Quy định về quản lý thuế đối với giao dịch “lan đột biến” |
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS), Chủ tịch Hội sinh lý thực vật Việt Nam. |
Xin chào Giáo sư. Rất cảm ơn ông đã dành thời gian quý báu của mình cho Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm ngày hôm nay.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, thời gian vừa qua, cái tên “lan đột biến” đã khuynh đảo thị trường lan, gây ra “cơn sốt”, thậm chí là “cơn bão” trên thị trường lan Việt Nam. Vậy vì sao lại được gọi là “lan đột biến”? Dưới góc nhìn của nhà khoa học, Giáo sư có đánh giá như thế nào về “cơn sốt” của thị trường lan trong thời gian qua?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch: Thời gian vừa qua, trên thị trường đúng là có “cơn bão” về “lan đột biến”, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã rộ lên rất nhiều về “lan đột biến”. Có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Về mặt khoa học chúng ta cần có những nhìn nhận, đánh giá một cách thật khách quan, chặt chẽ, nhằm duy trì, bảo tồn những loài lan quý hiếm mới phát hiện, đồng thời phát triển chúng một cách bền vững. Việc đưa ra những nhận định đúng cũng góp phần đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, lừa đảo trong kinh doanh lan đột biến hiện nay.
Theo định nghĩa: Đột biến sinh học là những biến đổi bất thường trong vật chất di truyền ở cấp độ phân tử (ADN, gen) hoặc cấp độ tế bào (nhiễm sắc thể), dẫn đến sự biến đổi đột ngột của một hoặc một số tính trạng. Ví dụ như thay đổi về hình thái, kích thước, màu sắc hoa,... Một số biến đổi này có tính chất bền vững và có thể di truyền cho các đời sau.
Đột biến là quá trình xảy ra đột ngột, riêng rẽ, ngẫu nhiên, không định hướng ở cơ thể sống trong điều kiện tự nhiên. Như vậy có thể nói trong điều kiện tự nhiên, nếu không có tác động đột ngột của các tác nhân gây tác động biến đổi vật chất di truyền (ADN) của cơ thể như tia phóng xạ (xảy ra như vụ ném bom nguyên tử ở Hirosima Nhật bản) chất độc màu da cam (như việc rải chất diệt cỏ 2,4D, 2,4,5T) ..thì hầu như không xảy ra quá trình đột biến. Dựa trên cơ chế này, con người đã tiến hành xử lý đột biến cho các cơ thể sinh vật như hạt, mô đang nuôi cấy bằng các tác nhân gây đột biến hóa học (êtyl mêtan sunphônat (EMS), nitrôzô mêtyl urê (NMU), nitrôzô êtyl urê (NEU) hay tác nhân vật lý (Các tia phóng xạ như tia X, tia gamma, tia anpha, tia bêta và tia tử ngoại).
Hạt hay mô sau khi xử lý đột biến, tạo ra các cây đột biến rất đa dạng, được chọn lọc rất công phu ra các dạng đột biến có lợi (thường chiếm tỷ lệ vô cùng thấp). Đó chính là các giống đột biến nhân tạo.
Hoa lan phi điệp đột biến |
Ở Việt Nam đã có nhiều giống lúa (DT10, Khang dân đột biến..), đậu tương (ĐT 84..) được tạo thành công bằng kỹ thuật đột biến. Một số cơ quan đang tiến hành nghiên cứu tạo giống hoa lan (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam) bằng xử lý đột biến nhưng chưa có kết quả cụ thể. Như vậy có thể nói, trong điều kiện tự nhiên thông thường khó có thể xảy ra quá trình gây đột biến tạo ra các giống lan đột biến đang phổ biến khá rầm rộ như hiện nay trên thị trường Việt Nam.
Các giống “lan đột biến” hiện nay thực chất chỉ là những mẫu giống lan biến dị tự nhiên có khả năng di truyền được các nhà nuôi trồng lan Việt Nam phát hiện. Trong tự nhiên, các biến dị tự nhiên di truyền được tạo thành do nhiều nguyên nhân nội tại và ngoại cảnh khác nhau, nhưng chủ yếu do sự kết hợp ngẫu nhiên giữa các giao tử đực và cái qua thụ tinh, hình thành nhiều tổ hợp gen khác nhau ở thế hệ con cháu... Từ nguồn nguyên liệu này, qua quá trình chọn lọc (chọn lọc tự nhiên hoặc chọn lọc nhân tạo) có thể tạo ra các dạng mới và hình thành loài mới.
