ha. Đa phần diện tích chuyển đổi ưu tiên trồng cây ăn trái và rau màu; trong đó hình thành những vùng rau màu tập trung, như ở huyện Chợ Mới gần 700ha, huyện Tri Tôn với 3.200ha… Hiện tỉnh tiếp tục phát triển 2.000-2.500ha vùng chuyên canh bắp thu trái non, 4.100ha trồng bắp lai, 450ha đậu nành rau, 500ha đậu bắp Nhật… Chuyển dịch hợp lý giúp giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đạt 183 triệu đồng/héc-ta, cao hơn so với năm 2015 là 120 triệu đồng/héc-ta.
Với điều kiện tự nhiên phù hợp với nhiều giống cây trồng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, những năm qua, tỉnh Long An cũng luôn xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, chuyển những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Năm 2019, tỉnh đã chuyển 2.500ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác: Thanh long 670ha, chanh 150ha, mít 383ha, dừa 365ha, bưởi 80ha, sầu riêng 40ha,...; chuyển sang nuôi và ươm giống thủy sản khoảng 1.100ha. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.
Các loại rau màu, ăn quả đang có xu hướng tăng do mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, vụ Hè Thu năm 2019 nông dân trồng rau trên đất lúa đạt doanh thu 143 triệu đồng/héc-ta, lợi nhuận 88 triệu đồng; trồng dưa hấu doanh thu 169 triệu đồng/héc-ta, lợi nhuận 70 triệu đồng… Từ hiệu quả đó, vụ Hè Thu 2020 này, tỉnh khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển đổi để tăng giá trị.
Bên cạnh đó, ở Đồng Tháp vụ Hè Thu trước, nông dân chuyển đất lúa sang trồng khoai lang tím đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng/héc-ta, trừ chi phí còn lời 95 triệu đồng; trồng ớt doanh thu tới 418 triệu đồng/héc-ta, lời hơn 243 triệu đồng… cao nhiều lần so với trồng lúa. Nhiều nông dân ĐBSCL còn áp dụng các mô hình sản xuất an toàn VietGAP, nông nghiệp công nghệ cao (rau thủy canh, trồng dưa lưới tưới nhỏ giọt…), hay mô hình trồng hoa lan, hoa trang trí, cây kiểng… có thu nhập tốt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận, phần lớn các tỉnh, thành ĐBSCL chuyển đổi cây trồng có hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân; tiết kiệm nước tưới trong tình hình hạn mặn ngày càng gia tăng; việc luân canh cây trồng còn giúp cải tạo đất, giảm sâu bệnh. Dù vậy, hạn chế hiện nay là thủy lợi tưới tiêu chưa phù hợp; một số cây trồng chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh yếu do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ giới hóa khó khăn, vật tư đầu vào tăng, giá thành sản xuất cao.
Đặc biệt, một số nơi thiếu sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm, khiến đầu ra chưa ổn định. Các chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cũng chưa mạnh… Đây là những tồn tại cần nhanh chóng tháo gỡ kịp thời, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tăng giá trị sản xuất trong thời gian tới.
Khánh Hòa