Làng lá dong Tuấn Dị ngập tràn sắc xanh tất bật dịp Tết Nguyên đán Nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua tăng cao dịp cận Tết Nguyên đán Hà Nội: Nhiều hoạt động hấp dẫn du khách dịp Tết Giáp Thìn |
Chợ Tết - nét đẹp văn hoá truyền thống Việt. |
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết nguồn gốc của Tết Nguyên đán?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Trước khi có Tết Nguyên đán, chưa khẳng định cư dân phương Nam ăn Tết vào thời nào. Chỉ biết rằng, qua cuộc điều tra dân số vào đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, nhiều cụ già ở vùng núi có tuổi thọ trên 100 tuổi, có cụ khai trên 150 tuổi. Đó là sự lạ. Điều tra lại thì biết các cụ tính tuổi theo mùa thu hoạch lúa. Mỗi năm làm hai mùa thì tính hai tuổi. Qua đó có thể đoán họ đã “ăn Tết” qua thời vụ nông nghiệp.
Từ khi nước ta hội nhập vùng văn hóa phương Đông, lấy âm lịch để tính chu kỳ thời gian năm thì Tết Nguyên đán là kết quả của tiếp biến văn hóa đó. Có thể tính là đã được khoảng hơn hai ngàn năm. Ngày mùng một tháng Giêng là Tết Nguyên đán, mỗi năm âm lịch ăn Tết này một lần.
PV: Theo ông, điều gì tạo nên nét riêng đặc sắc về giá trị văn hoá của Tết Cổ truyền dân tộc Việt Nam?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Có thể coi Tết là một loại lễ hội, một di sản văn hóa đặc biệt. Trong nó, tích hợp cả một hệ giá trị văn hóa và mang bản sắc văn hóa Việt Nam đậm đà. Các giá trị văn hóa có thể nhận thức được rõ ràng.
Giá trị đầu tiên là tinh thần bình đẳng. Ai cũng có Tết dù là già trẻ gái trai, nghề này nghiệp nọ, giàu nghèo sang hèn, kể cả những người tạm mất quyền công dân cũng có Tết, không ai tước đoạt được quyền đó của họ. Tết là cho tất cả mọi người dù là trong những thời kỳ khác nhau, hoàn cảnh khác nhau.
Giá trị thứ hai là đoàn viên cộng đồng (trên thực tế hoặc trong tâm tưởng). Tất cả mọi người hướng về gia đình, quê hương, quốc gia của mình. Ngày Tết là thời điểm người ta về hoặc hướng về sự đoàn tụ.
Giá trị tiếp theo là tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Sự tri ân tổ tiên, tâm thức hướng về cội nguồn, hướng đến truyền thống văn hóa chính là cảm hứng chủ đạo của Tết, tạo nên giá trị đạo đức bền vững của lòng yêu quê hương, đất nước, dân tộc.
Giá trị hướng mỹ và hướng thiện: Từ gia đình đến không gian công cộng, người ta sửa sang, trang trí, làm mới. Tết là thời điểm bùng nổ sắc màu, âm thanh, nghệ thuật. Đất trời như bừng lên sắc thái mới mẻ hòa cùng sắc xuân. Ở vùng đồng bào dân tộc Mường hội sắc bùa đi từng nhà hát chúc. Ở nông thôn ngoại thành các sân đình trình diễn tuồng chèo đón Tết, trong gia đình trang hoàng rực rỡ tranh Tết, câu đối Tết. Người ta thăm hỏi và chia sẻ đồng quà tấm bánh với tấm lòng thiện nguyện cho đồng loại khó khăn để ai cũng có Tết.
Giá trị hướng đến đạo đức và ứng xử tốt đẹp: Người ta kiêng làm những việc xấu, nói những điều không hay, ứng xử thiếu tử tế trong Tết vì họ cho rằng điều đó sẽ khiến cả năm “dông”, cuộc sống kém suôn sẻ. Giao tiếp xã hội đi vào chuẩn mực lễ nghĩa, tử tế, lịch lãm, sang trọng..., khác hẳn ngày thường. Trẻ em được dạy nói lời hay, làm việc tốt mà ngày xưa gọi là ứng xử lễ nghĩa.
