Năm nay, những "trái vàng" trên đất Phù Yên được mùa, được giá. |
Trái cam vàng được mùa, được giá
Bén rễ trên đất Phù Yên (Sơn La) hàng chục năm nay, cây cam và quýt từng bước trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương này. Năm nay, những "trái vàng" được mùa, được giá, mùa thu hoạch quả như rộn ràng hơn, nhân lên niềm vui cho người nông dân.
Với 1 hecta diện tích cam đường canh, năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Phấn, ở xã Mường Thải, huyện Phù Yên đã thu về chục tấn quả.
Huyện Phù Yên (Sơn La) đang vào mùa thu hoạch cam vàng, quýt ngọt. |
Bà Phấn chia sẻ, để có được năng suất, sản lượng cam ổn định, gia đình luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ chăm sóc cho tới thu hái quả. Bởi vậy, dù trồng đã gần 10 năm, nhưng cây cam vẫn cho quả đều, sản lượng cao.
“Năm nay, cây cam cho quả cũng nhiều, sản lượng gấp đôi năm ngoái; giá cũng tăng cao, năm ngoái chỉ 30.000 đồng/kg đầu mùa, nhưng năm nay được 40.000 đồng/kg; sản lượng cũng được chục tấn.
Còn ở xã Mường Cơi - “vựa” quýt ngọt của huyện Phù Yên với khoảng 45 hecta, nông dân cũng đã bắt đầu thu hoạch quả.
Ông Nguyễn Duy Khanh - hộ trồng quýt ở bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên chia sẻ: Năm nay, do thời tiết mưa nắng thất thường, một số vườn bị ảnh hưởng về năng suất, tuy nhiên, sản lượng quả cũng không kém so với niên vụ 2021. Đặc biệt, việc xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã góp phần đưa quýt ngọt vươn xa trên thị trường.
“Từ khi có chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm của quýt ngọt bán rất tốt, thương lái miền Nam cũng liên hệ để mua hàng. Nhưng sản phẩm quýt ngọt của chúng tôi hiện bán trong thị trường Sơn La cũng đã không đủ để tiêu thụ…”, ông Nguyễn Duy Khanh phấn khởi.
Gia đình bà Nguyễn Thị Phấn, xã Mường Thải, huyện Phù Yên thu hơn mười tấn quả vụ cam năm nay. |
Cùng nhau vun đắp thương hiệu ‘trái vàng’ Phù Yên
Năm 2000, khi những người dân Hưng Yên lên Phù Yên xây dựng kinh tế mới đã đưa các giống cây cam Vinh, đường canh lên trồng. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, đến nay, cây cam đã phát triển xanh tươi, đơm hoa, kết trái ngọt, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân nơi đây.
Cam và quýt hiện đã trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều xã của huyện Phù Yên. Đặc biệt, từ trồng tự phát, manh mún, diện tích nhỏ lẻ; nay các hộ đã trồng tập trung, quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị; riêng cây cam đường canh, lợi nhuận mang lại từ 400 – 600 triệu đồng/hecta.
“UBND xã tiếp tục động viên các hộ gia đình giữ vững thương hiệu cam Phù Yên, đầu tư sản xuất theo đúng quy trình cam hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Đinh Đức Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Thải, huyện Phù Yên cho biết.
Hợp đất, hợp khí hậu, cây cam cho quả đều, sản lượng cao. |
Theo bà Bạc Cầm Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên, phát triển bền vững cây ăn quả có múi là một trong những định hướng chiến lược của địa phương. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm nâng tầm thương hiệu Cam Phù Yên; tích cực chuyển giao khoa học, kỹ thuật, vận động nông dân áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường.
“Dự kiến năm nay Phù Yên có sản lượng khoảng 3.000 tấn quả các loại, trong đó, cam khoảng 1.700 tấn và quýt khoảng 400 tấn. Năm nay, cam bán ra thị trường với giá từ 30.000 – 40.000 đồng/cân, tăng hơn so với năm trước.
Ban đầu những cây cam Vinh bén rễ trên những sườn đồi Phú Yên với ý nghĩa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Thế rồi, những vạt đồi cằn cỗi đã được phủ sắc xanh của lá, sắc vàng của quả. Những trái cam đã giúp cho người dân nơi đây nâng cao thu nhập. Với quyết tâm đưa cây cam trở thành nông sản mũi nhọn, huyện Phù Yên đã có nhiều giải pháp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cam. Giờ đây, đi dọc các tuyến đường của huyện, có thể thấy bạt ngàn những đồi cam sai trĩu quả./.