Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh sởi, ho gà Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi Chủ động bảo vệ gia đình và bản thân khỏi bệnh sởi |
Nhiều trẻ nhập viện do sởi
![]() |
Để khẳng định trẻ có mắc bệnh sởi hay không phải có kết quả xét nghiệm từ các viện Pasteur. |
Bác sĩ Trần Kỹ, Trưởng khoa Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hầu hết bệnh nhi nằm điều trị tại khoa thời gian gần đây, qua thăm khám trẻ có triệu chứng điển hình của sởi, như: ho, sổ mũi, sốt, phát ban, mắt đỏ,… trẻ lừ đừ ở giai đoạn ngày thứ 4, thứ 5 mắc bệnh nên gia đình lo lắng đưa vào bệnh viện. Đối với các trường hợp triệu chứng rõ, chúng tôi chẩn đoán sởi và điều trị tích cực cho trẻ. Chẳng hạn, ngày 4/2, tại khoa có 26 bệnh điều trị nội trú, nhưng chỉ có vài ca bệnh khác, còn lại trên 20 ca bệnh bị nghi là bệnh sởi”.
Tương tự, ở Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, bác sĩ Võ Thị Hoa, Phó trưởng khoa phụ trách, chia sẻ: “Từ trước Tết Nguyên đán năm nay, khoa đã tiếp nhận rất nhiều trẻ khám, điều trị chẩn đoán sốt phát ban nghi là bị sởi. Không kể các trường hợp khám, cấp thuốc ngoại trú, chỉ riêng số trẻ nằm viện điều trị ở khoa trung bình khoảng 20-30 ca mắc bệnh sởi/ngày, có ngày lên trên 40 ca. Tình trạng này nhiều năm qua không xảy ra. Chúng tôi đã bố trí riêng một khu cách ly để điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh sởi để phòng lây bệnh chéo cho các bệnh nhi khác đang điều trị ở khoa”.
Theo ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hậu Giang, số ca bệnh mắc bệnh sởi tháng 1 vừa qua, ghi nhận gần 500 ca mắc bệnh sởi. Trong đó, theo số liệu điều tra, phân tích đối với trên 430 trẻ mắc bệnh (đến 24/1), có 31 trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh và 146 trẻ trên 10 tuổi mắc bệnh. Cũng có trẻ có tiêm ngừa sởi nhưng vẫn mắc bệnh sởi nhưng số lượng không nhiều.
"Để khẳng định trẻ có mắc bệnh sởi hay không phải có kết quả xét nghiệm từ các viện Pasteur. Chúng tôi đã gửi 111 mẫu xét nghiệm, nhưng tạm thời chỉ có 5 mẫu có kết quả, trong đó có 4 mẫu mắc bệnh sởi và 1 mẫu không mắc bệnh sởi, còn lại 106 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm. Do chưa có kết quả xét nghiệm nên cũng chưa thể loại trừ các trường hợp bị nghi bị sởi là không mắc bệnh sởi. Để chủ động dự phòng bệnh sởi, các bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung vẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống như một ca bệnh sởi đối với người mắc bệnh sởi, nhằm khống chế không để dịch bệnh lây lan thành dịch lớn trong cộng đồng", ông Lê Văn Chúc chia sẻ.
![]() |
trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca bệnh nhi mắc bệnh sởi tiếp tục gia tăng. |
Không chỉ riêng ở Hậu Giang mà TP. HCM cũng có nhiều trẻ nhập viện do sởi. ThS.BS Nguyễn Đình Qui - Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca bệnh nhi mắc bệnh sởi tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 6/2, tại khoa Nhiễm có 50 bệnh nhi mắc bệnh sởi đang nằm điều trị. Mặc dù con số này thấp hơn so với số lượng 60-70 ca bệnh sởi được điều trị trước Tết, nhưng điều đáng lưu tâm là số bệnh nhân mới phải nhập viện do sởi sau kỳ nghỉ Tết vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Trung bình mỗi ngày, khoa Nhiễm của bệnh viện tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân mắc bệnh sởi.
"Bệnh sởi năm nay có diễn biến lạ và kéo dài hơn so với mọi năm. Lấy điển hình vào năm 2018, thời điểm bùng phát dịch sởi bắt đầu từ tháng 7-8/2018 và kết thúc vào tháng 1/2019. Năm nay bệnh sởi cũng khởi phát vào tháng 7-8/2024 nhưng đến tháng 2/2025 vẫn đang tiếp tục gia tăng và có diễn biến khó lường", bác sĩ Nguyễn Đình Qui nhận định.