Giá trị thôi thúc kỳ vọng tốt đẹp và những dự định tương lai: Trong dịp Tết, ai cũng nghĩ lại mình trong năm qua và suy tưởng về năm mới, chính điều đó tạo nên niềm vui sống và quyết tâm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Giá trị quốc gia - dân tộc: Sự lan tỏa cái Tết cho nhiều tộc người trong cộng đồng quốc gia cũng là một động thái thống nhất dân tộc khi tất cả đều hướng đến một “tưởng tượng cộng đồng” chung, một hành động đón Tết chung. Trong sự tôn trọng bản sắc tộc người thì sự hòa kết ở một hình thức lễ hội văn hóa chung đã góp phần tạo nên quốc gia thống nhất trong trường kỳ lịch sử.
Giá trị phổ quát toàn dân so với các hình thức lễ hội tôn giáo hay tín ngưỡng khác làm cho văn hóa Tết rộng lớn hơn tất cả. Nó tích hợp tất cả những trình diễn truyền thống có thể có... Dù chưa đủ, nhưng với chừng đó đã cho ta thấy Tết trở thành một “hệ giá trị văn hóa” như thế nào.
PV: Tục cúng gia tiên ngày đầu năm có ý nghĩa thế nào trong đời sống tinh thần người Việt?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Việc sắm sửa mâm cỗ cúng tổ tiên ngày đầu năm trước hết mang ý nghĩa đoàn viên gia đình. Trong gia đình có nhiều con trai, đã ra ở riêng, sáng mùng 1 Tết các con thứ thường đội mâm cỗ đến nhà bố mẹ hoặc con trưởng, để làm lễ.
Trước đây, dù bận công việc đến đâu, các gia đình người Việt vẫn duy trì tập tục này. Vì thế, lễ cúng gia tiên buổi sáng ngày đầu năm còn gọi là lễ đoàn viên. Sau khi làm lễ, mọi người trong đại gia đình ngồi trò chuyện, chia sẻ với nhau những câu chuyện tâm đắc trong năm qua.
Việc đội mâm cỗ cúng đến nhà trưởng tộc không chỉ thể hiện tấm lòng nhớ về ông bà, tổ tiên mà còn là dịp để "báo cáo" những thành quả, công việc trọng đại mà các con cháu đã làm được trong năm. Hơn nữa, dịp này ai cũng mong cầu sự giúp đỡ của tổ tiên để năm mới công việc được suôn sẻ hơn.
Sắm sửa mâm cỗ cúng tổ tiên ngày đầu năm mang ý nghĩa đoàn viên gia đình. |
Khác với phương Tây, mỗi cá nhân đến tuổi trưởng thành thường độc lập hẳn với gia đình thì với người Việt dù đã trưởng thành vẫn gắn bó với gia tộc rất sâu sắc. Truyền thống của gia đình với mỗi thành viên là điều thiêng liêng. Vì vậy, tục cúng đầu năm mới của người Việt được duy trì đến nay.
PV: Dưới góc độ một người nghiên cứu về văn hoá dân gian, ông có thể lý giải như thế nào về thói quen người dân Việt Nam bày cành đào hoặc trồng cây quất, cây mai trong nhà mỗi dịp Tết đến?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Tục trưng cây đào thì sách xưa đã ghi rõ trong sách Sưu thần ký: Ở dưới gốc cây đào lớn núi Độ Sóc có hai ông thần, gọi là Thần trà Uất lũy, cai quản đàn quỷ. Hễ quỷ nào làm hại nhân gian thì thần ấy bắt lấy mà ăn thịt. Vậy, cây đào, cành đào ngày xưa là dùng để trấn áp ma quỷ trong dịp Tết đến làm hại con người. Đào nở hoa vào dịp Tết, người ta đưa về trang trí, gia tăng phần nghệ thuật và ngày càng trở thành một niềm vui thưởng lãm, niềm vui mỹ thuật.
Mai nhiều nơi cũng quan niệm là một giống tương tự đào và có thể thay thế cho đào, nhưng mai không bao hàm tín ngưỡng trừ tà, nó chỉ thay thế ở tính nghệ thuật mà thôi.
