Người ta thấy rằng, nhiều bệnh viện số lượng BN cấp cứu giảm hẳn do sợ COVID. WHO đã cảnh báo đại dịch COVID-19 làm cho nhiều BN mắc các bệnh không phải COVID-19 không được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Nhiều báo cáo cho thấy ngay cả những BN có tình trạng đe dọa tính mạng cũng có thể tránh nhập viện, vì sợ phơi nhiễm SARS-CoV-2 hoặc các lý do không hiểu khác.
Trong suốt đại dịch, nỗi sợ hãi về virus corona đã khiến nhiều người bỏ các cuộc hẹn tái khám và ngại đến các bệnh viện. Bây giờ, với biến thể delta rất dễ lây lan đang gia tăng, những lo lắng đó đang xuất hiện trở lại.
Bệnh nhân đươc hồi sức tích cực bằng kỹ thuật cao ECMO
Chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiểu quả dịch COVID-19
Có lẽ câu hỏi được rất nhiều người quan tâm lúc này là khi nào dịch Covid-19 sẽ kết thúc và làm thế nào để kết thúc đại dịch này. Câu hỏi này đã được nhiều nhà khoa học cũng như chính khách quan tâm và câu trả lời cho đến hiện tại đó là: Chúng ta chưa thể biết khi nào đại dịch sẽ kết thúc, con người cần phải thay đổi để sống chung với virus SARS-CoV-2.
Nhiều chính phủ đã bắt đầu thay đổi nhận thức rằng cần phải chung sống lâu dài với virus gây ra đại dịch chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói tại cuộc họp ngày 29/8/2021: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”.
Úc, Singapore và một số nước cũng đã bắt đầu thay đổi nhận thức chống Covid-19 sang chiến lược sống chung với nó.
Hình ảnh tắc ĐM vành phải (trước can thiệp) đã tái thông và đặt máy tạo nhịp tạm thời (sau can thiệp).
Với các cơ sở y tế, làm thế nào để sống chung với virus theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”? Câu hỏi này được đặt ra cho nhiều nhà quản lý y tế, đặc biệt là các bệnh viện lớn, nơi thu dung cấp cứu, khám chữa bệnh cho rất nhiều loại bệnh khác nhau.
Bệnh viện xác định rằng cho dù có phối hợp rất nhiều biện pháp phòng, chống dịch khác nhau thì việc có một ca bệnh xuất hiện trong bệnh là điều khó tránh khỏi và về lâu dài phải chấp nhận việc có bệnh nhân, người nhà hoặc nhân viên bị nhiễm COVID-19. Quan trọng là cách ứng xử khi có các tình huống xảy ra phải bình tĩnh, sáng suốt và kịp thời theo các kịch bản tác chiến đã được diễn tập. Nếu phong tỏa thì phong tỏa diện hẹp, để công tác khám chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân được liên tục, không bị gián đoạn.
Việc khám và điều trị cấp cứu các bệnh lý cấp cứu vẫn diễn ra bình thường như trước đây, đặc biệt các kỹ thuật cao vẫn được triển khai để phục vụ bệnh nhân. Khoa Hồi sức tích cực vẫn ngày đêm giành giật sự sống cho BN. Trung tâm Đột quỵ vẫn tiến hành làm tiêu sợi huyết, can thiệp mạch não để cứu BN đến trong giờ vàng đột quỵ. Trung tâm Tim mạch vẫn làm can thiệp tim mạch để cấp cứu cho BN nhồi máu cơ tim cấp đến sớm. Các khoa phẫu thuật vẫn mổ cấp cứu cho các BN cấp cứu nặng như chấn thương sọ não, cấp cứu ổ bụng, cấp cứu tim mạch - lồng ngực…
Nhiều ca bệnh được cứu sống trong đại dịch nhờ kỹ thuật cao
Ngày 28/09/2021, bệnh viện tiếp nhận bệnh nữ, 38 tuổi từ tuyến trước chuyển đến với chẩn đoán viêm cơ tim cấp. Ngày 2/10, bệnh nhân xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp tim nặng đi vào sốc tim.
