Giá gạo, học phí và giá dịch vụ y tế đẩy CPI tháng 11 tăng 0,25% Chỉ số giá tiêu dùng của Hưng Yên đã tăng 2,48% CPI năm 2023 tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra |
Ngày 29/3, Tổng Cục Thống kê họp báo, công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024. Báo cáo nhận định, trong tháng 3, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán theo quy luật tiêu dùng nên khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI đã tăng 1,12%.
CPI tháng 3 giảm theo quy luật tiêu dùng
Lý giải chỉ số giảm, Tổng cục Thống kê cho rằng theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.
Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3/2024 so với tháng trước, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 4 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.
Trong 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức 0,76%, làm CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực giảm 0,42% ; thực phẩm giảm 1,19% đã kéo CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm.
Tiếp đến là nhóm giáo dục giảm 0,29%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,34% . Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ. Trong đó yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Theo đó một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12% do nhu cầu mua sắm, du xuân sau Tết Nguyên đán giảm, tập trung ở những mặt hàng sau: Giá nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh giảm 0,84%; du lịch trọn gói giảm 0,45%; khách sạn, nhà khách giảm 0,36%.
Tương tự nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,07% theo quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm. Trong đó giá rượu bia giảm 0,23%; đồ uống không cồn giảm 0,05%; riêng nhóm thuốc hút tăng 0,15% do giá đô la Mỹ tăng.
Ở chiều ngược lại, 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, hàng hóa và dịch vụ khác, nhà ở và vật liệu xây dựng, nhưng đều chỉ tăng nhẹ.
Tính chung quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,03% so với tháng trước và cả quý 1 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước... cho thấy công tác điều hành tiền tệ êm thuận.
Giá vàng “leo thang”
Giá vàng biến động mạnh trong tháng 3. |
Trong tháng 3 cũng chứng kiến giá vàng trong nước biến động mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/3, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.139,64 USD/ounce và tăng 5,21% so với tháng 2.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho hay nguyên nhân chủ yếu do các nhà giao dịch kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị kéo dài và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3 tăng 4,59% so với tháng trước và tăng 9,41% so với tháng 12/2023. Như vậy, giá vàng đã tăng 22,71% so với cùng kỳ năm trước và bình quân quý I, chỉ số giá vàng tăng 18,23%. Bên cạnh đó, chỉ số giá USD tháng này tăng 0,88% so với tháng 2 và tăng 1,81% so với tháng 12/2023, tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước và bình quân quý I tăng 3,97%.
Đánh giá chung, bà Oanh chia sẻ trong quý I, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự và những bất ổn gia tăng. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu yếu khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Điều này khiến lạm phát có xu hướng hạ nhiệt.
Tuy nhiên, bà Oanh nhấn mạnh diễn biến hiện tại vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguyên nhân do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn có thể tạo nên cú sốc cho lạm phát. Cụ thể, lạm phát của Mỹ tháng 2 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Tại cuộc họp tháng 3/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5%, mức cao nhất 23 năm qua nhằm đưa lạm phát của Mỹ về mức mục tiêu 2%. Bên cạnh đó, lạm phát của khu vực đồng euro tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; Pháp tăng 3%; Đức tăng 2,5%; Anh tăng 3,4%. Tại châu Á, lạm phát tháng Hai của Lào tăng 25,35%; Philipine tăng 3,4%; Hàn Quốc tăng 3,1%; Indonesia tăng 2,75%. Tại Việt Nam, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và CPI tháng 3 tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của TP Hồ Chí Minh tăng 0,15% |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước |
Giá gạo, học phí và giá dịch vụ y tế đẩy CPI tháng 11 tăng 0,25% |