Mận hậu được trồng nhiều ở Mộc Châu, Sơn La |
Mận hậu là một đặc sản và được trồng phổ biến núi rừng Tây Bắc, nổi tiếng nhất là mận hậu Sơn La. Quả mận hậu có vỏ xanh, vị chua thanh mát và hơi chát xíu, da căng bóng, giòn chắc. Khi chín thì mận hậu sẽ chuyển sang màu đỏ như màu của quả cherry, bên ngoài sẽ phủ thêm lớp phấn trắng xóa mê người.
Cây mận hậu là loại cây thân gỗ, tán rễ rộng, thích hợp ở sinh trưởng ở những nơi có khí hậu ẩm mát để phát triển bộ rễ của mình. Nhiệt độ phù hợp để cây mận hậu phát triển nằm trong khoảng 22 đến 24 độ C, nếu trên 35 độ C thì cây có thể khó phát triển và chết héo.
Mận hậu thích hợp với nhiều loại đất trồng, nhất là đất có độ pH từ 5.5 đến 6.5, có khả năng thoát nước nhất như vùng đồi núi. Do đó, chỉ có cây mận hậu mới có thể sinh trưởng tốt nhất nên nó chỉ được trồng nhiều ở các vùng núi phía Bắc như Sapa, Hà Giang, Mộc Châu, đặc biệt trồng nhiều nhất là ở Sơn La.
Thông thường, cuối tháng 3 và đầu tháng 4, thì người ta đã thu hoạch mận hậu, dù còn non vỏ nhưng hương vị đặc trưng, thơm mát, không có chát của nó luôn chiều lòng thực khách. Đến tháng 5 và cuối tháng 7 thì đây chính là mùa mận hậu, lúc này hoa mận nặng trĩu quả, thu hút nhiều thương nhân đế thu mua.
Từ năm 1990, cây mận hậu đã bén rễ trên vùng đất biên giới Phiêng Khoài huyện Yên Châu (Sơn La), do hợp khí hậu và thổ nhưỡng, nên quả mậu hậu có vị ngọt, mẫu mã đẹp và được tiêu thụ ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bà con bản Kim Chung 2, xã Phiêng Khoài, chăm bón mận hậu |
Hiện nay, xã Phiêng Khoài có 1.400 ha mận, trong đó hơn 1.285 ha cho thu hoạch; sản lượng hằng năm đạt trên 15.000 tấn quả. Những năm qua, nông dân trong xã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đốn tỉa cành, cách chăm bón, phòng, trừ sâu bệnh hại cho cây mận...
Để cây mận hậu cho năng suất, chất lượng quả ngon, nông dân Phiêng Khoài đã áp dụng kỹ thuật chiết, ghép, sử dụng quy trình chăm sóc mận theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hộ còn đầu tư hệ thống phun tưới ẩm, cung cấp đủ nước cho cây mận trong quá trình ra hoa, đậu quả và quá trình nuôi dưỡng quả. Hơn 10 năm trở lại đây, nông dân trong xã còn áp dụng kỹ thuật trồng mận trái vụ cho năng suất, chất lượng cao. Mận trái vụ thu hoạch đến đâu, thương lái mua đến đó và có giá cao gấp từ 2-3 lần so với mận chính vụ.
Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở bản Kim Chung 1, thuê thêm 7 lao động chăm sóc vườn mận hậu. Toàn bộ diện tích đang thực hiện theo hướng VietGAP, nên quy trình chăm sóc công phu, cầu kỳ hơn so với những diện tích trồng truyền thống. Chị Nguyệt chia sẻ: Gia đình tôi có 13 ha mận hậu, nhiều năm nay, tôi áp dụng kỹ thuật thâm canh mận chín sớm, chính vụ và chín muộn, vì vậy, mỗi thời kỳ cần có kỹ thuật chăm sóc riêng cho cây mận.
Thời điểm hiện tại, mận đang thời kỳ đậu quả, gia đình tôi tăng cường vun xới đất, bón phân, tưới nước, thường xuyên thăm vườn để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Sản xuất theo hướng an toàn, nên sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp để bón cho cây vừa giảm chi phí, vừa làm cho đất tốt lâu, bền, quả cho chất lượng cao hơn.
Với phương pháp trên, năm nào vườn mận hậu của gia đình tôi cũng cho sản lượng 40 tấn/vụ. Vụ năm trước vườn mận đã cho thu gần 700 triệu đồng.
Với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, ý thức của người dân trong việc chăm sóc cây mận đúng quy trình kỹ thuật. Hiện nay, toàn bộ diện tích mận hậu trên địa bàn xã Phiêng Khoài đều sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn mùa mận hậu bội thu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng thương hiệu mận hậu Phiêng Khoài phát triển bền vững.