Cá dầm xanh được gọi là loài cá tiến vua, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân |
Cá dầm Xanh (Bangana lemassoni) hay còn gọi là cá rầm xanh là một loài cá nước ngọt thuộc họ cá Chép (Cyprinidae). Loài cá này thường sống khu vực đáy sông, nơi nước trong, dòng chảy mạnh, nhiều đá sỏi và rong rêu.
Cá dầm xanh sông Đà là một đặc sản nổi tiếng của sông Đà (Hoà Bình). Loài cá này từng xuất hiện trong tuỳ bút “ Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Câu văn “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi” vừa thi vị mà cũng mô tả đặc tính cực kì khoẻ mạnh, nhanh nhẹn của loài cá này.
Một thời được mệnh danh là cá Tiến Vua, là một trong năm loài cá quý hiếm – “Ngũ Quý Hà Thuỷ”. Nhất là các con sông, con suối của vùng núi Tây Bắc. Thức ăn của cá là mùn bã hữu cơ, các loại tảo và động vật không xương sống cỡ nhỏ ở đáy sông.
Hàng năm, đến mùa sinh sản, cá thường chui vào các hang động để đẻ trứng. Để bắt loài cá này, ngư dân phải dùng lưới vì chúng rất khoẻ. Thậm chí, lưới dùng bắt cá phải là loại lưới tốt. Lùa được cá vào lưới phải bắt lên ngay bởi chúng có thể quẫy thủng lưới.
Cá dầm xanh sông Đà xưa kia rất hiếm do chúng không được nuôi mà được ngư dân săn bắt. Cá chỉ sống được ở vùng nước trong và có dòng chảy. Ngày nay, người dân xã Vạn Mai (Mai Châu) đã khai thác nuôi trồng loài cá này hiệu quả.
Bởi nơi đây có nhiều mạch nước ngầm chảy ra từ các mó nước ở khe núi, tạo điều kiện cực kì phù hợp để nuôi loài cá đặc sản này. Loài cá đặc sản sông Đà hiện nay là một trong các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Hoà Bình.
Mô hình nuôi cá dầm xanh ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình |
Gia đình ông Bùi Văn Chỏi, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình có 2 ao nuôi cá dầm xanh, 1 ao nuôi trên 30 con cá dầm xanh trọng lượng từ 3- 4 kg/con cho sinh sản, 1 ao nuôi 400-500 con cá dầm xanh giống.
Kể về quá trình nuôi loài cá quý, ông Chỏi cho biết: Hơn 20 năm trước, các cụ ra suối bắt cá đã vớt được những con cá dầm xanh kích thước nhỏ như hạt thóc, đem về thả nuôi trong ao.
Trong quá trình nuôi thấy cá dầm xanh phát triển, mỗi năm, gia đình ông lại ra suối vớt thêm cá dầm xanh giống về nuôi.
Cá dầm xanh có hình dáng, màu sắc rất đẹp nên gia đình để mấy chục con nuôi lâu năm. Thật bất ngờ, 2-3 năm gần đây, những con cá dầm xanh đã sinh sản ngay trong ao.
Hiện nay, gia đình ông Chỏi là hộ duy nhất ở xóm Trăng Tà, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) có cá dầm xanh sinh sản khi nuôi trong ao. Cá mẹ được gia đình nuôi ở ao riêng, còn ao trước nhà là cá con chuyển từ ao cá sinh sản về.
Ông Chỏi cho biết thêm: Cá dầm xanh có nguồn gốc tự nhiên nuôi tuy chậm lớn nhưng lại không tốn thức ăn, đặc biệt là cá chỉ sống ở nước sạch đầu nguồn, ít có bệnh tật.
Thức ăn của cá dầm xanh chủ yếu là cây cỏ tạp quanh vườn nhà. Về nguồn nước đặc biệt giống cá quý hiếm này ưa sạch nên không thể để nước tù, mà phải luôn duy trì nguồn nước chảy vào và ra suốt quá trình nuôi cá.
Theo ông Chỏi mà giống cá này chỉ nuôi được ở vùng đầu nguồn hay nơi có độ dốc nước chảy suốt mới phát triển và sinh trưởng tốt. Những vùng khác có thể nuôi sống nhưng cá không phát triển, sinh ra nhiều bệnh và chết cá.
Với cá dầm xanh giống được bán ra thị trường với giá 20.000 đồng/con; cá dầm xanh thương phẩm bán với giá từ 200.000- 250.000 đồng/kg. Mặc dù giá cao hơn so với các loại cá khác, nhưng hiện cung không đủ cầu.
Ao nuôi cá dầm xanh của người dân xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, Hoà Bình |
Gia đình anh Bùi Văn Chính, ở xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc (Hoà Bình) một hộ điển hình nuôi cá dầm xanh , khi trong ao của gia đình nuôi đến hàng nghìn con. Ao cá của anh Chính nổi tiếng trong vùng, với trọng lượng bình quân đạt từ 0,8kg đến hơn 1kg/con.
Anh Bùi Văn Chính chia sẻ: Gia đình anh có 2 ao, 1 ao ngay trước nhà còn 1 ao ở trên thượng nguồn suối Cái. Để bảo đảm môi trường cho loài cá quý phát triển, tôi dùng ống dẫn nước từ suối Cái về. Nước suối Cái trong vắt, chảy quanh năm, mát lạnh là điều kiện lý tưởng giúp cho giống cá quý sinh sản tự nhiên. Nước chảy vào, chảy ra liên tục nên ao cá của gia đình anh trong xanh, mát lạnh quanh năm. Chính vì thế, cá có thể sinh sống như trong môi trường tự nhiên và sinh sản tốt”.
Theo anh Chính, cá dầm xanh là giống cá ăn tạp, dễ nuôi, tuy nhiên loài cá này không ăn cám công nghiệp như các loại cá khác. Thức ăn của cá dầm xanh chủ yếu là cỏ, lá sắn, lá chuối, gốc lúa... có sẵn ngoài tự nhiên. Để cá dầm xanh tăng trưởng nhanh, anh thường cho cá ăn thêm các loại thức ăn có chứa tinh bột như ngô, cám gạo… Mỗi ngày, cá dầm xanh ăn 3 bữa: sáng, trưa, tối. Môi trường nước phải luôn được bảo đảm, cá phải thường xuyên được theo dõi về trọng lượng và các bệnh phát sinh.
So với những loài cá khác, cá dầm xanh có khả năng kháng bệnh tốt, không bị chết khi thời tiết bất thường. Nhưng để có thể nhân giống được giống cá này, người dân ở huyện Tân Lạc thường nuôi cá mẹ ở một ao riêng.
Từ khi cá sinh sản, đã có hàng nghìn con giống được bán ra thị trường, giá 20.000 đồng/con. Với cá dầm xanh thương phẩm, bà con bán 250.000 đồng/kg. Mỗi năm, thu nhập của các hộ nuôi cá đạt từ 70-80 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Mặc dù giá cao, nhưng hiện cung không đủ cầu. Nhiều người muốn mua con giống cũng như cá thịt, chúng tôi chưa đáp ứng được.