Số ca mắc tăng mạnh ở trẻ em
Tại Hà Nội, số ca mắc sởi đã gia tăng đáng kể trong những tuần gần đây. Nếu trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ ghi nhận 2 ca bệnh, thì đến tháng 11 số ca mắc đã tăng lên 16-25 ca/tuần. Tính từ đầu năm, Hà Nội ghi nhận 87 ca mắc sởi tại 23 quận, huyện, trong đó đa số bệnh nhân chưa được tiêm phòng.
Tại TP.HCM, tình hình cũng không khả quan khi thành phố đã công bố dịch sởi vào tháng 8/2024 với 1.858 ca mắc và 3 ca tử vong. Bất chấp chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, trong tuần qua TP.HCM vẫn ghi nhận hơn 200 ca mắc mới.
Các chuyên gia cảnh báo rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, có nguy cơ cao mắc sởi nặng. Virus sởi không chỉ gây phát ban mà còn làm suy giảm miễn dịch, khiến trẻ dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, suy dinh dưỡng nặng.
Các chuyên gia cảnh báo rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, có nguy cơ cao mắc sởi nặng. |
Người lớn cũng đối mặt với nguy cơ
Không chỉ trẻ em, nhiều người trưởng thành cũng phải nhập viện do mắc sởi. Một trường hợp tại Hà Tĩnh cho thấy bệnh nhân 56 tuổi bị biến chứng suy hô hấp cấp sau khi mắc sởi.
BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh sởi ở người lớn ít khi xảy ra. Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như: Người chưa được tiêm vaccine phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền… Tương tự như trẻ em, bệnh sởi ở người lớn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra có 3 nhóm nguy cơ cao nhiễm sởi gồm: Người lớn chưa có miễn dịch; Trẻ từ 6-17 tuổi, trong độ tuổi này trẻ thường tham gia các hoạt động tập thể như học tại trường, tham gia các lớp học hoặc các sự kiện đông người như dã ngoại, câu lạc bộ. Nếu chưa tiêm vaccine đầy đủ hoặc chưa tiêm vaccine phòng sởi, trẻ dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây; Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, do các em có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, dễ gặp biến chứng nặng khi mắc bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến chứng nghiêm trọng nhất thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người lớn trên 30 tuổi.
Tăng cường tiêm vaccine – biện pháp cấp bách ngăn dịch sởi
Trước tình hình bệnh diễn biến sởi phức tạp, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, các địa phương đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi theo kế hoạch. Đến nay, gần 961.800 trẻ tại 31 tỉnh, thành phố đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố vẫn chưa bảo đảm tiến độ tiêm chủng.
Một số tỉnh, thành phố vẫn chưa bảo đảm tiến độ tiêm chủng (Ảnh minh họa) |
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương; chủ động phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan hoặc bùng phát. Đồng thời, tăng cường thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế chuyển nặng và tử vong. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giám sát và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đề nghị địa phương phối hợp với các khu vực lân cận chia sẻ thông tin về dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị bảo đảm nhu cầu về vắc xin và thực hiện tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Dịch sởi đang có nguy cơ lây lan mạnh trong điều kiện thời tiết giao mùa, khiến cả trẻ em và người lớn đối diện với nhiều nguy cơ sức khỏe. Các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ huynh cần chủ động tiêm phòng cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ đạt 18 tháng tuổi. Đối với người lớn, đặc biệt là những ai chưa có miễn dịch hoặc làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, việc tiêm phòng cũng rất cần thiết.