Cần thiết phải có luật
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách về khai thác, sử dụng nguồn nước có hiệu quả. Trong đó,có việc việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước. Bộ TN&MT cũng đã tham mưu và trình Chính phủ Đề án Kiểm kê tài nguyên nước quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Phát biểu trong buổi hội thảo về Nước, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết: Trước đây, kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện 3 năm 1 lần. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy kiểm kê tài nguyên nước không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Vì thế, phải hơn 17 năm đề án này mới được Chính phủ phê duyệt. Theo đánh giá, đề án này cần nguồn lực tương đối lớn, theo Quyết định số 1383 của Chính phủ phê duyệt đề án này thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ có bộ chỉ số về tài nguyên nước và đây là bộ chỉ số được công bố lần đầu. Tài nguyên nước được coi là tài sản công, theo Điều 53 của Hiến pháp thì tài nguyên này cần được quản lý theo Luật Tài sản công.
Theo ông Khuyến, đề án sẽ có đầy đủ những thông tin về mùa kiệt, tháng kiệt nước. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam sẽ thiếu nước vào những tháng mùa khô, chứ tổng lượng nước cả năm không thiếu. Như Israel, họ có nhà máy xử lý 600.000m3/ngày đủ cho nền kinh tế, công nghệ có thể tái chế tới 80% lượng nước. Còn tại Việt Nam, mới chỉ đặt mục tiêu xử lý 20-30% vào năm 2030 và còn rất nhiều rủi ro. Chính vì vậy, phải cụ thể hóa kế hoạch sử dụng cho phù hợp với các nhu cầu. Và để đạt được những kết quả này cũng cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, chúng ta sẽ có bức tranh toàn diện về tài nguyên nước.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ& Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam cho biết, khai thác, quản lý sử dụng tài nguyên nước hợp lý là vấn đề cấp bách. Vì thế, cần thiết phải có Luật về Cấp- thoát nước. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, ông cũng đề xuất Quốc hội nghiên cứu ra đời luật Cấp thoát nước.
Phân tích rõ hơn về sự cần thiết này, ông Huân cho biết, hiện nay chúng ta mới có Luật về Tài nguyên nước. Thực tế, khi nói đến nước chúng ta mới nghĩ đến nước đầu nguồn, chưa nghĩ đến nước hạ lưu. Như ở Hà Nam, người dân và chính quyền đang đòi kiện Hà Nội vì đang xả nước và làm ô nhiễm nguồn nước sông Đáy. Do đó, việc quản lý nước đầu nguồn cần phải sát sao, để đảm bảo nước ở vùng hạ lưu không bị ô nhiễm.
Để quản lý nguồn nước hiệu quả và đảm bảo an ninh nguồn nước, cần phải là tổng hòa rất nhiều vấn đề. Tại Việt Nam, hiện đang có 6 Bộ tham gia vào quản lý nước. Ví như, Bộ TN&MT quản lý nước đầu nguồn, Bộ Xây dựng quản lý nước đô thị, Bộ NN& PTNN quản lý nước nông thôn& thủy lợi, Bộ Y tế đo kiểm tra chất lượng nước, Bộ Công thương tham gia vào nước công nghiệp... Nó thực sự không có một hệ thống thống nhất. Trong khii đó, cấp thoát nước về mặt thể chế và chính sách có 2 nghị định 117& Nghị định 118. Tuy nhiên, hiện nay nhiều vấn đề sẽ không còn phù hợp.
Người dân sử dụng nước sạch |
“Việc xây dựng văn bản luật là cần thiết và Chính phủ nên sớm đề xuất dự án án Luật để Quốc hội xem xét. Cùng với đó, cơ chế chính sách cần được quản lý đồng bộ, hiệu quả từ cấp trung ương đến địa phương và phải được giám sát thực thi hiệu quả. Ngoài ra việc đảm bảo phòng chống ô nhiễm nguồn nước cũng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn nguồn nước”, ông Huân đề nghị.
Phân định rõ công- tư
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, cần hoàn thiện chính sách trong dài hạn là tổ chức lại thị trường, phân định rõ vai trò công tư. Đồng thời, giải quyết bài toán giá nước tại các địa phương cần hài hòa, có trách nhiệm với hợp đồng đã cam kết, bao gồm: khối lượng mua, mức giá, tiến độ về mặt thanh toán.
Bên cạnh đó, cơ quan được lựa chọn đơn vị cấp nước phải ký thỏa thuận về tiêu thụ nước trên địa bàn. Hai bên phải xác định rõ các điều kiện và nghĩa vụ để có nguồn nước sạch theo quy hoạch của Chính phủ và mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo đó, cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Tiến trình này nên gắn liền với xây dựng Luật Cấp và xử lý nước mà chính phủ yêu cầu và Bộ Xây dựng đang triển khai, ông Đồng nói.
Còn theo TS. Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Luật Tài nguyên nước năm 2012 là bước ngoặt cho công tác quản lý tài nguyên nước. Tuy vậy, sau gần 10 năm triển khai thực hiện thì một số vấn đề bất cập đã nảy sinh cần phải giải quyết.
Theo ông Linh, thứ nhất cần thống nhất một đầu mối quản lý cụ thể, bởi hiện nay Chính phủ giao cho Bộ TN&MT quản về tài nguyên nước. Tuy nhiên, về thủy lợi lại thuộc quyền quản lý của Bộ NN&PTNT, các công trình thủy điện trên sông suối lại thuộc Bộ Công thương… dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quản lý.
Thứ hai, trong Luật Tài nguyên nước, đã đặt ra vấn đề quản lý nước theo lưu vực nhưng chưa thực sự hiệu quả. Do đó, trong quá trình sửa luật, cần đưa cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị xã hội các khu vực đó để bảo vệ nguồn nước cho hiệu quả. Như vậy, có thể áp sự thành công của mô hình nông thôn mới cho mô hình bảo vệ quản lý nguồn nước để cộng đồng dân cư tự bảo vệ lưu vực nguồn nước. Khi người dân tham gia giám sát, nêu cao trách nhiệm cộng đồng thì việc quản lý sẽ hiệu quả và thực chất hơn, từ đó đảm bảo an ninh nguồn nước để phát triển bền vững”, ông Linh đề xuất.