Giới thiệu về hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà nằm cách Hà Nội 140km về phía Tây theo quốc lộ 2, trong lưu vực sông Chảy thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình (Yên Bái), là một trong bốn hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam. Thác Bà được khởi công xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành năm 1970 với mục đích làm nghẽn dòng sông Chảy tạo ra hồ nước phục vụ cho công trình nhà máy thủy điện Thác Bà (nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam).
Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nguồn nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn nhận thêm nguồn nước từ hệ thống các con sông lớn. Tổng diện tích hồ đạt đến 23.400 ha. Trong đó tổng diện tích mặt nước là 19.050 ha. Chiều dài của Hồ là 80 km với mực nước dao động lên xuống từ 46 m đến 58 m. Dung tích hồ đạt được 3.9 tỉ m³ nước.
Hồ Thác Bà còn có một hệ thống sộng ngòi và kênh rạch lớn đổ nước về hồ. Chính vì vậy nước ở đây nhiễm phù sa khá lớn. Đây chính là điều kiện để các sinh vật sinh sống và phát triển mạnh mẽ, phong phú.
Những hòn đảo lớn nhỏ trên hồ Thác Bà phủ kín màu xanh của những rừng cây kinh tế |
Trước khi đắp đập làm hồ, trong khu vực hồ Thác Bà từng tồn tại hai thác nước liên hoàn với dòng nước đổ mạnh và chảy xiết, được người dân địa phương gọi là “Thác Ông” – “Thác Bà”. Sau này khi hình thành hồ thủy điện, cả hai thác này đều bị vùi sâu trong lòng hồ. Để lưu danh những thác nước nổi tiếng gắn với niềm tin thánh tín của người dân địa phương nay chỉ còn trong ký ức, hồ đã được đặt tên “Thác Bà”. Còn “Thác Ông” được đặt cho một cây cầu gần đó.
Dòng sông Chảy cùng hệ thống các ngòi lớn đã hào phóng bồi đắp phù sa nuôi dưỡng những bản làng trù phú ven hồ. Quanh khu vực hồ Thác Bà hiện có đến 13 tộc người gồm Tày, Nùng, H’mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan… sống trên triền núi hoặc ven hồ.
Hồ Thác Bà được hình thành do xây dựng công trình thủy điện |
Đi du lịch Hồ Thác Bà vào thời gian nào?
Với chiều dài 80km, chiều rộng nơi lớn nhất 30km, hơn 23.400 ha diện tích mặt nước nên vùng khí hậu ở hồ Thác Bà rất mát mẻ và dễ chịu, ngay giữa mùa hè nhiệt độ vùng quanh hồ luôn thấp hơn từ 1-2 ºC so với nền nhiệt chung cùng với hơi ẩm từ mặt nước khiến ngay cả trong những ngày oi bức nhất du khách vẫn cảm thấy dễ chịu. Nên du khách có thể đi tham quan hồ Thác Bạ vào bất kỳ thời gian nào trong năm.
Nhưng thời điểm thích hợp nhất để khám phá hồ Thác Bà là vào mùa hè, thời điểm này miền Bắc khá nóng nhưng ở những vùng hồ như Thác Bà hay Thung Nai nhiệt độ lại khá dễ chịu, mát mẻ do có sự điều hòa từ hồ nước. du khách chú ý chỉ cần tránh đi vào dịp mưa quá nhiều, những thời điểm này thường lượng nước đổ về hồ rất lớn nên đôi khi các tuyến du lịch đường thủy sẽ tạm dừng.
Nếu du khách đến Thác Bà vào tháng 8 – tháng 9, có thể tham gia lễ hội đền Thác Bà được diễn ra hàng năm.
Lưu trú ở Hồ Thác Bà
Khách đến du lịch hồ Thác Bà thường lựa chọn ở ở homestay trong bản Ngòi Tu thuộc xã Vũ Linh, nằm cạnh ngay bên hồ thủy điện Thác Bà. Ngòi Tu hấp dẫn du khách không những bởi có một vị trí đẹp, một phần đất liền và một nửa còn lại tiếp giáp mặt hồ nước mênh mông mà còn bởi nơi đây là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Dao, Cao Lan, Nùng.
Đến với Ngòi Tu ngoài việc được thưởng thức những món ăn dân dã du khách sẽ còn được hòa mình vào phong cảnh hữu tình, say lòng cùng những làn điệu dân ca, những điệu múa: làm chay, xúc tép, rước dâu truyền thống.
