Mỗi ngày, ông Mạc Thanh Long bán ra 3 tạ lá chuối |
Có những ngày mình bán ra 3 tạ lá, thu về hơn 1 triệu 200 ngàn đồng. Vị chi mỗi tháng có khoảng hơn 30 triệu đồng...", Đó là lời bộc bạch về nguồn thu từ bán lá chuối của ông Mạc Thanh Long ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An)
Ông Mạc Thanh Long cho biết, ngày xưa bản Khe Kiền này nghèo lắm, nhà ông cũng rất nghèo, may nhờ có cây pảng (tiếng Thái là cây chuối), nhà ông và nhiều gia đình trong bản không những thoát nghèo, còn trở nên khá giả.
“Được nhận 4 ha đất rừng sản xuất mà ngao ngán, toàn những cây dại lúp xúp không khoanh nuôi được, phát đi trồng mới thì phải đầu tư quá lớn. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, mình tự đặt câu hỏi, tại sao không trồng cây chuối rừng xem sao. Huy động cả nhà vào rừng, đào gốc chuối về trồng. Thật không ngờ nó lớn rất nhanh, chỉ sau 5 tháng là cây đã cao, lá đã nhiều”, ông Long nhớ về những ngày lập nghiệp.
Lá chuối nhà ông Long bao giờ cũng đắt khách hơn cả. Cứ hàng của ông Long Khe Kiền, là khách không cần phải kiểm tra. Tin nhau là vậy. Và mấy năm nay ông cũng không mất công đếm tiền như trước, chuyển khoản hết. “Chúng tôi làm ăn, hàng không cân, tiền không đếm”, ông Long cười rạng rỡ.
Ông Long cho biết thêm, lá chuối thì đem bán khắp nơi, ra tận Thanh Hóa, Nam Định… Rọc lấy phần lá rồi, đừng nghĩ cái cồi đem vứt bỏ, không đâu, thái ra làm thức ăn cho cá đấy. Thân cây thì ai cũng biết là thức ăn chính cho gia súc. Đến gốc chuối cũng cứ “mọc” ra tiền, mỗi gốc có giá 15.000 đồng chứ chẳng ít đâu. “Thỉnh thoảng bà con ở các bản người Mông lại đánh xe đến mua đủ thứ từ cây chuối, gốc thì đem về trồng, lá rách và cồi thì làm thức ăn chăn nuôi dê. Con dê nó “nghiện” món lá chuối này lắm đấy”, ông Long nói.
Sau thành công của chính mình, thay vì độc quyền, ông đã vận động bà con cùng tham gia trồng chuối rừng. Ông kể, đầu tiên là vận động các hộ nghèo, những người có họ hàng với ông. “Không phải tôi cục bộ đâu, mà người họ hàng thì họ tin mình hơn, nói là họ nghe”, ông Long đã bắt đầu công việc vận động như thế.
Ông Long thành thật: Mình nói với bà con, cứ mạnh dạn trồng đi, chừng nào người Việt Nam còn làm bánh thì còn cần đến lá chuối, nhất là lá chuối rừng.
Thu hoạch lá chuối giúp người dân xã Tri Phú (huyện Chiêm Hóa,, tỉnh Tuyên Quang) có thu nhập ổn định |
Cũng nhờ cắt lá chuối bán mà người dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) có nguồn thu nhập ổn định.
Tri Phú là địa phương có diện tích chuối lớn của huyện Chiêm Hóa với trên 300 ha, theo kinh nghiệm của những người dân trồng chuối nơi đây, nếu quả chuối chỉ được thu hoạch theo mùa thì lá chuối lại đang được nhiều hộ dân thu hái và xuất bán quanh năm, phục vụ cho việc gói bánh, gói giò, chả, nem, bọc rau xanh… tại thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa.
Từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Nghiệp, thôn Bản Sao, xã Tri Phú (huyện Chiêm Hóa) đã chuẩn bị lên đường thu hái lá chuối. Với những người làm nghề chuyên nghiệp như chị Nghiệp thì ở đâu trồng chuối, có chuối, chị đều thuộc như lòng bàn tay.
Dụng cụ mang theo cũng đơn giản, chỉ là một cái câu liềm và bao tải to để đựng lá. Trong bộ quần áo lấm lem nhựa chuối, chị Nghiệp róc từng mảnh lá chuối nhanh thoăn thoắt. Mỗi ngày, chị Nghiệp có thể lấy được từ 80 kg đến 1 tạ lá chuối.
Mỗi kg lá chuối được thương lái thu mua từ 5,5 nghìn đồng đến 7 nghìn đồng/kg, nhờ đó chị có thể kiếm được từ 400 đến 500 nghìn đồng/ngày.
Tưởng chừng như việc thu hái lá chuối là đơn giản nhưng thực chất lại đòi hỏi kỹ thuật, trong đó, yếu tố đầu tiên là phải hái chọn lựa những tàu lá to bản, dày, có chiều ngang từ 25 cm đến 30 cm, màu xanh mướt và dùng dao dọc lá cẩn thận sao cho không bị rách, gãy vụn để bảo đảm sử dụng hiệu quả.
Anh Đinh Văn Chương, thôn Kim Quang, xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa) cho biết: “Gia đình tôi thu nhập chủ yếu từ trồng chuối, bên cạnh đó, tôi có thêm nghề thu hái lá chuối tây. Nếu chịu khó dậy sớm thì trung bình mỗi ngày gia đình tôi thu hái được 50 - 70 kg lá, cho thu nhập 300 - 350 nghìn đồng. Trong xã không chỉ có gia đình tôi mà rất nhiều gia đình khác cũng đang làm thêm nghề này”.