Nhận định đây là một trường hợp viêm cơ tim cấp nặng, có rối loạn nhịp tim phức tạp, sốc tim, bệnh nhân đã được điều trị tích cực bằng thở máy, nâng huyết áp bằng thuốc vận mạch, trợ tim. Tuy nhiên, tình trạng sốc tim vẫn tiếp tục tiến triển xấu và có nguy cơ tử vong trong một vài giờ tiếp theo.
Trước diễn biến nghiêm trọng của bệnh nhân, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn với các chuyên gia BV Bạch Mai và quyết định chỉ định can thiệp bằng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể, còn gọi là tim – phổi nhân tạo). Sau khi được hỗ trợ ECMO kết hợp lọc máu liên tục, thở máy, tình trạng huyết động của bệnh nhân cải thiện dần, giảm dần và ngừng các thuốc vận mạch và trợ tim. Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được ngừng ECMO, ngừng thở máy, tự thở bình thường.
Hình ảnh tắc ĐM thân nền (trước can thiệp) và đã tái thông (sau can thiệp).
Ngày 06/11/2021, một BN 71 tuổi ở huyện Quỳnh Lưu vào viện cấp cứu tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An trong tình trạng nguy kịch do nhồi máu cơ tim, block nhĩ-thất cấp III, suy tim và rung nhĩ. Nhận định BN có thể tử vong nếu không can thiệp ngay, một kíp can thiệp tim mạch đã tiến hành can thiệp hút ra nhiều huyết khối gây tắc động mạch vành phải, đồng thời một kíp can thiệp điện sinh lý cơ tim đã đặt máy tạo nhịp tạm thời cho BN. Sau can thiệp tình trạng BN ổn định chuyển về khoa Trung tâm Tim mạch điều trị tiếp.
Sau đó một ngày, tối 07/11/2021, một BN 84 tuổi ở huyện Diễn Châu bị đột quỵ cấp được chuyển đến vào giờ thứ 4 sau khi khởi phát (tức là chỉ còn 30 phút nữa sẽ hết giờ vàng của đột quỵ). Cuộc chạy đua với “thời gian là não” của kíp bác sĩ Trung tâm Đột quỵ bắt đầu. BN đã được chụp CT sọ não chẩn đoán nhồi máu não và dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tuy nhiên, phim chụp MSCT ngay sau đó cho thấy BN bị tắc động mạch thân nền, một động mạch cấp máu quan trọng của não. BN đã được chuyển thẳng vào phòng can thiệp mạch DSA để tiến hành lấy huyết khối động mạch não. Chỉ sau khoảng 30 phút, huyết khối đã được hút ra, động mạch não đã tái thông hoàn toàn và BN bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
Bệnh viện được đánh giá cao về thực hiện “mục tiêu kép”
Trên đây chỉ là ba trong nhiều ca cấp cứu hàng ngày được các bác sĩ Bệnh viện HNĐK Nghệ An thực hiện. Nhiều BN đã được cứu sống nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời và được sử dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị.
Hiện nay, nhiều người dân có tâm lý “sợ” đến bệnh viện do sợ COVID-19. Tuy nhiên, mọi người hãy yên tâm rằng sức khỏe và sự an toàn của tất cả BN và nhân viên là ưu tiên hàng đầu của bệnh viện. Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 luôn thay đổi và mỗi ngày sẽ khác nhau, hàng ngày bệnh viện luôn cập nhật về tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung cấp những gì tốt nhất và an toàn nhất cho BN của mình.
Bệnh viện có một Tổ dịch tễ gồm nhiều bác sĩ có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch như từng tham gia các bệnh viện dã chiến, thành viên của Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế trong phòng chống COVID-19… có nhiệm vụ cập nhật, phân tích tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa bàn và trong bệnh viện để có kế hoạch ứng chiến nhanh nhất, đảm bảo an toàn cao nhất cho bệnh viện.
Bệnh viện luôn cam kết cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh an toàn nhất và chất lượng cao nhất cho nhân dân trong khi vẫn tiếp tục phòng, chống COVID-19. Bệnh viện luôn đánh giá và kiểm soát COVID-19 thường xuyên để đảm bảo bệnh viện có môi trường an toàn nhất cho BN và nhân viên. Người dân có thể tin tưởng vào bệnh viện để chăm sóc cho gia đình mình bây giờ và trong tương lai.