Ngoài ở homestay du khách cũng có thể ở nhờ ngay tại nhà của dân địa phương để có một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống và nền văn hóa của người dân bản địa. Một chuyến du lịch ngắn ngày không quá tốn kém về mặt kinh phí, nhưng du khách được đến với các bản làng xinh đẹp còn nguyên nét văn hóa dân tộc truyền thống, với những khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng nguyên sinh, những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng…
Chơi gì khi du lịch hồ Thác Bà?
Đến với hồ Thác Bà, du khách có thể dong thuyền lênh đênh trên sóng nước, hòa mình cùng với thiên nhiên và cảm nhận bầu không khí mát mẻ trong lành. Sau khi ngắm khung cảnh núi đảo trùng điệp giữa mênh mông trời nước, du khách có thể ghé thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà…, khám phá những cánh rừng nguyên sinh hoặc ngược dòng sông Chảy đến với đất Ngọc Lục Yên thăm hang chùa São, đền Đại Cại, bình nguyên xanh Khai Trung… mang đậm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, Dao…
Hồ Thác Bà là một hồ nước mênh mông với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hồ Thác Bà được ví như “Vịnh Hạ Long” trên núi cao của vùng Tây Bắc. Trong lòng hồ có đến 1.334 đồi đảo lớn, nhỏ tạo thành nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.
Động Thủy Tiên
Đường vào Động Thủy Tiên |
Trong hệ thống hang động trên hồ Thác Bà, phải kể đến động Thủy Tiên. Nằm sâu trong lòng núi khoảng 100m, với những nhũ đá lấp lánh khi được chiếu sáng tạo ra muôn hình vạn trạng trong đó có hình chín nàng tiên mỗi người một vẻ gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ hấp dẫn.. Thăm động và thưởng ngoạn những kiệt tác của tự nhiên với hệ thống nhũ đá đa màu sắc, với hệ thống hang động gắn với truyền thuyết ly kỳ.
Vẻ huyền ảo của động Thủy Tiên |
Chuyện xưa kể rằng hoàng tử Trọng Hải con trai vua Thủy Tề trong một lần dạo chơi trên dòng sông Chảy đã thấy một ngọn núi cao mát lạnh, như có một sức hút kì lạ Hoàng Tử Trọng Hải đã lên núi ngắm cảnh và thưởng thức không khí mát lạnh. Tại đây, chàng đã gặp công chúa Thủy Tiên một trong 9 nàng công chúa xinh đẹp của Ngọc Hoàng – vì mê say với cảnh sắc của vùng Thác Bà sông Chảy mà thường trốn vua cha xuống trần gian ngắm cảnh.
Sau nhiều lần hẹn hò, tình yêu của họ bắt đầu nảy nở, không thể rời xa nhau. Vua Thủy Tề và Ngọc Hoàng đã làm nên hang động ngay tại đây để hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên chung sống. Vì vậy mà tất cả những cảnh quan trong hang động đều gắn liền với câu chuyện tình của hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên. Và cũng chính vì lẽ đó mà hang động này có tên là Thủy Tiên Sơn Động.
Thạch nhũ trong động Thủy Tiên như phản chiếu lấp lánh khi có chút ánh sáng chiếu vào tạo nên một không gian rất hấp dẫn |
Động động Thủy Tiên lớn với nhiều nhũ đá nơi tập trung của rất nhiều thạch nhủ. Là kỳ thay thạch nhũ trong động như phản chiếu lấp lánh khi có chút ánh sáng chiếu vào, tạo nên một không gian rất hấp dẫn. Động mở ra một không gian khám phá mới lạ, độc đáo và không kém phần ma mị.
Bên cạnh động Thủy Tiên thì ở khu vực này còn có động Xuân Long, nằm ẩn trong núi đá. Đây là núi đá tự nhiên được tạo hình những hình thù kỳ lạ.
Núi Cao Biền
Núi Cao Biền nằm bên hồ Thác Bà, thuộc địa phận xã Phúc An. Khách đến du lịch hồ Thác Bà thường rất thích leo núi bởi sẽ được ngắm toàn cảnh hồ, cùng với đó là tìm hiểu thêm về văn hóa và phong tục tập quán của bà con sống quanh hồ.
