Startup cần lưu ý gì về xây dựng, quản trị thương hiệu Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế Nữ Giám đốc khát khao nâng tầm nông sản Việt từ than gáo dừa |
9x biến đồ jeans cũ thành túi xách, thu hơn 20 triệu/tháng |
Cơ duyên đến với nghề tái chế jeans cũ
Đồ jeans là chất liệu rất phổ biến, dễ tìm và được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên khi chúng trở nên cũ kỹ thì mọi người đều muốn vứt đi và hành động đó vô tình lại gây ra ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Một tổ chức phi lợi nhuận về thời trang bền vững cho hay để sản xuất một chiếc quần jeans cần đến 7000 lít nước, tương đương số nước một người có thể uống trong 7 đến 8 năm. Nhận thấy hậu quả của đồ jeans cũ quá lớn, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, ngụ tại quận Tân Bình đã quyết định thu gom những đồ jeans cũ và “tái sinh” chúng thành những sản phẩm mới lạ như túi xách, ví, balo,…
“Đầu tiên, mọi người hay có tâm lý tiếc đồ, để rất nhiều nhưng không biết phải làm gì với nó thì hướng tái chế này là một cách giải quyết. Thứ hai là thông điệp về bảo vệ môi trường được mọi người tiếp cận rất là nhiều nên khi sử dụng lại mình đã góp phần kéo dài thêm vòng đời sản phẩm. Từ đó, lượng rác thải cũng sẽ giảm bớt và mình đã góp phần nhỏ bé trong việc bảo vệ môi trường”, chị Hồng Thắm cho biết lý do đến với công việc tái chế đồ jeans cũ.
Chị Thắm bên những chiếc túi xách được may từ đồ jeans cũ |
Nói về cơ duyên đến với nghề tái chế đồ cũ, chị Thắm bộc bạch thêm: “Vô tình là tháng 11 năm 2020, mình lục trong tủ đồ thấy quần jeans cũ của ông xã, lúc đó mình chỉ có ý định đơn giản là tái chế rồi chia sẻ cách làm lên một số hội nhóm và mình cảm thấy hiệu ứng rất tốt, được mọi người hưởng ứng nhiều nên từ đó mình đã quyết định đi theo dòng đồ tái chế này”.
Chị Thắm cho biết thêm về lý do chọn đồ jeans để tái chế thay vì các loại chất liệu khác vì vật liệu jeans rất là phù hợp cho việc tái chế túi xách và do có niềm đam mê với túi xách nên chị quyết định theo đuổi công việc này. Đồng thời, khi chị đăng bài lên các trang, nhóm và được mọi người liên hệ để gửi đồ đến cho chị đa phần là đồ jeans cũ. Những quần jeans cũ, sờn màu hay rách mọi người không dùng nữa nhưng chúng vẫn còn nhiều chi tiết tốt có thể tận dụng được. Đối với ai đó, có thể chúng đã hết giá trị sử dụng nhưng đối với chị Thắm chúng lại là nguồn vật liệu quý giá để tạo ra sản phẩm mới.
“Những món đồ đó mà đem sử dụng thì được coi là lỗi thời hoặc có những vết bẩn, vết rách, họ không sử dụng được nhưng cảm thấy vứt đi thì phí nên họ mang cho mình. Từ đó mình lấy về giặt giũ sạch sẽ rồi sử dụng”, chị Thắm cho hay.
Thỏa mãn niềm đam mê
Chị Thắm đã từ bỏ công việc kế toán gắn bó cùng mình 7 năm để chọn đi theo con đường của riêng mình với mục đích thỏa mãn niềm đam mê của bản thân và mang lại món quà mới cho mọi người.
Chị Thắm tiết lộ về quyết định của bản thân khi chọn con đường này: “Mình đã suy nghĩ về vấn đề này rất lâu rồi, suy nghĩ đến những rủi ro có thể xảy ra và thậm chí nếu không thể có đủ thu nhập để duy trì thì mình sẽ quay lại công việc cũ là làm kế toán. Và rồi mình đã quyết định làm vì mình nghĩ đó là cái trải nghiệm mà bản thân muốn trải qua”.
Trung bình mỗi tháng chị đạt doanh thu từ 20-30 triệu đồng. |
Nói về những chiếc túi xách tái chế, chị Thắm cho biết để tạo ra được một chiếc túi đẹp thì ngoại việc may thật cẩn thận và tỉ mỉ thì cũng cần tận dụng tối đa các phần túi, mác, đai của đồ jean cũ để làm các chi tiết cho sản phẩm mới là điều rất quan trọng. Vì vậy, chị thường sử dụng lưng quần jean cũ làm quai đeo túi, các chiếc khuy, đĩa quần nhỏ làm khoen gài, dây kéo, túi quần, các mảnh vải vụn thì dùng để trang trí…
Để những chiếc túi, balo tái chế trở nên độc đáo hơn, chị Hồng Thắm còn sáng tạo thêm bằng cách thêu hoa văn, tên người nhận.
Nói về dự định trong tương lai, chị Thắm chia sẻ: “Hiện tại, mình muốn mở rộng thêm về không gian làm việc để tìm thêm một số đồng nghiệp và mở lớp dạy cho các bạn cũng yêu thích công việc làm túi như mình. Và đó cũng là một cách để mình lan tỏa tình yêu đến những chiếc túi xách”.
Đối với chị Thắm, từ một chiếc quần hay áo jeans cũ đều là thách thức đối với sự sáng tạo của chị để làm ra những món đồ có tính ứng dụng cao trong đời sống. Chị cho biết mình chuyên làm về túi hộp như balo to, nhỏ và những túi có form đứng. Hiện tại một chiếc túi được bán ra với giá khoảng 300.000 đến 700.000 đồng tùy mẫu.
Chương trình OCOP tạo cơ hội khởi nghiệp cho phụ nữ tại các vùng nông thôn |
Mắm cá mào gà và câu chuyện khởi nghiệp của 9X Cà Mau |