Tôm được đánh giá là thực phẩm mang lại giá trị dinh dưỡng rất cao. Cụ thể, trong não tôm chứa các thành phần quan trọng đối với cơ thể như cephalin, axit amin và các chất dinh dưỡng cần thiết khác, thịt tôm chứa một lượng lớn protein, vỏ tôm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như canxi, kali...
Bên cạnh những bộ phận chứa thành phần dinh dưỡng, tôm cũng có một số bộ phận nếu con người ăn phải không những không mang lại lợi ích cho cơ thể, mà còn có thể gây ra những tổn thương liên quan, trong đó có phần đầu tôm.
Lý giải về điều này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa - cho hay: Rất nhiều bà nội trợ tin rằng ăn đầu tôm sẽ tốt, giúp thông minh, mắt tôm bổ mắt. Khi ăn tôm không ít người còn giữ lại đầu tôm xay để nấu canh. Nhưng thực tế đây là quan điểm sai lầm.
PGS Thịnh cho biết không những đầu tôm không tốt, mà thậm chí nó còn có thể có chất độc bởi vì đầu tôm không chỉ là bộ máy thần kinh của con tôm mà còn là nhà máy tiêu hoá của nó.
Tôm ăn rất nhiều thức ăn từ tảo, vi sinh vật, xác hải sản thối rữa. Khi ăn, các tạp chất này đều ở đầu tôm vì dạ dày, hệ bài tiết đều đặt ở đó. Vì vậy, đầu tôm chứa rất nhiều tạp chất thậm chí có cả kim loại nặng.
Có một nghiên cứu xét nghiệm về hàm lượng kim loại nặng trong đầu tôm, các nhà khoa học đã xác định được hàm lượng cadmium trong đầu tôm đạt 0,3mg/kg, cao hơn gấp 10 lần so với hàm lượng cadmium của thịt tôm. Mặc dù nó không gây ngộ độc nhưng theo quy định, hàm lượng này không được vượt quá 0.5 mg/kg.
Nếu chúng ta vì tiếc mà cố ăn thì còn ảnh hưởng tới sức khoẻ, nhất là đối với trẻ em và bà mẹ mang thai.
Không chỉ thế, PGS Thịnh cho biết, khi tôm chết, các chất trong đầu tôm sẽ phân huỷ đầu tiên. Chính vì vậy mà các cụ xa xưa đã đúc kết rằng “tôm sống, bống tươi”.
"Ăn đầu tôm giúp thông minh" là quan điểm sai lầm |
Khi mua tôm nên chọn tôm tươi. Nếu tôm đã chết, đầu ngả màu đen thì tuyệt đối không ăn phần đầu tôm vì lúc này không chỉ nhiễm tạp chất mà còn có nguy cơ nhiễm khuẩn do các chất trong đầu tôm phân huỷ.
Khi làm tôm, các bà nội trợ cũng nên khéo léo tách bộ phận có màu đen trên đầu tôm, đây chính là dạ dày của tôm.
Nhiều người cho rằng, ăn mắt tôm sẽ chứa những dưỡng chất tốt cho mắt, giúp cải thiện thị lực. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu đáng tin cậy nào chứng minh được giả thuyết nói trên là chính xác.
Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, Thạc sĩ Ngô Sỹ Vân (Phòng Nguồn lợi và Khai thác nội địa, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thuỷ sản 1) cho biết, đầu tôm là nơi chứa các chất độc, ký sinh trùng rất có hại nên chúng ta không nên ăn, nhất là đối với trẻ em. Nếu ăn đầu tôm, bạn có thể bị ngộ độc, nhất là tôm chưa chín.