Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với sợi polyeste có xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Nepal
Mới đây, Ấn Độ đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sợi polyester có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Nepal.
Cụ thể, quyết định này của Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) xuất phát từ yêu cầu của 8 công ty sợi Ấn Độ về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá lên sợi polyester nhập khẩu có mã HS 5509.21.00.
Đây là loại sợi polyester đơn có tỷ trọng xơ xơ staple polyeste từ 97% trở lên, thường được gọi là “polyester spun yarn”, “spun yarn”, “spun poly”. Sản phẩm thường được sử dụng để đan và dệt để tạo ra nguyên liệu sản xuất quần áo hoặc đồ trang trí nội thất trong nhà.
Trong đó, có một số mặt hàng sẽ được yêu cầu loại trừ điều tra chống bán phá giá là sợi polyester đã được nhuộm màu sẵn trước khi dệt (dyed polyester yarn); sợi polyester được sản xuất bởi sự pha trộn của ít nhất hai sợi màu khác nhau (mélange polyester yarn); sợi polyester có màu (coloured polyester yarn); sợi thô có chi số hơn 8s và sợi mảnh có chi số hơn 45s.
Thời kỳ điều tra phá giá: 01/01/2019 – 31/12/2019 (12 tháng);
Thời kỳ điều tra thiệt hại: 4/2016 –12/2019.
Bản câu hỏi điều tra và thời hạn trả lời: DGTR sẽ gửi Bản câu hỏi cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu được biết tới (known producers/exporters). Các doanh nghiệp khác cần chủ động liên lạc để được DGTR cung cấp Bản câu hỏi; và nộp Bản trả lời trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo khởi xướng. Ngày nhận được thông báo khởi xướng được tính là 1 tuần kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng (21/5/2020). Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể nộp yêu cầu gia hạn thời hạn nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra để DGTR xem xét. Bản câu hỏi mẫu của các vụ việc khác có thể được tham khảo trên trang thông tin điện tử của DGTR.
Thông tin liên lạc: Gửi tới DGTR qua địa chỉ email: [email protected] và [email protected].
Việc bị áp dụng thuế chống bán phá giá cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Ấn Độ
Liên quan tới vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khẳng định bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Ấn Độ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do nguyên đơn đề xuất.
Việc bị áp dụng thuế chống bán phá giá cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Ấn Độ và/hoặc các đối thủ từ các quốc gia khác.
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan liên lạc với DGTR để đăng ký tham gia và nhận bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định. Sau đó, đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định.
Đồng thời, khuyến nghị doanh nghiệp hợp tác toàn diện với DGTR trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong bản trả lời câu hỏi, cũng như thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Ấn Độ để nâng cao tiếng nói với Chính phủ Ấn Độ, yêu cầu DGTR xem xét nghiêm túc lợi ích kinh tế xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng.
Mặt khác, doanh nghiệp cần liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.
Hồng Nga