Có thể nói sự phát hiện ra các thể lan biến dị tự nhiên này là những đóng góp có ý nghĩa khoa học giúp chúng ta phát hiện những mẫu giống mới, nếu được so sánh phân loại với các mẫu chuẩn hay bản mô tả đã có sẽ giúp ta khẳng định chúng có phải là các loài hay dưới loài mới được phát hiện hay không? Điều này sẽ góp phần bổ sung nguồn tài nguyên lan quý giá của Việt Nam, đồng thời giúp bảo tồn và khai thác chúng bền vững.
Theo tôi, thay cho tên gọi “lan đột biến” trong khi chưa có các nghiên cứu định danh chuẩn thì nên gọi là “lan Var” sẽ hợp lý hơn. Từ Var trong trường hợp này, cũng xuất phát từ cụm từ Genetic variation tức biến dị di truyền.
Phóng viên: Hiện nay, có rất nhiều ý kiến cho rằng, với những giống lan được cho là “đột biến” đã được phát hiện, rất cần có thương hiệu, tên tuổi, nguồn gốc, tác giả phát hiện ra nó chứ không thể đặt tên tùy tiện được. Dưới góc độ là nhà nghiên cứu, là Chủ tịch Hội đồng khoa học thuộc Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam, Chủ tịch Hội sinh lý thực vật Việt Nam ông có quan điểm như thế nào về vấn đề trên?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch: Sản phẩm giao dịch nào cũng phải có tên và có tiêu chuẩn phân loại. Những cái tên mà hiện nay ta gọi như: 5 cánh trắng Phú Thọ; 5 cách trắng Hà Tĩnh; 5 cách trắng HO; 5 cách trắng Lạc Long Quân; Đôi mắt Pleiku; Người đẹp Bình Dương; Thảo Nguyên..vv.. Đây chỉ là những tên thương mại được tác giả các mẫu giống lan đột biến này đặt một cách tùy tiện để giao dịch, nên rất đơn giản và dân dã.
Tuy nhiên chúng đã được người giao dịch chấp nhận. Đứng về mặt khoa học, để công bố cũng như giao dịch thương mại quốc tế, các mẫu giống lan này đều cần có tên khoa học chuẩn xác của chúng. Để định danh người ta phải dựa vào các mẫu chuẩn hoặc các bản mô tả chuẩn. Có thể xem một bản mô tả chuẩn về loài Dendrobium anosmum (do Lindley công bố năm 1845 và được các nhà thực vật Việt Nam tiếp tục bổ sung sau đó) để đối chiếu với các mẫu giống lan đột biến đang có như sau:
“Tên Việt: Giã hạc, Lưỡng điểm hạc, Phi điệp.
Mô tả: Phong lan, thân buông thõng dài tới 1.5m. Lá rụng vào mùa Thu. Hoa mọc ở các đốt 4-6 chiếc to 6- 10cm, thơm ngát nở vào mùa Xuân. Ngoài sắc tím hồng thông thường còn có màu trắng (Den. anos_mum var. alba) hay cánh màu trắng, họng tím (Den. anosmum var. huttonii).
Nơi mọc: Lào Cai, Hà Giang, Bắc Cạn, Đô Lương, Vinh, Krong Pha, Đà Lạt, Đắc Lắk, Sông Bé, Lộc Ninh.”
Như vậy, đối chiếu với mô tả của bản mẫu này cho thấy các mẫu giống lan đột biến của thị trường đang có là rất gần hay trùng với loài đã được phát hiện và mô tả là Dendrobium anosmum. Dạng cánh trắng có thể thuộc Dendrobium anosmum var. Alba. Dạng họng tím có thể thuộc Dendrobium anosmum var. Huttonii. Chúng ta có thể tiếp tục chi tiết hóa các tên khoa học ở mức dưới loài khi có mẫu chính xác. Bởi vì, dưới mức loài còn có các tiêu chuẩn phân loại 4 mức nữa.
Lan Phi điệp hay còn được gọi là Giã hạc, Lưỡng điểm hạc |
CÁC ĐƠN VỊ DƯỚI LOÀI:
1) Phân loài (Subspecies): Các phân loài thống nhất trong một loài, chúng sai khác ít rõ rệt hơn loài và có khu phân bố riêng.
2) Thứ (Varietas): Các thứ của một loài nào đó sai khác nhau ít rõ rệt hơn so với phân loài. Chúng không có khu phân bố riêng và đặc trưng về các dấu hiệu di truyền nhất định.
3) Dạng (Forma): Đặc trưng bởi các dấu hiệu hình thái dễ thay đổi dưới ảnh hưởng của điều kiện bên ngoài.
4) Loại (Sorte): Giống, nòi.