Núi Cao Biền là điểm ngắm trăng sáng đẹp nhất của Hồ Thác Bà. Bởi núi Cao Biền là một dãy núi lớn và dài nhất ở hồ Thác Bà. Đến đây du khách thỏa thích ngắm bình minh vào mổi buổi sáng sớm. Hoặc ngắm nhìn ánh hoàng hôn vào mỗi buổi chiều mùa hè. Không gì tuyệt vời hơn khi được leo lên đính núi phóng tầm mắt ngắm trọn cảnh hồ bao la. Du khách sẽ thấy hồ nước rất mênh mông nằm mờ ảo trong màn sương bay bay. Một vẻ đẹp lung linh huyền ảo càng ngắm càng đắm càng say.
Nhà máy thủy điện Thác Bà
Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của thủy điện Việt Nam |
Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà nằm trên dòng Sông Chảy trên địa bàn huyện Yên Bình, đây là nhà máy thủy điện đầu tiên được xây dựng ở miền Bắc ngay trong thời kỳ chiến tranh.
Đền Mẫu Thác Bà
Di tích đền Thác Bà, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình |
Đến với Thác Bà du khách không chỉ được trải nghiệm vô số điều lý thú, du ngoạn sống nước thưởng thức thắng cảnh hữu tình, nên thơ mà du khách còn có thể ghé thăm các điểm đến nổi tiếng, tìm hiểu những công trình kiến trúc tâm linh mang đậm giá trị văn hóa.
Một trong những công trình tâm linh nổi tiếng đó chính là đền Thác Bà. Đền Thác Bà hay đền Mẫu Thác Bà tọa lạc trên núi Hoàng Thi. Ngôi đền được xây dựng khá lâu và nổi tiếng về du lịch tâm linh, cách Hồ Thác Bà khoảng 5km. Đền Thác Bà là một ngôi đền rất linh thiêng, thu hút rất đông người dân địa phương và du khách đến tham quan, lễ bái.
Đền dựa vào lưng núi, với thế bao quát đất trời, trông xa thấy rộng. Sau khi vượt vài trăm bậc đá, đến sân đền, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát hết đập thủy điện và ngắm nhìn một vùng trời nước mênh mông, hữu tình. Khí hậu trong lành, mát mẻ do gió đưa lên từ mặt hồ sẽ tạo cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, thanh tịnh chốn cửa đền.
Lễ hội đền Mẫu Thác Bà có 3 lễ hội chính: Lễ hội mùa xuân (mùng 9 tháng Giêng); Lễ hội mùa hè (17 tháng 5); Lễ hội mùa thu (10 tháng 10 âm lịch), trong đó lễ hội xuân là lễ hội lớn nhất. Nếu du khách quan tâm có thể lựa chọn đi du lịch hồ Thác Bà vào những thời điểm này để trải nghiệm không khí lễ hội nơi đây.
Điểm tham quan di tích lịch sử
Hồ Thác Bà là một di tích lịch sử quan trọng của Việt Nam. Vào năm 1285, tại đây đã diễn ra trận Thu Vật do Trần Nhật Duật chỉ huy đánh tan một đạo quân Nguyên – Mông. Hồ Thác Bà cũng là cơ cở hoạt động cách mạng trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp. Giữa hồ Thác Bà có động Mông Sơn là nơi Tỉnh ủy Yên Bái làm việc trong cuộc chiến tranh chống lại đế quốc Mỹ. Và còn rất rất nhiều di tích lịch sử khác như: hang Ma mút, chùa São, núi Vua Áo Đen, đền Đại Cại… Và đặc biệt nhất là có dấu vết người Việt Cổ từng sống ở đây.
Đát Ô Đồ
Đát Ô Đồ là tên gọi Đền, Chùa Thác Ông Đồ xuất phát từ tên của nhân vật Ông Đồ, người đã có công dạy chữ nho cho dân bản. Khi làng bị dịch bệnh tả hoành hành, làm chết nhiều người ông đã lập đàn tế trời 3 ngày trên một tảng đá lớn tại thác nước này, cứu giúp người dân tai qua nạn khỏi nhưng ông đã bị một cơn lũ cuốn đi.
Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân nơi đây lập đền thờ tại thác nước này. Sau đó, một ngôi chùa thờ Phật cũng được dân bản lập lên tại khu thác nước, hình thành nên cụm di tích: Đền, Chùa Thác Ô Đồ (Đền, Chùa Thác Ông Đồ).
Văn hóa dân tộc vùng cao
Ngoài việc thăm thú, thưởng ngoạn các cảnh đẹp, các di tích lịch sử văn hóa du khách còn có cơ hội được tìm hiểu văn hóa dân tộc vùng cao.
