Việt Nam nằm trong Top 10 thế giới về sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản Xu hướng dinh dưỡng chăn nuôi trong tương lai Tăng miễn dịch cho gà đẻ bằng phương pháp chưa đến 1000 đồng? |
Giá trị dinh dưỡng
Các loại côn trùng có hàm lượng protein thô cao (42,1 – 63,3% theo vật chất khô) và tương đương hoặc cao hơn nhiều so với nhiều loại thức ăn chăn nuôi giàu protein khác như bột cá, khô đậu tương.
Côn trùng có chứa đầy đủ các axit amin, đặc biệt là các axit amin thiết yếu với hàm lượng tương đối cao. Trong các loại hạt ngũ cốc thường thiếu một số loại axit amin thiết yếu như lysine, threonine hay tryptophan, nhưng hàm lượng các loài axit amin này đều có trong côn trùng, nhất là lysine và threonine hàm lượng tương đối cao.
Không những giàu protein, côn trùng còn được xem là thức ăn giàu chất béo, nhất là ấu trùng ruồi lính đen. Đặc biệt, côn trùng giàu các axit béo không no mạch dài và các axit béo cần thiết như axit linoleic và axit alpha-linolenic.
Về hàm lượng các chất khoáng, côn trùng được đánh giá là thức ăn rất giàu sắt và kẽm. Hơn nữa, hàm lượng các chất khoáng rất biến động giữa các loài và thay đổi theo giai đoạn phát triển của côn trùng. Ngoài ra, hàm lượng các chất khoáng còn phụ thuộc vào việc sử dụng một phần hay toàn bộ cơ thể của côn trùng để làm thức ăn.
Phương pháp chế biến
Côn trùng có thể được sử dụng ở dạng tươi (sống) hoặc qua chế biến làm thức ăn chăn nuôi. Một số dạng sản phẩm côn trùng được chế biến hiện nay như sấy đông khô, dạng bột khô hoặc đông đá. Chế biến sẽ giúp bảo quản côn trùng được lâu hơn và dễ sử dụng hơn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có rất ít công trình công bố về các phương pháp chế biến côn trùng làm thức ăn chăn nuôi (Veldkamp & cs., 2012).
Sau khi thu hoạch côn trùng từ chất nền, cần tiến hành làm sạch để loại bỏ hết các chất thải bám vào chúng. Thông thường nhất là biện pháp sử dụng sàng để tách côn trùng ra khỏi chất nền. Sau đó côn trùng được chế biến nguyên con hoặc tách một phần cơ thể chúng.
Khi sử dụng nguyên con, có thể tiến hành đông đá hoặc luộc trong nước sôi. Ví dụ, ấu trùng ruồi có thể được rửa sạch bằng nước nóng (40 – 500C) sau đó sấy trong 24 giờ ở 600C hoặc với ấu trùng sâu bột có thể sấy ở 500C trong 3 ngày (Gawaad & Brune, 1979; Ramos-Elorduy & cs., 2002, dẫn theo Veldkamp & cs., 2012).
Đối với phương pháp phân tách, sau khi thu hoạch, sơ chế làm sạch thì có thể thực hiện phân tách mỡ, protein hòa tan, protein không hòa tan và chitin. Khi tách mỡ thì hàm lượng protein sẽ cao hơn. Có thể sử dụng các chất hòa tan hữu cơ (như hexane) để tách mỡ rồi sấy khô. Để phân tách chitin, có thể sử dụng hóa chất (NaOH và NaCl) để khử khoáng rồi khử proteim, hoặc sử dụng biện pháp sinh học là lên men hoặc enzyme. Hiện, các phương pháp phân tách protein vẫn chưa được nghiên cứu nhiều (Veldkamp & cs., 2012).
Tiềm năng
Đến nay có 24 loài côn trùng thuộc 6 bộ khác nhau (Blattodea, Coleoptera, Diptera, Isoptera, Lepidoptera và Orthoptera) đã được đánh giá có tiềm năng sử dụng thức ăn chăn nuôi, trong đó bộ Diptera (48%) và Lepidoptera (29%) là hai bộ được sử dụng phổ biến nhất, trong khi bộ Coleoptera chỉ chiếm 9%.
Theo van Huis & cs. (2013), các loài côn trùng được sử dụng phổ biến nhất làm thức ăn chăn nuôi hiện nay là ấu trùng ruồi lính đen, ấu trùng ruồi nhà, nhộng tằm và sâu bột. Châu chấu và mối cũng là nguồn thức ăn giàu protein rất khả thi cho chăn nuôi nhưng ít phổ biến hơn.
Côn trùng đã và đang được sử dụng làm thức ăn cho gia súc gia cầm, thủy sản và động vật cảnh ở nhiều nước trên thế giới. Theo Tổ chức Côn trùng học quốc tế (IPIFF) (2019) côn trùng có thể được sử dụng tới 40% trong khẩu phần của cá và tới 30% trong khẩu phần ăn của gà. Tuy nhiên, côn trùng hiện nay đang bị cấm sử dụng cho động vật nhai lại ở trên toàn thế giới do nguy cơ truyền lây bệnh ở bò điên (DiGiacomo & Leury, 2019).
Riêng ở châu Âu, hiện nay côn trùng chưa được phép sử dụng làm thức ăn cho gia cầm và heo do lo ngại dịch bệnh có thể truyền lây khi sử dụng côn trùng nuôi trên chất nền có nguồn gốc động vật (Commission Regulation (EU) No 56/2013, dẫn theo IPIFF, 2019).
Việt Nam nằm trong Top 10 thế giới về sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản |
Xu hướng dinh dưỡng chăn nuôi trong tương lai |
Tăng miễn dịch cho gà đẻ bằng phương pháp chưa đến 1000 đồng? |