Review Sapa: Ngắm trọn Sapa từ sân trời núi Hàm Rồng Review du lịch Hà Giang: Khám phá vẻ đẹp kỳ bí của hoa tam giác mạch Review Sapa: Khám phá “Thung lũng hoa hồng” |
Hồ Thác Bà được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi” |
Tổng quan về Yên Bái
Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.892,68 km2, xếp thứ 8 so với 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về quy mô đất đai.
Toàn tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm Thành phố Yên Bái (thành phố Tỉnh lỵ); Thị xã Nghĩa Lộ; 07 huyện: Trạm Tấu; Mù Cang Chải; Văn Chấn; Văn Yên; Lục Yên; Trấn Yên; Yên Bình với 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn). Trung tâm hành chính của tỉnh Yên Bái là thành phố Yên Bái, cách thủ đô Hà Nội 180km.
Bản Mù Yên Bái |
Yên Bái là "cửa ngõ phên dậu" vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc - Tây Bắc, của những nền văn hoá đa sắc tộc, hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Thiên phú và sự sáng tạo lao động của cộng đồng các dân tộc Yên Bái đã tạo nên một vùng đất nhiều tiềm năng. Cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Yên Bái nổi tiếng với ruộng bậc thang tại Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải |
Sự hấp dẫn của vùng đất này là hình sông thế núi, được kiến tạo dọc sông Hồng trên nền phù sa cổ sinh, với những cánh đồng bằng phẳng đan xen cùng núi non ngoạn mục vươn sát bờ sông tạo thành những lát cắt phóng khoáng, trùng điệp, đó là món quà mà thiên nhiên ban tặng để con người gây dựng nên những xóm làng thanh bình.
Từ đây, những khát vọng về sự yên ấm thơ mộng được đặt cho các tên làng, trở thành dấu ấn không thể phai nhạt như Châu Quế, Yên Hưng, Lan Đình, Cổ Phúc, Yên Lương, Âu Lâu, Bình Phương, Linh Thông, Minh Quân, Nga Quán…
Một góc làng Chế Tạo Yên Bái |
Dải đất Yên Bái trầm tích bao bí mật của quá khứ, từ thuở xa xưa. Những kết quả khảo cổ học cho thấy đây là vùng đất có lịch kỳ từ thời đá mới trải dài tới đồ đồng, đồ sắt. Tiêu biểu nhất tương ứng với thời kỳ đá Sơn Vi tìm thấy ở Mậu A, được các nhà khảo cổ đánh giá là di chỉ có những đặc trưng nổi trội nhất.
Dọc lưu vực sông là quê hương của thạp đồng Đào Thịnh, thạp đồng Hợp Minh nổi tiếng quốc gia cùng vô số đồ đồng được tìm thấy, được người xưa chôn dấu dọc dải đất hai bên bờ sông. Vùng đất này cũng là vùng còn chứa nhiều bí ẩn đầy ký ức của cư dân cổ xưa.
Bức tranh vùng cao đa sắc màu |
Cùng với trí tuệ và bàn tay tạo dựng của con người, nhiều nơi ngoài việc trồng lúa nước còn phát triển các làng nghề: Trồng dâu nuôi tằm, đan lát thủ công làm miến, kéo mật, cùng với những rừng quế bạt ngàn, những nương chè ngút ngát xanh tươi.
Các làng văn hóa được tạo dựng, chính là nơi giữ gìn cảnh quan môi trường thiên nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian được bao thế hệ lưu truyền. Ở đây có thể bắt gặp cái lạ và độc đáo của khèn "ma nhí", sáo "cúc kẹ" dân tộc Xa Phó, cũng như sự huyên linh trong "tết nhẩy" của dân tộc Dao và các giá trị phi vật thể khác đang tiềm ẩn trong nhân dân. Đó là kết quả của lao động sản xuất và nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân các dân tộc sáng tạo nên.
Đồng hành cùng với lịch sử, các giá trị văn hóa tinh thần được xác lập cùng với tín ngưỡng bản địa, các đình đền miếu mạo được nhân dân tôn ái xây dựng. Những đền chùa nổi tiếng trong vùng như đền Đông Cuông, Tuần Quán, Nhược Sơn, chùa Bách Lẫm, Ngọc Am được tu bổ, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân và cũng là các di tích văn hóa gắn với các truyền tích được người dân lưu giữ.
Tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ |
Các dấu tích đình đền còn gắn với các sự kiện lịch sử từng xảy ra trên mảnh đất này đó là: Đền Nhược Sơn gắn với tên tuổi Hà Bổng, Hà Chương thời kỳ chống Nguyên Mông; Đền Đông Cuông (còn gọi là đền Thần Vệ Quốc) gắn với khởi nghĩa Giáp Dần (1914) của đồng bào Tày, Dao địa phương chống thực dân Pháp, đền Tuần Quán gắn với khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930 của các chiến sĩ yêu nước tụ họp ở đây trước khi khởi sự.