Quanh khu vực hồ Thác Bà hiện có đến 13 tộc người sinh sống gồm Tày, Nùng, H’mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan… sống trên triền núi hoặc ven hồ. Tuy Hồ thác Bà đã được khai thác du lịch và phát triển, nhưng cư dân vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa độc đáo với những tập tục, truyền thống, lễ hội mang giá trị nhân văn sâu sắc. Nơi đây còn được mệnh danh là trung tâm của rất nhiều lể hội như: Lễ hội mừng cơm mới của người Tày tổ chức vào ngày 9-10 âm lịch khi tiết trời sang thu, mùa thu hoạch lúa nếp đến, mùi thơm lan tỏa khắp bản làng
Đặc biệt nhất là trong những đêm trăng sáng, du khách sẽ được tham gia một lễ hội tưng bừng mới lạ. Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, trai gái hẹn hò nhau cùng giã cốm, rồi từng cặp nhảy múa với trang phục rất độc đáo. Du khách sẽ cảm nhận được chất trữ tình trong những điệu dân ca, dân vũ đậm chất núi rừng. Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao với các điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như cấy lúa, làm nương... với hình thức mang đậm nét dân gian độc đáo.
Làng văn hóa Ngòi Tu
Nằm bên hồ Thác Bà yên ả, Làng văn hóa Ngòi Tu xã Vũ Linh, huyện Yên Bình đang là một điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước với hình thức du lịch cộng đồng. Ngòi Tu được thiên nhiên ban tặng cảnh quan đặc sắc kết hợp cùng những giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào nơi đây đã tạo nên một nét hấp dẫn rất riêng biệt. Với những lợi thế ấy, Ngòi Tu đã và đang được đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Ăn gì khi du lịch hồ Thác Bà?
Đến hồ Thác Bà du khách không những được thăm ngoạn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khám phá các không gian văn hóa và tâm linh độc đáo mà còn nên được thưởng thức các món ăn ngon, mang đậm phong vị của vùng đất Yên Bái. Những đặc sản địa phương ở Thác Bà rất đặc sắc và thơm ngon, du khách sẽ cảm nhận được mọi tinh túy của vùng đất qua các món ăn.
Cá hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà với sản lượng thủy sản hàng nghìn tấn mỗi năm, hành trình khám phá hồ Thác Bà du khách không thể bỏ qua món ngon được chế biến từ các loại cá. Những con cá tươi với đủ các loại cân nặng để lựa chọn được người dân đánh bắt hàng ngày ngay trên lòng hồ qua bàn tay chế biến của người dân bản địa đã tạo thành những hương vị rất riêng cho du lịch hồ Thác Bà.
Do đó trong hành trình khám phá hồ Thác Bà du khách nên thưởng thức các món ngon từ cá; đặc biệt là cá nướng. Những con cá tươi trong lòng hồ vừa mới được đánh bắt, qua bàn tay chế biến của người dân tạo thành món cá nướng có hương vị rất riêng. Cá được tẩm ướp bằng các loại gia vị như dầu điều, mật khoái, gừng riềng sả ớt, tiêu, tỏi rồi được nướng trên than hồng.
Bên cạnh món cá nướng, gỏi cá ở hồ Thác Bà cũng vô cùng hấp dẫn. Những con cá tươi ngon được đánh bắt từ hồ. Sau khi làm sạch thì phi lê và thái mỏng rồi tẩm ướp với các gia vị. Cuối cùng trộn thính cùng các loại rau ngò để tăng vị. Cá được sử dụng để làm gỏi phải là cá từ chính hồ, sau khi làm sạch thì thái mỏng rồi tẩm ướp với các gia vị, trộn thính, các loại rau thơm băm nhỏ.
Tôm hồ Thác Bà
Nguồn tôm trên hồ rất phong phú, chất lượng thịt thơm, ngon. Hiện tôm trên hồ được khai thác chủ yếu thông qua các thuyền săn tôm với quy mô nhỏ của người dân, lượng tôm thu được sẽ tập trung lại về chợ và chuyển xuống bán ở dưới miền xuôi. Ở các homestay bên lòng hồ Thác Bà, trong bữa ăn du khách sẽ được thưởng thức món tôm rang rất thơm ngon.
Ngoài cá thì tôm cũng rất phong phú, thơm ngon, đầy dưỡng chất. Nhờ vậy, du khách sẽ dễ dàng thưởng thức những món ăn thơm ngon làm từ tôm tươi.
