![]() |
Cây cam Đồng Dụ tiến vua duy nhất còn sót lại tại vườn của ông Nguyễn Sinh Súy vẫn ra trái mỗi vụ. |
Phục hồi giống cam lừng danh từ 800 năm trước
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, cam làng Đồng Dụ được trồng cách đây khoảng 800 năm từ thời nhà Trần, chuyên dùng để tiến vua. Làng có hai loại cam đường và cam chanh. Cam đường nhỏ bằng chén nước trà, vỏ mỏng, thơm và ngọt dịu. Cam chanh vỏ dày, to bằng nắm tay, khi chín chuyển màu vàng, ngọt đậm, dưới đáy có vết lõm như đồng xu nên còn được gọi là cam đồng tiền.
Ông Nguyễn Sinh Suý, 90 tuổi, cho biết đến giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, làng Đồng Dụ vẫn còn hơn 10 hộ trồng đủ hai loại cam, trong đó có gia đình ông. Đến năm 2004, cam đường biến mất, cam chanh chỉ còn 20 cây. Hai giống cam này ngon, nhưng bị sâu bệnh và thời điểm đó không cạnh tranh được với các giống cam có tiếng khác nên người dân không duy trì.
![]() |
Trái cam tiến vua Đồng Dụ khi chín. |
Theo thời gian, đến năm 2004, cam đường biến mất, cam chanh chỉ còn 20 cây, lúc này, chính quyền địa phương mới sốt sắng tìm, sau đó xây dựng đề án khôi phục giống cam Đồng Dụ với 12 hộ tham gia.Tuy nhiên, do người dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên đề án bị phá sản. Dân làng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hầu hết đất vườn, ruộng được trồng hoa hải đường, đào cảnh...
Năm 2020, Trung tâm Phát triển khoa học - công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học Công nghệ TP Hải Phòng (trung tâm), thu nguồn gen các loại cây quả có múi để bảo tồn và xác định chỉ còn 3 cây cam chanh ở vườn nhà ông Suý. "2/3 cây cam đã yếu, nhiều bệnh. Cây to nhất hơn 20 tuổi, nếu không sớm can thiệp cũng sẽ lụi", ông Nguyễn Đình Vinh, Phó giám đốc trung tâm, nhớ lại.
![]() |
Ông Súy và cây cam được dùng để nhân giống, hồi sinh giống cam tiến vua của làng Đồng Dụ. |
Trước nguy cơ giống cam quý bị tuyệt chủng, trung tâm đã bàn với địa phương đưa ra đề tài bảo tồn và trồng mới cam Đồng Dụ. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu chiết cành từ cây cam trong vườn nhà ông Súy ra ghép vào 40 thân cây bưởi khỏe mạnh để gây dựng vườn cam bản địa, chống tuyệt chủng.
Việc ghép cam vào gốc bưởi đã được nhiều nơi áp dụng thành công. Kỹ thuật nhân giống này có chi phí thấp, tiết kiệm công chăm sóc, cây giống ít sâu bệnh, sinh trưởng mạnh mẽ, ông Vinh cho biết. Nhóm nghiên cứu sau đó thu thập dữ liệu về việc thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng, qua đó xây dựng kỹ thuật chăm sóc tối ưu cho giống cam tiến vua.
Bên cạnh việc khôi phục vườn cam bản địa, nhóm nghiên cũng sử dụng phương phát ghép đỉnh sinh trưởng để tạo ra cây cam F0 trong phòng thí nghiệm. "Đây là phương pháp chính để khôi phục cam Đồng Dụ. Cây F0 từ phòng thí nghiệm sẽ tạo ra cây giống sạch bệnh, có sức chống chịu tốt", ông Vinh nói.
Cam tiến vua hứa hẹn những triển vọng
Dự kiến sẽ có 50 cây F0 được phát triển trong phòng thí nghiệm rồi nhân thành 2.500 cây giống để đưa ra trồng đại trà trong năm 2023. Người dân tham gia dự án khôi phục cam tiến vua sẽ được nhóm nghiên cứu bàn giao cây giống sạch bệnh, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cung cấp phân bón, kiểm tra quy trình trồng và bao tiêu sản phẩm. Sau khoảng 2 năm cây cam sẽ cho quả. Mỗi cây trưởng thành có thể cho 50-70 quả/năm, kéo dài trong 10 đến 15 năm.
![]() |
Từ 3 cây cam tiến vua bản địa, cơ quan chuyên môn ở Hải Phòng đã nhân giống được hàng nghìn cây khác để trồng đại trà. |
Quá trình khôi phục giống cam "tiến vua", cơ quan chức năng đã cùng với các địa phương tìm được 3ha đất ở xã Đặng Cương, 1ha ở huyện Thủy Nguyên và 1ha ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) để trồng cam Đồng Dụ theo phương pháp mới.
Riêng tại huyện An Dương, ngoài diện tích hiện có, đại diện Hợp tác xã Nông lâm thủy hải sản Nam Việt cho biết, đã liên hệ với Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng để xin được nhận chuyển giao số lượng lớn giống cam Đồng Dụ về trồng tại khu đất rộng hơn 6ha tại xã Bắc Sơn.
![]() |
Vườn cam tiến vua bản địa được nhân giống từ cây cam nhà ông Súy đang sinh trưởng tốt. |
Theo ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Dương, cam Đồng Dụ đã có tiếng tiến vua nên làm thương hiệu không khó. Nếu khôi phục thành công, quả cam Đồng Dụ có thể bán được 60.000-100.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế rất tốt. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ xây dựng cam Đồng Dụ thành sản phẩm OCOP của huyện An Dương. Khi đã có thương hiệu, cam đặc sản tiến vua Đồng Dụ sẽ tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại địa phương./.