Không khí lạnh mới tăng cường, Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Nguyên đán Hái lộc đầu năm như thế nào để may mắn cả năm? |
![]() |
Tết Nguyên đán là dịp Tết lớn nhất trong năm, diễn ra vào mùa Xuân. |
Cúng ông Công, ông Táo
Ngày 23 tháng Chạp Âm lịch là Tết ông Công, ông Táo. Ngày này, không khí Tết bắt đầu rõ nét.
Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của ông Táo và thờ cúng ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.
Người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi.
Đặc biệt, cứ đến ngày cúng ông Công, ông Táo người Việt lại làm lễ cúng cá chép, sau khi cúng xong sẽ đem phóng sinh để đưa ông Táo về trời. Đây không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Về quê ăn Tết
![]() |
Người dân về quê đón Tết. |
Việc về quê ăn Tết từ lâu là một lẽ đương nhiên với người Việt. “Cày” cả năm, chắt bóp từng đồng hay gom hết thưởng Tết để mua được tấm vé về quê không còn là điều xa lạ.
Theo TS Dương Hoàng Lộc, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), truyền thống của dân tộc Việt Nam là hướng về cội nguồn. Nét truyền thống này ăn sâu vào đời sống văn hóa, nhận thức của mỗi người.
Mỗi chúng ta hầu như đều lớn lên trong nhận thức rằng Tết là dịp quây quần bên gia đình, chúc Tết ông bà, cha mẹ, sau đó là những người thân quen. Những nếp văn hóa, thói quen dịp Tết cứ vậy gắn với tâm thức của mỗi người.
Ngày nay, Tết Nguyên đán là thời điểm được nghỉ dài ngày nhất trong năm nên mọi người xem đây là dịp để cả nhà gặp mặt nhau sau một năm bươn chải làm ăn xa. Về nhà ăn Tết, không khí ấm áp, tiếng chúc Tết rộn ràng... là những “hương vị” giúp ngày Tết thêm trọn vẹn.
Về quê ăn Tết ở Việt Nam thường diễn ra từ sau ngày 23 tháng Chạp cho đến ngày 30 Tết, thậm chí có những chuyến bay hay tàu, xe xuyên giao thừa.
Chuẩn bị Tết
![]() |
Đi chợ sắm Tết. |
Không khí Tết thắm đượm thật sâu trong những ngày giáp Tết, bởi ai cũng tay xách nách mang chuẩn bị đồ trang trí trong gia đình ngày Tết, mong một năm mới đủ đầy.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên mô tả không khí một phiên chợ giữa phố Hà Nội: “Các con đường có bộ mặt mới rất sống động và đẹp như tranh vẽ. Góc đường là chỗ của người bán hoa, cây xanh, tranh dân gian, thực phẩm… Người ta mua cây hoa thủy tiên, cây cho bông hoa đầu tiên chỉ vào đêm giao thửa. cây cảnh trĩu quả đỏ, cành đào hay cây hải đường với muôn vàn nụ hồng, đỏ thắm… Phụ nữ đi chợ tích trữ đủ thứ như thịt cá, trái cây, rau củ… Bởi vì trong ba ngày Tết, các chợ và cửa hàng đóng cửa”.
Không giống với những phiên chợ ngày thường, chợ Tết bao giờ cũng đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn, mọi người đi chợ Tết không chỉ để mua sắm những đồ dùng thiết yếu trong ngày Tết mà còn để gặp mặt nhau trò chuyện, tận hưởng cái không khí ngày giáp Tết.
Chợ Tết thường được diễn ra trên một bãi đất rộng, ở đó có bán đủ các thức đồ cần thiết, người lớn thì sắm đồ Tết, trẻ con cũng lẽo đẽo theo sau để được bà, được mẹ mua cho bộ quần áo mới, ai nấy đều tay cầm giỏ nặng trĩu.
Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa của người Việt.
Hàng năm cứ vào ngày Tết, khoảng từ ngày 27, 28, 29 mọi gia đình lại ngồi quây quần bên nhau gói những chiếc bánh chưng bánh tét.
Ở miền Nam thì có bánh tét, bánh có hình trụ, miền Bắc thì có bánh chưng hình vuông, tuy hình dáng có khác nhau nhưng nguyên liệu thì hoàn toàn giống nhau, lúa gạo là nguyên liệu chính của bánh, bánh tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước lâu đời của người Việt.