Nem trứng kiến
Nem trứng kiến |
Nem trứng kiến được làm từ nguyên liệu chính là trứng kiến kết hợp với các nguyên liệu làm nem truyền thống tạo nên một nón nem mới độc đáo nhưng vẫn giữ được hương vị riêng. Món này khi thưởng thức Trứng kiến béo ngậy bọc trong vỏ nem sẽ rất giòn tan, du khách sẽ thích thú và ăn hoài không thấy ngán. Tuy nhiên, món này hiện không dễ dàng có thể thưởng thức do lượng trứng kiến trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc Yên Bái được làm từ các nguyên liệu khá đặc biệt. Ngay từ cách lựa chọn nguyên liệu, người ta cũng phải chú ý thật kỹ càng, phải lựa chọn được loại gạo ngon thì xôi mới dẻo, thơm (gạo Tú Lệ; hạt to). Ngoài ra, để tạo màu cho xôi người ta dùng các loại lá rừng (lá cẩm…) hoặc củ nghệ, quả gấc (cơm tím; cơm đỏ; cơm đen; cơm cam; cơm vàng; cơm trắng). Hầu hết các địa điểm du lịch ở Yên Bái đều có món này để phục vụ du khách, có khác nhau cũng thường chỉ là nguyên liệut để tạo ra các loại màu.
Món ăn rất quen thuộc không chỉ với người dân Tây Bắc mà còn với du khách khi đến đây. Xôi ngũ sắc ở đây rất đặc biệt, dẻo và thơm. Du khách sẽ dễ dàng tìm được món ngon này tại mọi nẻo đường của Yên Bái.
Cơm Lam
Cơm Lam |
Cơm Lam là một món ăn nói chung là khá phổ biến đối với người dân vùng cao. Cơm được nấu chín trong các ống tre, nứa bằng phương pháp nướng trên lửa. Tùy vào loại gạo sử dụng và các nguyên liệu trộn vào trong quá trình chuẩn bị mà cơm lam ở mỗi vùng sẽ có những hương vị khác nhau. Cơm lam ở đây rất thơm ngon, bùi và dẻo, hương vị rất tuyệt vời.
Gà đồi nướng
Gà được những hộ dân kinh doanh homestay hay trang trại nuôi ngay trên những vùng đất xung quanh hồ. Thường chỉ khi có khách du lịch đặt thì người dân mới chuẩn bị. Thịt gà được nướng bằng cây màng tang, mùi nhựa thơm hăng hắc quyện với gừng, củ sả và mắc khén, mỡ chảy xuống lớp than đỏ rực cháy xèo xèo tạo thành một mùi thơm vô cùng quyến rũ với du khách.
Thịt gà nấu măng chua
Gà là loại được nuôi thả quanh hồ. Sau khi thịt thì làm sạch, bỏ riêng nội tạng. Sau đó, chặt thịt gà ra nhiều miếng nhỏ đem ướp với măng chua (măng giang, măng bương càng muối lâu càng tốt) cùng với gia vị bóp ướp để từ 20-30 phút cho ngấm hương vị của măng cùng gia vị vào miếng thịt. Sau đó, cho vào nồi vần quanh bếp củi than khoảng 1-2 giờ. Khi thịt gà và măng đã chín nhừ, rắc thêm một chút hạt dổi nướng giã nhỏ.
Nộm hoa chuối rừng
Nói đến hoa chuối rừng, người ta đã cảm nhận ngay cái thân quen, gần gũi mà mộc mạc, thứ quà của làng quê núi rừng Tây Bắc. Cách làm nộm hoa chuối cũng khá đơn giản nhưng cần sự tỉ mỉ, chu đáo. Hoa chuối chọn lấy bẹ non, thái chỉ nhỏ như sợi miến. Để hoa chuối không bị thâm, sau khi thái ngâm luôn vào chậu nước có pha chút giấm. Những sợi hoa chuối ánh sắc tím ngâm mình trong nước cong tròn. Để món nộm hoa chuối được ngon hơn, người ta thường nộm hoa chuối với thịt tai lợn. Tai lợn sau khi làm sạch, luộc chín, thái miếng nhỏ cỡ ngón tay để nộm cùng hoa chuối. Bước cuối cùng là trộn các loại gia vị.
