Cây nha đam đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở Ninh Thuận. |
Cây nha đam được sử dụng nhiều trong lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm và cả dược phẩm. Trong giai đoạn 2019 - 2025, thị trường các sản phẩm từ nha đam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%/năm. Theo ước tính của Grand View Research - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và nghiên cứu thị trường có trụ sở chính ở Mỹ, thị trường các sản phẩm từ nha đam có thể đạt giá trị đến 2,67 tỉ USD vào năm 2025.
Tại Việt Nam, cây nha đam được trồng nhiều nhất tại tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 350 ha chủ yếu ở các phường Mỹ Bình, Văn Hải, Văn Sơn (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Cuối năm ngoái, nhiều diện tích trồng nha đam ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm bị ngập nước gây thiệt hại nặng. Do đó vào thời điểm này, nhiều nông dân cho biết giá thu mua nha đam lên cao tới mức 2.800 đồng/kg. Trung bình cây nha đam cho thu hoạch 10 lần mỗi năm với lợi nhuận từ 300 - 600 triệu đồng/ha/năm.
Với giá bán 4.500 đồng - 5.000 đồng/kg, nhiều hộ nông dân có điều kiện chăm lo tốt hơn cho cuộc sống gia đình. |
Tại phường Mỹ Bình (TP. Phan Rang-Tháp Chàm) được xem là thủ phủ trồng nha đam lớn nhất, nhì tỉnh Ninh Thuận. Thời điểm này, đâu đâu trên những cánh đồng nha đam đều rộn vang tiếng cười, niềm phấn khởi của những người nông dân vì nha đam năm nay được mùa được giá.
Đang tất bật cắt những bẹ nha đam để bán cho thương lái, bà Bùi Thị Lành, một trong những hộ dân có 15 năm kinh nghiệm trồng nha đam ở khu phố 3, phường Mỹ Bình phấn khởi: "Năm nay thời tiết thuận lợi để nha đam phát triển, hiện tại 2.000 mét vuông nha đam của gia đình tôi đang vào vụ thu hoạch với sản lượng ước 8 tấn. Với giá bán tại vườn là 4.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi gần 30 triệu đồng...
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá nha đam liên tục tăng cao. Được giá, được mùa nên bà con trồng nha đam ai cũng vui, phấn khởi. Hồi trước, cũng trên diện tích đất này, tôi trồng bông cúc vàng và rau đậu mà khổ lắm, không có lời, nhiều khi ôm cây bông mà khóc ròng".
Bình quân 1.000 mét vuông nha đam thu hoạch được 4-5 tấn. Và cứ sau 25 đến 30 ngày nông dân lại có thể cắt lứa tiếp theo. |
Ông Đặng Ngọc Năng, Phó chủ tịch UBND Mỹ Bình cho biết: Toàn phường hiện có 32 hecta cây nha đam, tập trung nhiều nhất ở các khu phố 3, khu phố 5 và khu phố 6. Cây nha đam rất phù hợp với điều kiện đất cát pha mặn ở địa phương nên phát triển rất tốt.
Thời điểm này, giá nha đam lại tăng cao nên các nông hộ trồng nha đam rất phấn khởi. Nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nhờ đó có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống.
Với chi phí trồng cây con từ ban đầu khoảng 10 triệu/1.000 mét vuông, sau từ 8 – 10 tháng thì nông dân có thể thu hoạch lứa nha đam đầu tiên và có thể cắt liên tục từ 10 đến 12 lần trong năm. Riêng đối với cây nha đam đã già, có thể chặt ngang gốc rồi bón phân theo nước, sau 3 tháng thì có thể cho thu hoạch tiếp tục với sản lượng như ban đầu.
Doanh nghiệp thu mua nha đam cho người dân với giá ổn định. |
Sở dĩ bà con nông dân có đầu ra và thu nhập ổn định từ cây nha đam nhờ có doanh nghiệp đầu tư thu mua chế biến để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã triển khai mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam tại xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc) nhằm giúp bà con địa phương nâng cao thu nhập với sự tham gia của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (G.C Food) cho biết: "Công ty chọn đầu tư vào cây nha đam vì là loại cây có nhiều ứng dụng trong cuộc sống và dung lượng thị trường tương đối lớn. Hiện G.C Food có dây chuyền chế biến nha đam hiện đại và công suất (200 tấn lá nha đam/ngày) lớn nhất Việt Nam. Sản phẩm xuất khẩu đi 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…".
Doanh nghiệp Việt đang đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm nha đam. |
Cũng theo ông Thứ, G.C Food đặt mục tiêu trong 3 năm tới sẽ trở thành nhà cung cấp sản phẩm nha đam lớn nhất khu vực và 10 năm tới sẽ đạt doanh thu 100 triệu USD/năm, là nhà sản xuất nha đam lớn nhất thế giới.
"Ngoài thế mạnh hiện tại là các sản phẩm thực phẩm, chúng tôi đang nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư sang lĩnh vực hóa mỹ phẩm. Năm 2023 chúng tô đã ký hợp đồng cả năm với các đối tác nên không lo thiếu đơn hàng, mà lo nhất là thiếu nguyên liệu sản xuất. Ngoài vùng nguyên liệu tự đầu tư sản xuất, thời gian qua công ty liên kết với 200 hộ nông dân và hợp tác xã địa phương xây dựng vùng nguyên liệu trên diện tích 130 ha. Trong năm nay dự kiến phát triển lên 200 ha để tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy"- ông Thứ nói./.