Như vậy hoàn toàn có khả năng định danh các mẫu “lan đột biến” mới phát hiện khi dựa vào bản mô tả mẫu đã được quy định. Trong trường hợp có khó khăn, việc định danh sẽ kết hợp với phương pháp định danh dựa theo phân tích ở mức phân tử.
Phóng viên: Hiện có những phương pháp nào để nhân giống cây lan nói chung và lan đột biến nói riêng thưa ông?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch: Trước khi phương pháp nuôi cây mô ra đời, cây lan chủ yếu được nhân bằng phương pháp tách gốc hoặc nhân các đoạn thân như nhân bằng ki (đoạn thân mang mắt ngủ). Cách nhân giống này có hệ số nhân rất thấp khiến cây lan đã quý lại càng hiếm hơn.
Người xưa có câu: “Vua chơi lan, quan chơi trà” cũng là vì thế. Sau khi các phương pháp nhân giống trong ống nghiệm (in vitro) ra đời, lan được nhân giống lên nhanh gâp bội, đưa lan từ một cây vương gia, hiêm quý trong rừng trở thành một cây hoa tiêu dùng phổ biến. Có thể điểm qua các phương pháp nhân giống in vitro:
1) Phương pháp gieo hạt in vitro: Hoa lan khi được thụ phấn và thụ tinh sẽ đậu quả. Trong 01 quả lan có tới hàng triệu hạt. Hạt lan rất nhỏ, hầu như không có nội nhũ. Do không có nội nhũ (không có chất dinh dưỡng dự trữ giống như tinh bột trong hạt lúa ngô..) vì thế khi hạt phát tán chỉ có thể nảy mầm khi rơi vào môi trường như trên các loại vỏ cây có độ ẩm, có đủ chất dinh dưỡng phù hợp, đặc biệt là các vitamin, nhất là vitamin B6. Các chất này do hoạt động của vi sinh vật có mặt trên vỏ cây sinh ra.
Do đó trong thiên nhiên, mặc dù quả lan có nhiều hạt nhưng số cây mọc ra trong tự nhiên rất ít. Để khắc phục việc này các nhà khoa học đặc biệt là nhà khoa học Knudson đã đề xuất việc gieo hạt lan trên môi trường nhân tạo (môi trường Knudson chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho hạt lan nảy mầm). Hạt nảy mầm, mọc trên môi trường rất thuận lợi, có thể tạo ra hàng nghìn, vạn cây con trong một bình giống. Cây mọc từ gieo hạt có thể phân ly ra nhiều dòng. Tuy nhiên, nếu hạt tạo ra từ quả tự thụ của các dòng lan thuần cũng sẽ cho các cây lan đồng nhất di truyền. Trong thực tế, người ta thường nhân giống lan Hài, lan Kiếm bằng kỹ thuật gieo hạt. Phương pháp này đơn giản cho hệ số nhân rất cao. Từ một quả lan có thể cho hàng vạn cây con.
Phương pháp nhân giống bằng gieo hạt in vitro |
2) Nhân giống bằng nuôi cấy mô: Các tế bào sinh dưỡng thực vật của mô phân sinh, lá, thân, mắt ngủ.. có tính toàn năng, tức là mỗi tế bào chứa đầy đủ thông tin di truyền để tạo nên một cơ thể hoàn chỉnh. Nhưng khi đã bị biệt hóa và nằm trong 1 cấu trúc mô, tế bào không thể trở về trạng thái phôi sinh để phát sinh hình thái thành cây. Khi tách khỏi các điều kiện ức chế và có tác động của các chất điều tiết sinh trưởng, tế bào sinh dưỡng sẽ phát triển thành phôi và hình thành cây con. Chính vì thế có thể nhân giống cây lan bằng kỹ thuật nuôi cấy mô với hệ số nhân rất lớn. Một cơ sở sản xuất lan có thể nhân hàng triệu cây/năm. Ví dụ Công ty Anh Đào TP. Hồ Chí Minh một năm có thể sản xuất 12 triệu cây lan Dendrobium.
Để cấy mô, cần có mẫu vô trùng, tức là mẫu phải xử lý diệt vi khuẩn và nấm. Khi đưa mẫu chưa vô trùng vào bình nuôi cấy, vi khuẩn và nấm sẽ phát triển tiêu diệt mô nuôi cấy. Đây là khó khăn lớn khi giá mẫu (ki) rất cao và tỷ lệ thành công khi khử trùng chỉ 29-30%.
