Xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ đã về tới Việt Nam, phật tử có thể chiêm bái từ ngày mai Người dân chiêm bái xá lợi Đức Phật cần lưu ý gì? Chiêm bái xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức từ 14h ngày 6/5 |
![]() |
Xá lợi Đức Phật là bảo vật quốc gia của Ấn Độ, được các nhà khảo cổ, khoa học khẳng định là xá lợi đích thực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ảnh: Lê Bình. |
Nguồn gốc và ý nghĩa tâm linh của xá lợi
Theo Kinh điển Phật giáo, sau khi đạt giác ngộ dưới cội bồ đề, Đức Phật dành trọn cuộc đời để hoằng pháp, ngày đêm truyền bá chân lý diệt khổ. Sự tinh tấn tu hành liên tục ấy được xem là nền tảng để thân – tâm của Ngài tích tụ nguồn năng lượng thanh tịnh vô biên. Khi Đức Phật viên tịch ở tuổi 80, thân xác được hỏa táng và để lại vô số xá lợi – những tinh thể rắn có nhiều màu sắc, được tôn kính là sự kết tinh của giới – định – tuệ, ba yếu tố cốt lõi trong đạo Phật.
Hiện tượng xá lợi được nhiều nhà nghiên cứu lý giải tương tự quá trình kết tinh trong tự nhiên – như lõi gỗ rắn chắc của cổ thụ hay sự hình thành kim cương dưới lòng đất qua áp suất và thời gian. Tuy nhiên, trong bối cảnh Phật giáo, xá lợi là thành quả từ quá trình tu dưỡng tâm linh và đạo đức vượt bậc, biểu hiện cho sự thanh lọc hoàn toàn phiền não.
Không chỉ Đức Phật, nhiều bậc thánh tăng, đại sư và tổ sư sau khi viên tịch cũng để lại xá lợi, được tôn thờ như những pháp bảo linh thiêng, biểu tượng cho sự chiến thắng bản ngã và đạt đến giải thoát.
Phát hiện lịch sử tại Kapilavastu
![]() |
Xá lợi Đức Phật tại bảo tàng Ấn Độ. Ảnh Báo Giác Ngộ |
Theo Kinh văn, sau lễ trà-tỳ Đức Phật, xá lợi được chia làm 8 phần, phân phối đến nhiều vùng trên tiểu lục địa Ấn Độ để xây dựng bảo tháp thờ phụng. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ biến động và sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ, phần lớn các bảo tháp rơi vào hoang phế hoặc bị phá hủy.
Bước ngoặt lớn xảy ra vào năm 1898, khi William Claxton Peppe, một nhà khảo cổ người Anh, tiến hành khai quật khu đất Birdpur Estate tại làng Piprahwa (thuộc bang Uttar Pradesh), gần Kapilavastu cổ đại – quê hương của Thái tử Tất Đạt Đa. Ông đã phát hiện một bảo tháp chứa xá lợi Phật, trong đó có một phần xương sọ được xác định là của Đức Phật Thích Ca. Phát hiện này gây chấn động giới học giả quốc tế và được giới Phật giáo đặc biệt tôn kính.
Hiện nay, xá lợi này được tôn trí tại Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ ở New Delhi. Ban đầu, cổ vật này được lưu giữ cùng các hiện vật khảo cổ khác, nhưng do số lượng người dân và tín đồ Phật giáo đến chiêm bái ngày càng đông, bảo tàng đã dành riêng một không gian tôn nghiêm để đặt xá lợi Phật.
Năm 1997, cộng đồng Phật giáo Thái Lan cùng các nghệ nhân đã chế tác một bảo tháp mạ vàng, trên đỉnh gắn 109 gam vàng ròng, để cung hiến Ấn Độ như một biểu tượng tôn kính Đức Phật. Kể từ đó, xá lợi được đặt trong bảo tháp này và trở thành điểm hành hương linh thiêng bậc nhất tại thủ đô New Delhi.
Xá lợi Phật và hành trình ngoại giao
![]() |
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiến hành buổi lễ đón nhận và cung rước Xá lợi Phật về Việt Nam. Ảnh TTXVN) |
Vì mang giá trị thiêng liêng và lịch sử đặc biệt, mỗi lần xá lợi Phật được cung thỉnh ra nước ngoài đều được chính phủ Ấn Độ xử lý tương đương một chuyến công du nguyên thủ quốc gia. Đoàn hộ tống được tháp tùng bởi các đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa và lực lượng an ninh đặc biệt.
Một số chuyến thỉnh xá lợi đáng chú ý gần đây:
2015: Xá lợi được tôn trí tại Sri Lanka nhân dịp 2.600 năm ngày Đức Phật thành đạo.
2022: Triển lãm xá lợi tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ.
2024: Thái Lan đón xá lợi trong gần 26 ngày, được chiêm bái tại nhiều địa điểm trọng yếu.
Năm 2025, Việt Nam vinh dự là quốc gia tiếp theo được cung thỉnh xá lợi Phật từ Ấn Độ về để phục vụ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Sự kiện này được tổ chức theo đề nghị chính thức của Chính phủ Việt Nam và sự đồng thuận của Chính phủ Ấn Độ.
Ngày 2/5, xá lợi được cung thỉnh từ Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ, New Delhi về Việt Nam. Từ ngày 3 đến 8/5, xá lợi được an vị tại chùa Thanh Tâm, TP HCM, trong khuôn khổ Đại lễ Vesak tổ chức tại TP HCM. Trưa 8/5, xá lợi sẽ lần lượt được cung nghinh về Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Tây Ninh. Từ ngày 8 đến 13/5, bảo vật được an vị tại đây, sau đó sẽ chuyển ra chùa Quán Sứ, Hà Nội từ ngày 14 đến 16/5, và chùa Tam Chúc, Hà Nam từ ngày 17 đến 21/5 để người dân chiêm bái.
Người dân và tín đồ sẽ có cơ hội chiêm bái, thể hiện lòng tôn kính và cầu nguyện cho hòa bình, an lạc và trí tuệ.
Vesak là dịp lễ lớn nhất của Phật giáo, kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca: Đản sinh – Giác ngộ – Nhập Niết-bàn. Được tổ chức vào ngày rằm tháng Tư âm lịch hằng năm (tương ứng ngày trăng tròn tháng Vesak theo lịch Ấn Độ), lễ Vesak không chỉ có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mà còn là thông điệp hòa bình và giác ngộ gửi đến toàn thế giới.
Ngày 15/12/1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận Vesak là lễ hội tôn giáo văn hóa quốc tế (Nghị quyết 54/115). Đây là minh chứng cho tầm ảnh hưởng tích cực và giá trị nhân văn sâu rộng của Phật giáo đối với hòa bình, phát triển và sự bền vững toàn cầu.
Việc xá lợi Đức Phật được cung thỉnh về Việt Nam không chỉ là cơ hội quý báu để người dân chiêm bái một trong những thánh tích linh thiêng nhất của nhân loại, mà còn là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị, giao lưu văn hóa và tâm linh sâu sắc giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong bối cảnh hiện đại, hành trình xá lợi Phật chính là cầu nối giữa truyền thống tâm linh cổ xưa và tinh thần hòa bình của thế giới hôm nay.
![]() |
![]() |
![]() |