![]() |
Khác phong vị ngọt đậm truyền thống kiểu miền Tây, lẩu mắm Cần Thơ gây ấn tượng với thực khách bởi mùi vị đặc trưng của mắm kho và sắc màu rực rỡ của hàng chục loại rau dân dã ăn kèm.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về nơi sản sinh ra món lẩu mắm đặc sắc này. Tương truyền, nguồn gốc của lẩu mắm gắn bó với người Khmer. Còn theo "ông già Nam Bộ" - nhà văn Sơn Nam, lẩu mắm có xuất xứ từ Châu Đốc (An Giang), là món ăn bình dị của người Việt trong hành trình khẩn hoang, mở cõi.
Mắm có thể chế biến thành nhiều món ăn phong phú. Tuy mắm kho là món ăn quen thuộc của người dân miệt vườn song lại không hề dễ làm. Lẩu mắm ngon không chỉ phụ thuộc vào xuất xứ của mắm mà còn liên quan trực tiếp đến cách chế biến, gia giảm và những loại rau ăn kèm.
Món lẩu mắm Cần Thơ thường xuất hiện trong những bữa tiệc cuối năm, liên hoan gặp gỡ hay những buổi sum họp gia đình của người dân Nam Bộ. Muốn lẩu mắm "ngon chuẩn vị" thì trước tiên, nguồn nguyên liệu phải đảm bảo được độ tươi ngon nhất.
![]() |
Cá kèo là một đặc sản của miền Tây sông nước. Với chất thịt mềm và béo, cá kèo xuất hiện ngày càng nhiều trên thực đơn của nhiều gia đình qua các món lẩu, kho, chiên,... Thế nhưng để ăn cùng lẩu mắm thì cá kèo nhất định phải còn tươi, còn quẫy nguây nguẩy mới đúng điệu. Để đảm bảo độ tươi ngon nhất của cá kèo, người bán phải chọn mua những con cá còn sống, dáng bơi linh hoạt để sơ chế. Cá kèo với thân suông dài, săn chắc, tròn đều, màu nâu hoặc xám bạc ở lưng, màu trắng ở bụng là cá kèo tươi ngon.
Bên cạnh phần cá kèo đặc biệt thì điểm nhấn của món ăn này chắc chắn là ở nước lẩu mắm. Chỉ mới bưng ra thôi thực khách đã có thể ngửi thấy mùi thơm lừng của nước dùng. Không phải kiểu nước dùng trong, vị thanh hay chua ngọt thường thấy, nước dùng lẩu mắm nhìn qua đã thấy đậm đà, thơm mùi mắm, nước dừa. Khi nếm thử thì hương vị lan tỏa, thơm và béo ngậy.
![]() |
Để làm phần nước lẩu mắm, trước tiên người đầu bếp phải phi thơm tỏi, thêm thịt ba rọi vào đảo đều. Thêm nước ngập ½ nồi, đợi nước gần sôi thì cho mắm cá linh vào, nấu cho đến khi thịt cá mềm rục, có thể dễ dàng bỏ phần xương cá đi. Công đoạn này chủ yếu giúp cho nước lẩu thêm đậm đà hơn. Lưu ý dùng vá vớt bọt trên bề mặt nước trong khi nấu để nước lẩu trong hơn.
Bắc một cái nồi khác lên bếp, thêm 2 muỗng canh dầu ăn và đợi khi dầu nóng thì bỏ phần tỏi băm nhuyễn còn lại vào chảo, phi vàng. Sau đó cho thêm sả, tiếp tục phi đến khi sả vừa ngả vàng thì cho ớt vào. Để lửa trung bình, đổ nước dừa tươi vào nồi và đảo đều. Quan sát thấy nước sắp sôi thì tiếp tục thêm nước nấu mắm cá linh đã lược bỏ xương, thịt ba rọi, cà tím vào. Cứ vài phút là đảo đều để hương vị nước lẩu hài hòa hơn. Nêm nếm thêm đường, muối,... tùy theo khẩu vị.
Bởi cá kèo rất nhanh chín, chỉ trong vòng 2 - 3 phút, nên bạn có thể cho cá kèo vào nước lẩu khi mọi người chuẩn bị dùng bữa. Tiếp tục cho bông súng, rau nhút, đậu rồng, 2 hoặc 3 trái ớt sừng và bông điên điển vào nồi lẩu. Nấu khoảng 1 - 2 phút là bạn có thể thưởng thức ngay món lẩu này rồi!
![]() |
Lẩu mắm cá kèo với thịt cá kèo mềm ngọt, bùi béo, hòa quyện với nước lẩu đậm đà mang mùi vị đặc trưng của mắm cá linh cùng độ giòn ngọt, tươi mát của các loại rau. Tất cả thấm đều gia vị vô cùng hấp dẫn. Bạn có thể ăn kèm món ăn với bún cùng một chén nước mắm cay để tăng thêm hương vị của món ăn nhé.
Lẩu mắm cá kèo, món ăn dân dã của người miền Tây, nay trở thành đặc sản không thể thiếu trong thực đơn của nhiều nhà hàng sang trọng. Song có lẽ chỉ ở Cần Thơ, thực khách mới cảm nhận được trọn vẹn những tinh túy ẩm thực từ dư vị mặn mòi, giản dị và đậm đà không thể nào quên bởi những ấn tượng mạnh mẽ mà lẩu mắm đem lại.