Phương pháp nhân giống bằng nuôi cấy mô |
Việc nhân giống bằng ki (đoạn thân mang mắt ngủ) như hiện nay cũng dựa vào đặc tính toàn năng của tế bào và cũng là phương pháp nhân giống vô tính (không từ hạt) mà từ cơ quan sinh dưỡng như mắt ngủ, mô phân sinh...Nhân bằng ki cho hệ số nhân rất thấp. Một đoạn thân chỉ cho ra 1 cây. Tuy hệ số nhân thấp nhưng không đòi hỏi thiết bị cấy mô phức tạp.
Phóng viên: Hiện nay trên thị trường Việt Nam đã có “lan đột biến” nuôi cấy mô chưa thưa ông?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch: Như tôi đã nói ở trên, có rất nhiều phương pháp có thể nhân giống loài phong lan. Đối với các loài lan đột biến chúng ta cũng hoàn toàn có thể nhân giống dễ dàng, trong đó có phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Kỹ thuật nuôi cấy mô có khả năng nhân giống tốt, nhưng gặp khó khăn bởi mẫu rất đắt và khâu khử trùng mẫu có thể gây thất thoát mẫu. Chính vì những khó khăn trên mà hiện nay trên thị trường Việt Nam chưa có lan đột biến nuôi cấy mô.
Theo tôi, các nhà sản xuất lan đột biến hiện nay nên có chiến lược đầu tư vào nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô đồng thời có đăng ký bản quyền giống, bảo hộ giống sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, quốc gia và người sản xuất.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, liên quan đến việc buôn bán loài cây quý hiếm này các cá nhân, tổ chức có phải thông báo lên cơ quan chức năng hay không?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch: Theo cục trồng trọt Bộ NN&PTNT, các loại cây trồng lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối được quản lý chặt theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2019-NĐ-CP. Bởi các loại cây này tác động đến kinh tế - xã hội của quốc gia. Muốn được lưu hành 6 loại giống cây này phải thông qua khảo nghiệm.
Đối với loại không phải là cây trồng chính bao gồm các loại hoa, trong đó có hoa lan, hoa lan đột biến… thì tổ chức cá nhân muốn lưu hành, buôn bán phải thực hiện tự công bố lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định 94 và tự chịu trách nhiệm với những thông tin mà họ công bố. Nếu buôn bán mà không phù hợp với thông tin đã công bố thì sẽ bị xử phạt.
Tuy nhiên, theo quy định, từ ngày 1/1/2023, các sản phẩm này bắt buộc phải công bố nếu không công bố lưu hành một cách minh bạch về tác giả, nguồn gốc giống, giá trị canh tác, giá trị sử dụng như thế nào… là vi phạm và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, việc buôn bán các loại động, thực vật hoang dã phải tuân thủ công ước CITES (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora). Đây là Công ước về thương mại quốc tế các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp. Các loài lan hoang dã nằm trong công ước này thì sẽ không được phép xuất khẩu.
Minh bạch nguồn gốc, chuẩn hóa quốc tế tên gọi khoa học chính xác của các mẫu giống “lan đột biến” hiện nay sẽ xóa tan đi những mù mờ dễ làm nhà đầu tư và người sản xuất bị tổn thất |
Phóng viên: Trước thực trạng “thật - giả” về lan đột biến như hiện nay, Giáo sư có lời khuyên, lời cảnh báo nào dành cho những người yêu thích, đam mê thậm chí là kinh doanh loài cây quý hiếm này?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch: Như trên tôi đã trình bày việc làm minh bạch nguồn gốc, chuẩn hóa quốc tế tên gọi khoa học chính xác của các mẫu giống “lan đột biến” hiện nay sẽ xóa tan đi những mù mờ dễ làm nhà đầu tư và người sản xuất bị tổn thất. Làm được như vậy, tôi tin rằng sẽ không bao giờ có sự dối trá, lừa lọc hay kiện tụng nhau trước pháp luật.
Còn về giá cả đó là theo quy luật thị trường, người bán có quyền đặt giá cao khi vẫn còn người mua trả giá. Thế nhưng người đầu tư cần hiểu rõ, giá chỉ cao và độc quyền khi hiếm qúy. “Lan đột biến” quý hiếm là hiện tượng đang diễn ra, đến lúc nào không hiếm nữa thì giá sẽ giảm xuống.
Nhà đầu tư nào có tầm chiến lược phải tập trung vào công nghệ. Có mẫu giống đúng là đột biến, có tên chính xác, có bản quyền, có bảo hộ thì phối hợp với các nhà khoa học nhân thật nhanh tạo ra sản phẩm độc quyền với số lượng lớn thì mới thành sản phẩm mang tính quốc gia có giá trị được. Trách nhiệm của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý là phải làm sao giảm được giá xuống và mang lại nguồn lợi tối đa cho đất nước, cho người dân.