Bánh uôi là loại bánh yêu thích của người Mường |
Gắn liền với văn hóa bản sắc dân tộc thiểu số, tỉnh Hòa Bình có hơn 60% dân số là người Mường, nơi đây được biết đến như là cái nôi của nền văn hóa Mường phong phú, độc đáo cùng phong cảnh sống xanh mát hùng vĩ và nên thơ.
Không chỉ vậy Hòa Bình còn nổi tiếng với nhiều đặc sản hấp dẫn đậm chất núi rừng như cỗ lá, hạt dổi, xôi nếp nương,...Trong đó sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc tới món bánh uôi thơm dẻo.
Trong tiếng Mường, bánh uôi được gọi là "peẻng uôi" và còn có nhiều tên gọi mỹ miều khác như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh đoàn kết… vì bánh thường đi theo một cặp. Loại bánh này rất giản dị, có hình dáng và hương vị rất đặc biệt đem lại sự thích thú cho người ăn.
Bột gạo nếp nương là nguyên liệu chính để làm bánh uôi |
Trải qua bao nhiêu năm trên đất Hòa Bình, về nguồn gốc của bánh, người dân nơi đây cũng không rõ thức bánh này có từ khi nào, chỉ biết là đã được truyền lại qua rất nhiều thế hệ. Và dường như tự thuở nào bánh uôi đã gắn bó với nếp sống người dân tộc Mường một cách sâu sắc. Từ ngày thường đến những dịp quan trọng như tết Độc lập, Tết Nguyên đán, ngày mừng cơm mới, ngày giỗ…đều có mặt bánh uôi, từ nơi mâm cao trang trọng để cúng tổ tiên hay giản dị trong rổ rá cho những ngày mùa vất vả.
Nguyên liệu chính để làm nên loại bánh thơm ngon này là bột gạo nếp nương. Khâu quan trọng nhất là chuẩn bị bột để làm bánh được xay từ loại gạo gạo nếp nương còn thơm hương lúa mới.
Người dân thường đem vo gạo thật sạch, ngâm trong nước khoảng 2 giờ cho mềm và vớt ra để ráo nước rồi mới đem xay.
Để làm bánh, bột cần nhào trong chậu, đảo qua, đảo lại thành một khối dẻo quánh rồi lại thoắt đưa tay vẹo thành từng khối nhỏ to hơn quả cau một chút.
Bột làm bánh được tách ra từng phần nhỏ |
Bánh uôi có hai loại nhân là mặn và ngọt. Nếu là nhân ngọt thì được làm bằng hạt đậu nho nhe (một loại đậu đặc trưng của người Mường ở Hòa Bình) hoặc đậu xanh, nhưng để làm bánh ngon thì nhỏ nhẻ là tốt nhất. Hạt nhỏ nhẻ được nấu chín rồi giã nát, cho ra bát và trộn với đường. Riêng nhân mặn chỉ cần tẩm ướp thịt lợn với gia vị cùng một ít tiêu là được.
Lá gói bánh cũng là một yếu tố quyết định đến độ ngon của cặp bánh. Người dân thường dùng lá bương hoặc có thể dùng lá chuối để gói bánh. Trước khi gói, lá được lau sạch hoặc rửa với nước.
Lá bương được dùng để gói bánh |
Đúng như nhiều người vẫn nói: gói bánh uôi thể hiện sự khéo léo, tinh tế và nhanh nhẹn của phụ nữ Mường, cách làm bánh uôi rất đơn giản nhưng luôn cần người làm phải có sự tỉ mỉ. Các phần bột nhỏ được chia lúc đầu được cán dẹt sau đó tra nhân đã chuẩn bị vào trong rồi vo lại.
Để cho bánh không bị dính lá khi bóc, trước khi gói người dân nơi đây lăn bánh trên hạt lạc đã rang được giã nhỏ và gói bằng mặt lá mướt hoặc nếu lá chuối thì gói bằng mặt trái.
Tiếp đó đặt hai cục lên mặt lá phần gần hai đầu của lá, cuộn lá kín bánh sau đó xoay vặn phần khoảng trống giữa hai bánh cho cân xứng hai đầu rồi dùng phần lá thừa buộc lại hoặc có thể rút ngay chiếc lạt giang hay dây chuối túm gọn đầu bánh. Để bánh trông đẹp mắt hơn, nên cắt phần lá thừa ra.
Bánh được gói bằng chuối |
Để làm chín, bánh được hấp trong khoảng gần một giờ đồng hồ, đến khi thấy lá chuối chuyển sang màu đậm là bánh đã chín, tỏa ra một mùi ngọt ngào pha giữa bánh nếp và lá. Cuối cùng để thưởng thức bánh, vớt bánh ra rổ và chờ hơi ráo nước.
Bánh uôi từ bao đời này đã trở thành món ăn thân thuộc không thể thiếu vắng trong mỗi dịp quan trọng cũng như ngày thường của những người con xứ Mường.
Cùng với thời gian, nhiều truyền thống có thể thanh giản, nhiều món thay đổi cho phù hợp với khẩu vị và nguyên liệu hiện có, nhưng bánh uôi - thức bánh giản dị, gần gũi với đời sống hàng ngày và có ý nghĩa biểu trưng độc đáo này vẫn luôn được lưu giữ và không hề biến đổi.