Ứng dụng của tinh dầu trong chăn nuôi
Trên thế giới, Thuỵ Điển là nước đầu tiên cấm sử dụng một số kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi năm 1986. Các nước EU cấm tất cả kháng sinh kích thích tăng trưởng trong năm 2006. Nhiều quốc gia khác như Mỹ, Thái Lan,… ngừng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi từ năm 2017.
Việt Nam cũng đã có giải pháp quản lý vấn đề này bằng việc ban hành Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản. Trong đó giới hạn việc sử dụng thuốc kháng sinh và cách thức sử dụng thuốc kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, điều trị vật nuôi và thời gian ngưng sử dụng để tránh tồn dư trên sản phẩm, từng bước kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Và mới đây nhất là Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 nhằm kiểm soát tốt hơn và từng bước loại bỏ dần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi theo lộ trình đến năm 2025.
Một cách để giải quyết vấn đề sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là sự kết hợp giữa quy trình quản lý chăn nuôi và khẩu phần cân đối có sử dụng một số tinh dầu thiên nhiên và các chiết xuất thực vật.
Tinh dầu thiết yếu trong thức ăn được biết đến như những yếu tố tạo mùi. Các chiết xuất thực vật thì đã áp dụng nhiều năm như chất axit hóa thức ăn cho thú non.
Tinh dầu thiết yếu dùng trong thức ăn chăn nuôi, sản phẩm tinh dầu tự nhiên chiết xuất từ thảo dược và gia vị bằng phương pháp chưng cất. Trên cơ thể vật nuôi tinh dầu có hiệu quả kích thích độ ngon miệng, tăng tiết các enzyme và điều hoà sinh trưởng vật nuôi.
Tác dụng của tinh dầu trên đối tượng lợn và gia cầm
Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận những lợi ích của tinh dầu đối với hiệu suất của lợn và gia cầm. Các loại thảo mộc thơm và tinh dầu thường được khẳng định là cải thiện hương vị và độ ngon miệng của thức ăn, do đó làm tăng lượng thức ăn tự nguyện dẫn đến tăng cân (Zeng và các cộng sự, 2015).
Một cân nhắc quan trọng khác là sự ổn định của tinh dầu trong quá trình xử lý thức ăn. Tăng trọng, chuyển đổi thức ăn và tính nhất quán trong phân của lợn được cho ăn tinh dầu về cơ bản tương đương với lợn được cho ăn kháng sinh (Zeng và các cộng sự, 2015).
(Miller và các cộng sự, 2009) báo cáo rằng việc bổ sung 2g/kg hỗn hợp nhiều tinh dầu (Biomin P.E.P), từ 10 ngày trước ngày đẻ dự kiến đến khi cai sữa, cải thiện việc cho sữa sớm của lợn nái, giảm sự mất (giảm) trọng lượng lợn nái trong tuần đầu cho con bú và tăng trọng lượng cơ thể heo con khi cai sữa.
Trong một nghiên cứu liên quan đến 2100 lợn nái, Allan và Bilkei (2005) đã báo cáo rằng lợn nái được cho ăn chế độ ăn có 1g/kg oregano có lượng thức ăn tự nguyện cao hơn, tỷ lệ tử vong hàng năm thấp hơn, giảm tỷ lệ loại bỏ lợn nái trong thời gian cho con bú, tăng tỷ lệ đẻ, tăng số heo con sinh ra trong mỗi lứa và giảm tỷ lệ thai chết lưu.
Tinh dầu đối với hệ vi khuẩn đường ruột ở lợn, gia cầm
Tinh dầu và thực vật thơm được biết đến là có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và kháng vi-rút trong các thí nghiệm in vitro (Windisch và các cộng sự, 2008).
Tinh dầu được bán trên thị trường để sử dụng trong sản xuất động vật và được tuyên bố là chất tăng cường tiêu hoá (Salminen và các cộng sự, 1998). Trên cơ sở hoạt động kháng khuẩn của tinh dầu, có thể xem xét ứng dụng tinh dầu là tác nhân dự phòng và điều trị trong sản xuất động vật. Có thể mong đợi rằng việc hấp thụ các loại tinh dầu sẽ ảnh hưởng đến thành phần và quần thể vi sinh đường tiêu hoá.
Gà con được nuôi bằng chế độ ăn có chứa tinh dầu cho thấy giảm bài tiết noãn bào so với những con được cho ăn chế độ ăn không bổ sung. Các loại tinh dầu trong chế độ ăn uống có thể không chỉ tác động đến hệ vi sinh đường ruột mà còn cả sử dụng làm chất dinh dưỡng. Một nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy hiệu quả của tinh dầu Eugenia caryophyllata chống lại Salmonella enteritidis. Các thành phần thơm của tinh dầu như eugenol dường như hỗ trợ trong việc làm sạch các bệnh nhiễm trùng đường ruột và hệ thống, và nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát trứng nhiễm khuẩn Salmonella (Marcincák và các cộng sự, 2008)
Tác dụng chống oxy hoá
Các loại thảo mộc thuộc họ Labiatae, đặc biệt là hương thảo, oregano và cây xô thơm, đã được nghiên cứu rộng rãi cho hoạt động chống oxy hoá của chúng (Brenes và Roura, 2010).
Bổ sung vào chế độ ăn uống được coi là một phương pháp hiệu quả để kết hợp các chất chống oxy hoá tự nhiên vào thịt. Các hợp chất oxy hoá, đặc biệt là các chất phenolic, có trong tinh dầu oregano được hấp thụ, xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn sau khi ăn, và sau đó được giữ lại trong thịt.
Bên cạnh lợi ích về chất lượng thịt, nhiều tinh dầu hoặc chiết xuất thực vật cũng được báo cáo để cải thiện sự cân bằng oxy hoá khử ở các cơ quan khác nhau và làm giảm tổn thương oxy hoá gây ra bởi các yếu tố gây căng thẳng sinh lý khác nhau.
Kết luận
Càng ngày con người càng hướng đến những thực phẩm sạch, thói quen và nhu cầu sử dụng thực phẩm của con người ngày càng thay đổi theo hướng thực phẩm hữu cơ, an toàn sức khoẻ.
Với sự kết hợp các tinh dầu thiên nhiên và các chiết xuất thực vật thì đây chính là giải pháp cho bài toán lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, vẫn đảm bảo vấn đề kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, sức khoẻ vật nuôi, và cả khâu bảo quản thực phẩm trước khi đến với bàn ăn. Hiện nay, rất nhiều công ty thức ăn chăn nuôi đã đi theo hướng giải pháp mới này, và đã dần khẳng định được phương pháp sử dụng tinh dầu trong chăn nuôi là một giải pháp hợp lý cho mọi nhà.