Ngũ gia bì - Vị thuốc quý trong y học cổ truyền chữa cảm sốt, đau nhức xương Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh Hồng hoa - Vị thuốc quý trong y học cổ truyền |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Y dược cổ truyền đã tồn tại, phát triển cùng với lịch sử loài người và ngày càng được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới trong điều trị, dự phòng bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế |
Tại Việt Nam, kế thừa truyền thống hàng ngàn năm của các thế hệ như Đại danh thiền sư Y Tuệ Tĩnh, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông…đến nay Y Dược cổ truyền luôn là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, một trong những giải pháp quan trọng của ngành, đó là phải phát triển nguồn nhân lực y tế, trong đó có nhân lực y dược cổ truyền chất lượng cao, khoa học và gắn với nhu cầu thực tiễn.
Về đào tạo nhân lực y, dược cổ truyền hiện nay chủ yếu từ Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam và các khoa/bộ môn y học cổ truyền của các trường đại học trên toàn quốc. Mặc dù, thực tế công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại đang phát triển theo hướng đa khoa, tuy nhiên, đào tạo nhân lực y học cổ truyền bậc sau đại học chưa theo hướng đa ngành trong y học cổ truyền do đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, phần lớn các trường đào tạo 01 mã ngành sau đại học y học cổ truyền (riêng Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã mở 02 mã ngành chuyên khoa: CKI Châm cứu, CKI Dược liệu - Dược học cổ truyền).
Trên thế giới, một số nước có nền y dược cổ truyền phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đặc biệt là Trung Quốc là có nền y học phát triển trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân, việc kết hợp y học cổ truyền và tây y rất hài hoà và sâu sắc. Đồng thời, công tác đào tạo nhân lực y học theo hướng đa khoa, các chương trình đào tạo theo phạm vi chuyên môn để cấp chứng chỉ hành nghề theo từng bậc đào tạo. Ở Việt Nam, còn một khoảng cách khá lớn giữa nhu cầu thực tiễn tại các cơ sở khám chữa bệnh và quá trình đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ lĩnh vực y, dược cổ truyền.
“Cần có nghiên cứu về tổng quan thông lệ quốc tế, đồng thời căn cứ vào thực tiễn của hệ thống y học cổ truyền của Việt Nam hiện nay và xu hướng để đề xuất các quy định về đào tạo chuyên khoa ngành Y học cổ truyền trong dự thảo “Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ’ cho phù hợp, thống nhất và khả thi”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu.
Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực y dược cổ truyền theo hướng kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, gắn với nhu cầu thực tiễn và xu hướng quốc tế thì cũng cần phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Nâng cao chất lượng đào tạo góp phần quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe một số tham luận như: Định hướng về đào tạo và sử dụng nhân lực ngành Y học cổ truyền trình độ đại học và sau đại học; thực trạng khám chữa bệnh chuyên sâu ngành Y học cổ truyền, Y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại tại Việt Nam; đào tạo và cấp bằng đại học, sau đại học về Y Dược cổ truyền tại Trung Quốc và Hàn Quốc; thực trạng đào tạo sau đại học ngành Y học cổ truyền tại Việt Nam; dự thảo danh mục đào tạo chuyên khoa ngành Y học cổ truyền.