Còn quất thuộc loài cam quýt. Phương Đông xưa, nó biểu tượng cho người làm, kẻ ăn người ở của nhà giàu có. Nguyễn Trãi viết: “Nghìn đầu cam quýt ấy là tôi”. Ai mà chẳng muốn làm ông chủ có nhiều nhân viên, có người giúp việc. Khát vọng khởi nghiệp bây giờ là tiếp nối mong muốn đó. Cây quất xanh lộc sai quả còn tượng trưng cho mong muốn thành đạt, thịnh vượng, xum xuê người và vật. Tất cả khát vọng đó là tự nhiên, rất đời, rất người và vĩnh viễn.
Người Việt có thói quen bày cành đào hoặc trồng cây quất, cây mai trong nhà mỗi dịp Tết đến. |
PV: Có những ý kiến đề nghị bỏ Tết Nguyên đán, quan điểm của ông về vấn đề này?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Mỗi người có quyền đề xuất quan niệm của mình. Nói chung, số ý kiến đó không nhiều. Họ lập luận với hai lý do: Thứ nhất, là lãng phí và tốn kém về mặt kinh tế; thứ hai là có những nước như Nhật Bản đã bỏ nó hơn một thế kỷ nay và họ rất phát triển.
Tuy nhiên, về điều thứ hai, hiện nay ở Nhật Bản, số lượng người mong muốn tái lập Lễ Tết âm lịch rất đông đảo. Tại sao vậy? Bởi phát triển kinh tế và cảm nhận hạnh phúc là hai điều khác nhau. Sự phát triển là nền tảng của hạnh phúc nhưng nó cũng có thể mang đến nỗi bất hạnh khi hiện thực và sự kỳ vọng không phải lúc nào cũng song hành.
PV: Theo ông, thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để giữ Tết truyền thống?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Về mặt hình thức, tất cả những gì tiêu cực, vi phạm pháp luật, mất an ninh trật tự xã hội, hủ tục, lãng phí, tốn kém, đặc biệt là biếu xén quà cáp mang ý đồ hối lộ... phải loại bỏ dần. Nhà ít tiền, ít của không nên cố sắm Tết, lễ lạt cho bằng người ta mà phải hành động theo điều kiện và hoàn cảnh của mình. Cần nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền để mọi người lựa chọn một cái Tết tự do theo nhu cầu của mình.
Về kinh tế, nghỉ Tết dài hay ngắn sẽ tùy thuộc vào các chính sách của quốc gia, của các tổ chức kinh tế. Nếu có những chính sách mà tất cả đều thấy cái lợi trong đó, thì người ta sẵn sàng ăn Tết ngắn lại, hoặc ăn Tết dài ra sao cho phù hợp với hoàn cảnh lao động mà không làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Đó là ứng xử hết sức mềm dẻo. Đặc biệt, để lưu giữ những giá trị truyền thống, phải đảm bảo làm tốt 4 công việc: Thấu hiểu - bảo tồn - phát triển - quảng bá. Nghĩa là phải đẩy mạnh nghiên cứu để thấu hiểu ý nghĩa và giá trị của Tết cổ truyền.
Khi đã biết được giá trị của nó rồi, người ta sẽ tự khắc ý thức nó như một di sản văn hóa của dân tộc. Từ ý thức đó chúng ta hành xử và đối xử với Tết với tư cách là một di sản lớn của cả một cộng đồng văn hóa. Phát triển nghĩa là cần lựa chọn những giá trị truyền thống nào của Tết còn phù hợp đến ngày nay như những giá trị về chân - thiện - mỹ, các nét đẹp ngàn đời của lễ hội để gìn giữ và phát huy. Còn những cái ngày xưa có nhưng giờ không còn phù hợp nữa như nạn ép rượu, mời rượu dễ gây ra những hậu quả khôn lường, rồi nạn cờ bạc suốt tháng Giêng... thì phải tuyên truyền, xóa bỏ dần.
Cuối cùng, quảng bá và tuyên truyền về Tết để người dân Việt Nam nói chung và người dân trên toàn thế giới nói riêng biết về di sản tiêu biểu đáng tự hào của người Việt, từ đó góp phần lưu giữ và truyền bá nét đẹp ấy đến bè bạn bốn phương. Tết nhờ thế sẽ được lưu giữ và trường tồn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Giá chuối giảm sâu, nông dân trồng chuối ở Đồng Nai “mất Tết” |
Làng hoa Tây Tựu khoe sắc trong dịp Tết và lễ hội xuân |
Nghệ nhân sơn mài chế tác 1.000 tác phẩm Rồng đón năm Giáp Thìn 2024 |