Đặc điểm của cây ngũ gia bì
Cây ngũ gia bì còn có các tên gọi khác cây lá đắng, sâm Nam, chân chim, là một loài cây gỗ rừng xanh, thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae, với tê khoa học là Schefflera octophylla.
Ngũ gia bì vốn mọc hoang, rải rác khắp nơi, thường gặp ở ven rừng, chân núi, sườn đồi, đất hoang, từ 100 - 1500m, từ vùng núi từ Lạng Sơn đến Lâm Đồng.
![]() |
Cây ngũ gia bì |
Trong điều kiện tự nhiên, ngũ gia bì có thể cao từ 2 - 8m. Lá kép hình chân vịt, mọc so le, có 6 - 8 lá chét, cuống lá dài 8 - 30cm, lá chét nguyên hình trứng, đầu nhọn hay hơi tù, dài 7 - 17cm, rộng 3 - 6cm, cuống lá chét ngắn 1,5 - 2,5cm. Cuống lá chét giữa, dài hơn đo được 3 - 5cm.
Cụm hoa mọc thành chùy hoặc chùm tán ở đầu cành. Hoa nhỏ màu trắng, số cánh hoa và nhị bằng nhau, thường là 5, bao phấn 2 ngăn, bầu hạ có 5 - 6 ngăn.
Quả mọng hình cầu, đường kính 3 - 4mm; có núm nhọn. Khi chín có màu tím sẫm đen, trong có 6 - 8 hạt.
Để làm thuốc có thể dùng vỏ thân, vỏ rễ và rễ nhỏ. Thu hái từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, ủ ấm khoảng 5 - 7 ngày cho dậy mùi thơm, tẩm rượu hoặc nước gừng, sao khô, bảo quản dùng dần.
Cách chế biến và thu hái
Cách chế biến đơn giản nhất là rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu lá rễ nhỏ, rồi phơi hoặc sao khô.
![]() |
Hoa ngũ gia bì |
Tác dụng của ngũ gia bì
Theo y học cổ truyền, ngũ gia bì có vị đắng, chát, mùi thơm nhẹ, tính mát; có tác dụng phát hãn (làm ra mồ hôi để giải cảm), trừ phong thấp; dùng chữa cảm sốt, yết hầu sưng đau, phong tê thấp.
Tại một số địa phương, dân gian thường đào rễ về, rửa sạch, thái mỏng phơi khô, pha hoặc sắc với nước uống, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác làm thuốc bổ, chữa đau nhức xương, thông tiểu tiện…
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, thành phần hóa học của ngũ gia bì chứa nhiều loại axit hữu cơ, triterpen glycosid... Thử nghiệm trên động vật thí nghiệm cho thấy ngũ gia bì có tác dụng hỗ trợ tăng cường sức khỏe, tăng sức chịu lạnh, hỗ trợ hạ đường huyết và khá an toàn.
Một số bài thuốc có sử dụng ngũ gia bì
Trị trẻ chậm biết đi: Ngũ gia bì, mộc qua, ngưu tất các vị bằng nhau, tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 4g với nước cơm.
![]() |
Rễ ngũ gia bì phơi khô |
Trị chân sưng, phù thũng, ăn uống kém, tiểu tiện ít thuộc phạm vi suy dinh dưỡng do thiếu vitamin B1, suy thận ở mức độ chưa phải chạy thận nhân tạo: Ngũ gia bì 16g, cam thảo 6g, quế chi 8g, phòng kỷ 10g, hoàng kỳ sống 12g, đăng tâm 4g, đại phúc bì 6g, phục linh 12g, gừng tươi 4g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa phong thấp, đau nhức xương khớp: Ngũ gia bì 20g, dây đau xương 15g, rễ cỏ xước 15g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa bệnh cước khí, chân sưng đau: Ngũ gia bì , lõi thông, hạt cau, củ gấu, tử tô, chỉ xác, ké đầu ngựa mỗi vị 8 - 16g sắc nước uống ngày thang.
Chữa chứng ngứa da, chân tay tê buốt, sưng đau: Ngũ gia bì bạch chỉ, hy thiêm thảo, rễ gấc, tỳ giải, thổ phục linh các vị lượng bằng nhau, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày một thang.
Rượu bổ ngũ gia bì mạnh gân xương: Ngũ gia bì 180g, rượu 1000ml, Ngâm sau 20 ngày là dùng được, ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 - 30ml trong bữa cơm và buổi tối trước khi đi ngủ.
Kinh nghiệm của nhân dân khi thay đổi môi trường sống, nhất là người sống ở vùng đồng bằng chuyển đến ở vùng "rừng thiêng nước độc", hoặc người miền núi chuyển xuống miền duyên hải, người ta dùng ngũ gia bì tán bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g với nước ấm hoặc một ít rượu để chiêu thuốc.
Ngũ gia bì được biết đến nhiều tác dụng đặc biệt với xương khớp, trị đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, việc sử dụng cần lưu ý dùng đúng đối tượng, thường kết hợp các vị khác để tăng tác dụng. Tốt nhất để đảm bảo an toàn người dùng nên tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc có chuyên môn trước khi áp dụng bất kỳ bài thuốc nào từ cây Ngũ gia bì.