Cũng như các món nộm khác, nộm hoa chuối cần có thêm vừng lạc. Món nộm ngon phải có vị chua của chanh, chút ngọt của đường, hơi cay của ớt và tất nhiên không thể thiếu kinh giới, húng, mùi tàu. Các loại rau thơm sẽ làm cho món nộm có thêm màu xanh bắt mắt cạnh màu tím của hoa chuối, màu trắng của thịt, loáng thoáng màu đỏ tươi của ớt.
Hương vị đặc trưng của nộm hoa chuối là cái giòn sần sật của hoa chuối với hương nồng của các loại rau thơm, chất cay cay của ớt và vị bùi của lạc rang… Tất cả gắn quyện như một bản nhạc đa âm sắc, thưởng thức một lần lại thòm thèm muốn ăn nữa.
Thịt trâu gác bếp
Món này thì là đặc sản của miền Bắc, khắp các vùng Tây Bắc, Đông Bắc Việt Nam đi đâu các bạn cũng có thể gặp món này. Thịt trâu được tẩm ướp các loại gia vị (không thể thiếu mắc khén nhé) theo công thức riêng tùy tay người làm rồi sấy khô. Nếu được sấy bằng khói trên bếp củi thì thịt trâu khi ăn sẽ có mùi hơi khét khét của khói, nhưng mà ngon lắm. Món này muốn mua nhiều khi cũng không có sẵn mà phải đặt trước.
Mắm tép
Hồ Thác Bà được nhắc đến là một thắng cảnh đẹp của tỉnh Yên Bái. Đây cũng là nơi có trữ lượng thủy sản lớn đem lại nguồn thu nhập cho tỉnh và người dân quanh vùng hồ Thác Bà. Thác Bà được ví là một vựa tôm tép và món mắm tép hồ Thác Bà cũng từ đó mà nổi tiếng nức vùng.
Với diện tích trải dài từ huyện Yên Bình đến huyện Lục Yên, do vậy các xã nằm bên hồ có lợi thế về đánh bắt thủy sản trong đó có tép. Người dân ở các xã Vĩnh Kiên, Đại Đồng, Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai, Mỹ Gia, Cảm Nhân, Tân Hương, Xuân Long, Minh Tiến, Vĩnh Lạc, Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh… đã sớm nhận ra tiềm năng lớn này và họ đã tự chế biến cho mình món mắm tép đầy khoái khẩu với độ đạm cao.
Với món mắm tép này có thể ăn kèm chuối xanh và thịt lợn luộc, khế cùng rau đinh lăng, hoặc có thể đem hấp vào cơm cùng với trứng gà sẽ được một món ăn ngon lành mà là lạ chẳng kém gì đặc sản.
Bưởi Đại Minh
Yên Bình có giống bưởi Đại Minh ngon nổi tiếng. Từ xa xưa, bưởi này từng được gọi là bưởi tiến vua. Do đặc thù của khí hậu, thổ nhưỡng nên Bưởi Đại Minh trồng ở vùng đất này cho chất lượng quả ngon và ngọt nhất so với các vùng đất khác.
Cây bưởi Đại Minh thấp, lá tròn, dày, tán rộng. Quả có hình dẹt, nhẵn bóng, trọng lượng từ 0,6kg – 1,4kg, khi quả chín chuyển sang màu vàng, những quả ở cây bưởi già sẽ nhỏ nhẵn hơn, dễ phân biệt với loại bưởi khác. Bưởi Đại Minh ngon có tiếng, từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng quê này và là niềm tự hào của người dân Yên Bái. Khi bổ ra, bưởi có mùi thơm thoang thoảng, múi róc, mọng nước.
Chi phí du lịch hồ Thác Bà
Thác Bà quả là điểm đến du lịch tuyệt vời, cảnh quan tuyệt đẹp, nhiều điểm đến hấp dẫn, mang đến cho du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị. Du lịch Thác Bà chủ yếu là du lịch trải nghiệm, du lịch cộng động; do đó chi phí cho hành trình khám phá khu vực hồ Thác Bà vô cùng hợp lý.
Rất khó để đưa ra một con số chính xác vì nó phụ thuộc và nhiều yếu tố; tùy thuộc vào thời gian và địa điểm lưu trú, các dịch vụ du lịch được sử dụng, dịch vụ ăn uống và di chuyển,… mà chi phí sẽ chênh lệch ít nhiều. Nhìn chung, trong khoảng từ 3 đến 5 triệu dành cho một người là đã có thể khám phá trọn vẹn khu vực Thác Bà.