Không chỉ có diễn biến khác lạ mà độ tuổi mắc bệnh sởi cũng có xu hướng chuyển dịch lớn hơn. Nếu trước đây, lứa tuổi dễ mắc bệnh là từ 5 đến 10 tuổi và những trẻ em chưa tiêm chủng hoặc dưới 5 tuổi là người dễ mắc bệnh sởi nhất thì ở thời điểm hiện tại bệnh còn xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi lớn hơn từ 10-15 tuổi.
Nguyên nhân cụ thể vẫn chưa xác định rõ ràng, có thể do sự thay đổi trong yếu tố con người, thói quen tiêm chủng,... khiến cho thời gian bùng phát bệnh sởi kéo dài cũng như đối tượng mắc bệnh không chỉ giới hạn ở lứa tuổi nhỏ nữa mà đã mở rộng ra cả nhóm trẻ lớn hơn.
Lý giải một phần nguyên nhân, bác sĩ Nguyễn Đình Qui cho biết: "Ở thời điểm hiện tại, không thể nói trước khi nào bệnh sẽ dừng lại, tình hình đang có xu hướng phức tạp hơn vì tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng và khó dự đoán. Trước Tết, tôi lo lắng về việc di chuyển của người dân trong dịp lễ sẽ làm tăng khả năng lây lan của bệnh. Việc trẻ mắc bệnh theo bố mẹ về quê ăn Tết và ngược lại có thể khiến virus lây lan nhanh chóng mà không kịp kiểm soát, dễ tạo thành ổ dịch”.
Lưu ý dấu hiệu trở nặng khi mắc bệnh sởi
![]() |
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu trở nặng các bậc phụ huynh phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời. |
Hiện trong cộng đồng đã có nhiều trẻ mắc bệnh sởi. Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây nhanh trong các bệnh truyền nhiễm hiện nay, đồng thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Song, có nhiều ông bố bà mẹ không có đủ nhận thức rõ về bệnh sởi, nhiều người cho rằng bệnh sởi không đáng sợ, chỉ là bệnh lý thông thường nên vẫn đưa trẻ đi chơi trong khi đang mắc bệnh.
"Trẻ mắc bệnh sởi có những dấu hiệu trở nặng mà không được đưa đến cơ sở y tế điều trị ngay sẽ làm bệnh trẻ càng nặng thêm, có thể có biến chứng hoặc có biến chứng rồi sẽ thêm những biến chứng khác. Tỷ lệ trẻ em bị biến chứng viêm phổi do sởi là 5%, biến chứng viêm não từ 0,1-0,2%, có khi kéo dài đến 2% và rất dễ nguy kịch”, bác sĩ Nguyễn Đình Qui khuyến cáo.
Do đó, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu trở nặng các bậc phụ huynh phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời. Những dấu hiệu trở nặng cần lưu ý bao gồm: Trẻ liên tục sốt cao, nếu trẻ sốt 39-40°C mà có tiền căn sốt co giật thì tốt nhất nên đến trạm y tế cơ sở gần nhất ngay lập tức.
Các triệu chứng khác kèm theo như: Ho nhiều, thở nhanh, có biểu hiện li bì có thể là dấu hiệu của biến chứng nguy hiểm như viêm phổi. Nếu trẻ có biểu hiệu co giật hoặc những triệu chứng thần kinh khác thì có thể liên quan đến biến chứng viêm não; trẻ bị tiêu chảy kèm máu có thể liên quan đến biến chứng viêm ruột.
Đặc biệt đối với những trẻ có bệnh nền như: Viêm phổi thường xuyên tái đi tái lại, bệnh thận hoặc gan mạn tính, nguy cơ diễn tiến nặng sẽ cao hơn, do đó cần thận trọng và đưa trẻ đi khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời là điều quan trọng nhất để hạn chế nguy cơ biến chứng, bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trước số ca sởi gia tăng, tình hình đang diễn biến phức tạp như hiện nay, bác sĩ Nguyễn Đình Qui cho rằng việc tiêm ngừa cho trẻ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ chính mình và con trẻ khi đi ra ngoài, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, đồng thời rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Khi thấy con mình bị bệnh sởi, phụ huynh cần cách ly trẻ trong 5 ngày tính từ ngày trẻ bắt đầu phát ban. Trong thời gian này không nên cho trẻ ra ngoài, để tránh lây bệnh cho người xung quanh.