Lúc gói bánh chưng chính là lúc nhớ về nguồn cội của mình, mọi người có thêm thời gian quây quần bên nhau, kể chuyện về một năm cũ đã qua và hy vọng về một năm mới vuông vức tràn đầy, những chiếc bánh bánh tét càng tròn, bánh chưng càng vuông thì năm mới càng đầy đủ, sung túc, thành công.
Cùng với bánh chưng xanh thì mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình người Việt.
Cứ vào khoảng 29, 30 tháng Chạp, các gia đình lại lau dọn ban thờ, sửa soạn, bày biện mâm ngũ quả Tết.
Mâm ngũ quả thường có năm loại quả được bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Cũng có nhà bày trên một cái đĩa to rồi đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính.
Tùy theo từng vùng, miền với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả. Dù có sự khác nhau giữa các vùng, miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội tổ tiên và ước mong một năm mới sum họp, an khang, hạnh phúc, đủ đầy.
Không phải tự nhiên mà những ngày giáp Tết được coi như “ngày hội dọn nhà”. Từ xa xưa, việc dọn dẹp nhà cửa trước Tết đã là thói quen của nhiều gia đình.
Vào những ngày giáp Tết người Việt Nam thường có thói quen dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, vứt bỏ những thứ đồ cũ không dùng đến trong năm cũ, sắm sửa những cái mới với ý nghĩa mong một năm mới tất cả những điều không tốt của năm cũ đều được xóa bỏ, đón chào những cái mới, cái may mắn trong một năm sắp đến.
Cụ Nguyễn Văn Huyên mô tả: “Người ta lau chùi đồ thờ cúng bằng gỗ, đánh bóng đồ đồng hoặc thép. Người ta thay tro trong lư hương, gắn đèn mới vào chân đèn, lau chân đèn, rửa bài vị thờ bằng nước rễ thơm… Trong bếp người ta lau dọn, thay thế những viên gạch cũ dùng làm kiềng ba chân và ném xuống sông gần đó. Ở nhà người giàu, người ta lấy những tấm khăn thêu được cất cẩn thận trong năm để phủ lên mặt bàn, mặt tủ trong nhà, bọc gối, nệm và trải chiếu cạp điều lên giường, ghế và sofa”.
Hoa là thứ đồ không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những ngày Tết, nó tượng trưng cho sự may mắn, hoa nở càng đẹp, càng thơm thì ngày Tết càng tràn đầy.
Ở miền Bắc, người ta thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào, cây quất để trang trí trong nhà bởi hoa đào màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn còn cây quất càng nhiều quả thì chứng tỏ gia đình ấy càng nhận được nhiều lộc trong năm mới.
Ở miền Trung và miền Nam lại sử dụng cành mai vàng bởi theo quan niệm của họ, mai vàng tượng trưng cho sự cao sang của vua chúa thời phong kiến, là biểu tượng cho sự phát triển thăng tiến. Tuy mỗi miền một màu sắc, một sắc hoa khác biệt nhưng nó đều tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng cho gia đình.
Giao Thừa
![]() |
Lễ cúng giao thừa đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. |
Chiều 30 Tết là một khoảng thời gian rất có ý nghĩa của người Việt, mốc thời gian đánh dấu ngày Tết chính thức được bắt đầu. Mọi thứ dường như vội vã hơn, tất bật hơn bởi chỉ còn vài tiếng nữa sẽ đón chào năm mới, chính vì thế, mọi việc cần được chuẩn bị tươm tất trước thời khắc giao thừa. Cái ngọt ngào của ngày giáp Tết cứ thế thấm dần trong tâm hồn người Việt, trở thành miền ký ức dấu yêu tự bao giờ. Dù xã hội có hiện đại thế nào chăng nữa thì những điều tinh túy của phong tục ngày Tết sẽ vẫn lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Chiều cuối năm còn một tục lệ mà người Việt thời nay vẫn duy trì là tắm lá mùi già. Theo quan niệm xưa, việc tắm lá mùi vào ngày cuối năm là để xua tan những điều xui xẻo, không vui trong năm cũ để sẵn sàng đón một năm mới tốt đẹp hơn.
Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc thiêng liêng đất trời giao hòa. Đêm giao thừa còn có một tên gọi khác nữa là đêm Trừ Tịch, được bắt đầu từ 11 giờ đêm ngày 30 đến 1 giờ sáng của ngày mùng 1 Tết năm mới. Đón giao thừa được diễn ra vào thời khắc cuối cùng của năm cũ, bởi vậy hoạt động còn mang ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ, để đón những điều tốt đẹp của năm mới.
Thời khắc này, các gia đình sẽ cùng làm lễ thắp hương để cúng tổ tiên, ông bà, gia đình cùng quây quần bên nhau, tiễn năm cũ đi để chào đón năm mới.
Mâm cúng giao thừa, thường gồm một chai rượu, một chiếc bánh chưng, đĩa muối, gạo, đĩa hoa quả gồm nải chuối, một quả bưởi nguyên cành lá, những quả quất nhỏ gài ở kẽ nải chuối… và không thể thiếu con gà luộc ngậm một bông hoa hồng, cùng vàng hương, và lá sớ dâng thần linh.
Khi thời khắc giao thừa đến, người chủ gia đình bước ra thắp hương, đọc lời khấn cầu an, cầu phúc cho gia đình, dâng lễ vật lên tiễn vị thần cai quản năm cũ và chào đón vị thần cai quản năm mới.
Vào đúng thời khắc đêm giao thừa, người Việt thường có thói quen đi hái lộc đầu năm với mong muốn mang rước lộc về nhà để đón một năm mới thật nhiều may mắn.
Thời khắc giao thừa kết thúc, bước sang một năm mới, gia chủ thường chọn người bước vào nhà mình đầu tiên để xông đất, đó phải là những người hợp tuổi với gia chủ, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt với mong muốn một năm mới mọi điều đều thuận lợi, tốt đẹp.
Ngày Tết
![]() |
Con cháu thì chúc thọ ông bà và người lớn tuổi sang năm mới sức khỏe dồi dào, may mắn, bình an sau đó được người lớn chúc lại kèm theo một phong bao lì xì nhỏ màu đỏ. |
Vào ngày mùng 1 tháng Giêng, mọi người thường chọn hướng, chọn giờ và các phương tiện để ra khỏi nhà với mong muốn khi bước sang một năm mới tất cả đều thuận lợi, cả năm gặp điều tốt lành, không gặp điều xấu, điều không tốt.
Chúc Tết không chỉ là truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết, vào ngày mùng 1 tháng Giêng đầu năm mọi người trong gia đình thường cùng nhau đi chúc Tết bên nhà nội ngoại, mang theo quà cáp để mừng cho gia chủ.
Con cháu thì chúc thọ ông bà và người lớn tuổi sang năm mới sức khỏe dồi dào, may mắn, bình an sau đó được người lớn chúc lại kèm theo một phong bao lì xì nhỏ màu đỏ, có hình chữ nhật, bên trong đựng những đồng tiền mới với ý nghĩa chúc cho con cháu nhận được sẽ ngày càng đạt được nhiều may mắn, thành công.
Tiền trong bao lì xì không quan trọng ít hay nhiều mà nó ở ý nghĩa và nét văn hóa ấy, nó tượng trưng cho tài lộc, cho sự may mắn của cả người cho lẫn người nhận.
Đi lễ chùa đầu năm được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đầu năm mọi người thường đi chùa với mong muốn cầu cho một năm mới may mắn, hạnh phúc, đồng thời đó còn là việc làm để tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với Đức Phật, tổ tiên.
Đi lễ chùa đầu năm còn là việc khiến bản thân mình trở nên thanh tịnh hơn, gột rửa những điều cũ, bắt đầu cho một năm mới với những điều may mắn, tốt đẹp.
Cứ vào dịp đầu Xuân năm mới mọi người lại rủ nhau đi xin chữ về treo trong nhà với mong muốn cầu cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân của mình.
Tết là mở đầu của một năm mới, bởi vậy ai cũng mong mình sẽ đạt được những điều may mắn trong năm tới, do đó có những phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt, trở thành một phần không thể thiếu, thành một thói quen trong văn hóa của người Việt, nó cũng chính là truyền thống tốt đẹp mà mọi người cần trân trọng và làm theo.
![]() |
![]() |
![]() |