Canh chua xương rồng |
Quảng Bình là vùng đất của những món ăn hấp dẫn cùng cái tên độc đáo. Không chỉ gấy ấn tượng với món cháo bánh canh Quảng Bình, giờ đây, “tấm bản đồ” thế giới ẩm thực của vùng đất nơi duyên hải miền Trung nắng gió còn có một món canh xương rồng siêu thú vị nữa, thu hút sự chú ý của đông đảo thực khách.
Nghe lạ tai là thế, ấy vậy nhưng món canh xương rồng Quảng Bình lại là món ăn dân dã, bình dị và gần gũi, thường xuất hiện trên mâm cơm của người dân sinh sống tại các làng chài ven biển. Món canh này có hương vị chua chua, ngọt thanh và giòn giòn, không dai vụn của xương rồng, rất thích hợp để thưởng thức trong những ngày khí trời oi nóng.
Canh xương rồng Quảng Bình còn có cái tên khác là canh lưỡi long. Món ăn đặc biệt này thường được người dân sinh sống quanh các làng chài ven biển dùng làm món chống đói trong những ngày biển động, người dân không thể dong buồm ra khơi đánh cá.
Ban đầu khi nghe đến tên món ăn này, bạn có thể sẽ nghĩ ngay đến loại canh được chế biến cầu kỳ, thế nhưng thật ra không phải vậy. Món canh xương rồng Quảng Bình có cách chế biến cực kỳ đơn giản với nguyên liệu dân dã và rất dễ tìm. Nếu bạn muốn thưởng thức món ăn này ngay tại nhà thì lưu ngay công thức vào cuốn sổ tay cẩm nang du lịch của mình ngay nhé.
Nguyên liệu chế biến món canh xương rồng
Vài nhánh xương rồng non, màu xanh nhạt, thân mập. Có thể chọn loại lưỡi long, tai thỏ để ít gai, dễ chế biến hơn.
Cá: Cá lóc, cá mối, cá ngần, cá ngạnh... Rất nhiều loại cá có thể nấu cùng xương rồng, nhưng ngon và dễ tìm mua nhất vẫn là cá lóc.
Rau ngổ
Đậu bắp
Hành lá, dọc mùng, ớt (có thể không có)
Cách sơ chế và nấu
Bước 1: Dùng dao sắc xẻ dọc viền các cánh xương rồng để loại bỏ gai nhọn. Nếu cắt trực tiếp từ cây, ta có thể thực hiện ngay trên cây tránh bị gai đâm vào tay.
Bước 2: Dùng đầu móng tay bấm vào các góc nhọn ở sát lõi, lột nhẹ nhàng là sẽ ra được toàn bộ phần vỏ của xương rồng. Phần vỏ này như một lớp màng mỏng, cần được lột sạch.
Bước 3: Chẻ các cánh xương rồng ra khỏi phần lõi, thái thành dạng sợi. Phần lõi cứng thì bỏ đi
Bước 4: Cho chút muối vào và bóp rửa thật sạch phần thịt xương rồng thái nhỏ ở trên. Việc này rất quan trọng, nó giúp cho xương rồng sạch hết nhựa và không còn bị đắng chát nữa.
Bước 5: Dùng tay vắt ráo nước trong xương rồng.
Bước 6: Sơ chế nguyên liệu khác như rau ngổ, đậu bắp rửa sạch thái đoạn. Cá cắt khúc, ướp gia vị và rán sơ.
Bước 7: Phi chút hành khô cho thơm. Cho cá vào, chế nước đủ dùng, nêm nếm gia vị vừa miệng. Nước sôi thì thả xương rồng, đậu bắp vào nấu đến khi chín mềm. Thả rau ngổ vào và tắt bếp.
Vị đầu tiên cảm nhận được trong bát canh xương rồng là vị chua thanh nhẹ, dễ chịu. Không chỉ vậy, nhai miếng xương rồng được nấu chín nhưng lại thấy dai, giòn, lạ miệng vô cùng. Thêm vào là vị ngọt của đậu bắp, đậm đà của cá và vị thơm đặc trưng của rau ngổ. Bát canh được nấu từ nguyên liệu khá đặc biệt, nhưng lại gần gũi trong mâm cơm hàng ngày.
Nếu như ngày trước, xương rồng là món rau cứu đói của người dân vùng biển nghèo, thì ngày nay nó lại trở thành một đặc sản nức tiếng. Không chỉ thế, các món ăn từ cây xương rồng cũng rất tốt cho sức khỏe và được mệnh danh là "siêu thực phẩm" mới.
Hiện nay các quán ăn dọc biển đều bán canh xương rồng, mỗi quán có một bí quyết riêng. Món canh xương rồng của bà Hà chưa từng được quảng cáo qua một hình thức nào, nhưng vẫn hút khách và được nhiều người biết đến qua truyền miệng sau khi thưởng thức.
Loài cây gai góc, sống ở nơi khô cằn không ngờ lại có hương vị thanh chua, kết hợp với vị ngọt, béo của cá đuối cùng những bí quyết pha trộn gia vị của bà Hà, khiến nhiều thực khách phải nhớ đến mỗi khi đến Quảng Bình.
Trong những dịp cao điểm của du lịch Quảng Bình, tại quán của bà Hà có thể bán từ 100 - 150 tô canh xương rồng mỗi ngày. Để có đủ nguồn nguyên liệu, gia đình bà Hà đã nhân giống loài cây xương rồng đặc biệt này đem trồng, để đủ đáp ứng mỗi khi mùa du lịch đến.