Chữa "bách bệnh" với nhiều món ăn từ râu ngô Lời đồn “Hạt chia gây sỏi thận” có đúng hay không? Dấu hiệu của bệnh sỏi thận |
Ông Đ.V.P. (64 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) được đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau thắt lưng kéo dài, kèm tiểu buốt và nước tiểu đục. Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng như xét nghiệm, siêu âm, chụp CT scanner, các bác sĩ phát hiện thận trái của ông có nhiều sỏi lớn với kích thước lên đến 50x69 mm, gây giãn bể thận. Đáng chú ý, vùng rốn thận còn xuất hiện một khối u có kích thước 40x44 mm.
![]() |
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVBC |
Khối u này đã xâm lấn vào tĩnh mạch thận trái, dính vào động mạch chủ bụng và đi kèm với nhiều hạch vùng rốn thận. Trên cơ sở kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định ông P. mắc sỏi thận trái phức tạp kèm theo khối u nghi ngờ ung thư thận.
Trước tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và phức tạp, sau khi hội chẩn chuyên môn, ê-kíp phẫu thuật do bác sĩ Dương Xuân Hiệp – Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy – phụ trách, đã tiến hành ca phẫu thuật cắt toàn bộ thận trái và niệu quản trái.
Quá trình phẫu thuật diễn ra khó khăn do thận trái bị giãn to, sỏi lớn nằm ở cực dưới và khối u vùng bể thận đã xâm lấn các cơ quan quan trọng như động mạch chủ bụng, đại tràng và các mô xung quanh. Các bác sĩ phải hết sức cẩn trọng trong việc bóc tách và gỡ dính khối u để tránh tổn thương các cơ quan lân cận.
Ca mổ đã được thực hiện thành công, toàn bộ thận trái, niệu quản và một phần bàng quang bị xâm lấn đã được cắt bỏ. Sau 3 ngày hậu phẫu, bệnh nhân hồi phục tốt, đi lại nhẹ nhàng và sinh hiệu ổn định.
Theo ThS.BS Lê Bá Khánh (Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy), đây là một ca phẫu thuật phức tạp do khối u phát triển trên nền thận bị giãn và viêm dính kéo dài. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn tổn thương do ung thư, đồng thời bảo tồn tối đa các mạch máu và mô xung quanh, kiểm soát chặt chẽ tình trạng mất máu và hạn chế nguy cơ biến chứng để đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.
![]() |
Các khối sỏi thận của bệnh nhân sau khi được phẫu thuật. Ảnh: BVCC |
Sỏi thận là một trong những bệnh lý tiết niệu phổ biến, chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, suy thận, thậm chí là ung thư thận.
Thận là cơ quan bài tiết quan trọng, đảm nhiệm chức năng lọc máu và sản xuất nước tiểu, giúp loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Khi bị ung thư – đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô thận – chức năng lọc và bài tiết sẽ bị rối loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Ở giai đoạn đầu, ung thư thận thường không có triệu chứng rõ ràng. Một số biểu hiện có thể gặp bao gồm đau lưng, đau vùng hông, sút cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, sốt hoặc ra mồ hôi đêm. Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm dạ dày, thoát vị đĩa đệm...
Nhiều nghiên cứu y học đã chỉ ra rằng tình trạng viêm mạn tính do sỏi thận kéo dài có thể làm tổn thương lớp niêm mạc đài – bể thận, từ đó thúc đẩy sự hình thành các khối u ác tính.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo người dân cần chủ động khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện sỏi thận hoặc các bất thường về tiết niệu. Bên cạnh đó, việc duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày và điều trị sớm sỏi thận ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, khi có các dấu hiệu như đau lưng, tiểu buốt, tiểu ra máu, mệt mỏi kéo dài, người bệnh không nên chủ quan mà cần thăm khám sớm để được can thiệp kịp thời, tránh để bệnh tiến triển thành ung thư thận hoặc suy thận nặng.
![]() |
![]() |
![]() |