Đặc biệt, thành phố Yên Bái còn nổi bật di tích lịch sử văn hóa Lễ đài nơi Bác Hồ nói chuyện với các nhân dân các dân tộc Yên Bái (ngày 24/9/1958). Khu di tích lịch sử văn hóa Lễ đài và sân vận động thành phố giờ là nơi diễn ra những sự kiện chính trị xã hội lớn, nhưng hoạt động văn hóa thể thao của tỉnh Yên Bái, là điểm đến của đông đảo nhân dân các dân tộc Yên Bái và bạn bè gần xa.
Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 |
Một địa chỉ quen thuộc với cả nước là di tích lịch sử văn hóa: Lăng mộ Nguyễn Thái Học và các nhà yêu nước hy sinh năm 1930 trong khởi nghĩa Yên Bái chống thực dân Pháp nổi tiếng đương thời, được tọa lạc trong công viên Yên Hòa.
Trung tâm Yên Bái còn là nơi cửa ngõ nối giữa Đông Bắc với Tây Bắc của Tổ quốc, có đường sắt và đường bộ nối Hà Nội và các tỉnh đồng bằng trung du với Vân Nam - Trung Quốc. Nơi đây còn có chiến khu Vần Dọc của thời kháng chiến chống Pháp, có bến phà Âu Lâu đã trở thành di tích lịch sử văn hóa của địa phương.
Du lịch Yên Bái vào thời gian nào?
Du lịch Yên Bái mùa nước đổ |
Mỗi một mùa ở Yên Bái lại có những vẻ đẹp đặc trưng riêng nên du khách có thể đến du lịch Yên Bái vào bất cứ thời điểm nào cũng được.
Tháng 1 đến tháng 3: Là dịp gần gũi hơn với đời sống của người dân Yên Bái. Du khách muốn trải nghiệm các lễ hội đặc sắc ở Yên bái thì hãy đến vào mùa xuân. Du khách sẽ được tham gia các trò chơi hấp dẫn ở đây như: Ném pao, tung còn, chơi đu, đẩy gậy, đua mảng, kéo co, đua ngựa,…chắc chắn sẽ để lại cho du khách những kỉ niệm rất khó quên.
Tháng 5 đến tháng 6: Là mùa nước đổ. Khi những cơn mưa bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi và nước được dẫn vào các ruộng bậc thang tạo nên những thửa ruộng loang loáng nước trong nắng chiều rực rỡ.
Tháng 9 đến tháng 10: Khoảng thời gian đẹp nhất khi mùa lúa chín là từ 15/9 – 10/10. Lúc này thời tiết mát mẻ, nắng vàng dịu, ở khắp nơi đều là màu vàng rực rỡ, óng ả, lung linh của những triền ruộng bậc thang.
Yên Bái khi mùa lúa chín |
Tháng 11 đến tháng 12: Du khách sẽ được hòa mình vào dòng suối nóng trong thời tiết mùa đông. Đặc biệt vào, Tháng 12 là thời điểm thích hợp để săn mây. Sẽ không khó để du khách bắt gặp cảnh núi rừng chìm trong biển mây đầy ma mị, hùng vĩ.
Du lịch Yên Bái – cách di chuyển
Đi bằng ô tô cá nhân
Từ Hà Nội, du khách đi qua cầu Thăng Long, sau đó chạy thẳng theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Đoạn Hà Nội – Yên Bái du khách chú ý như sau: bạn chạy thẳng từ Hà Nội đến Km121 + 300 thì sẽ có một lối rẽ xuống cầu Yên Bái. Xuống cầu du khách đi thêm khoảng 3km nữa là tới thành phố Yên Bái.
"Phượt" Yên Bái bằng xe máy |
Đi bằng xe máy
Du khách xuất phát từ Hà Nội đến Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), sau đó qua thành phố Việt Trì, đi tiếp đến Ngã ba Đoan Hùng (Phú Thọ), đi tiếp khoảng 40km nữa là tới thành phố Yên Bái.
Đi bằng tàu hỏa
Du lịch Yên Bái bằng tàu hỏa |
Nếu khách du lịch muốn rút ngắn thời gian di chuyển đến Yên Bái, thì bạn có thể lựa chọn hình thức di chuyển bằng tàu hỏa để an toàn cũng như là đến Yên Bái nhanh hơn. Từ Hà Nội, bạn có thể lựa chọn chuyến tàu YB3 tới trực tiếp Yên Bái. Chuyến tàu này thường khởi hành vào lúc 18h10p tối và đến Yên Bái vào lúc 22h50p đêm.
Ngoài ra, du khách cũng có thể lựa chọn đi 2 chuyến tàu SP1 và SP3 từ Hà Nội đến Lào Cai và sẽ dừng lại Yên Bái khi đi ngang. Ưu điểm khi chọn 1 trong hai tuyến này là bạn sẽ có nhiều lựa chọn vé hơn cũng như tránh được tình trạng cháy vé. Nhưng khuyến điểm là bạn sẽ phải khởi hành muộn hơn chuyến YB3 nên bạn cũng sẽ đến Yên Bái chậm hơn, chừng 1 hay 2h sáng mới có thể tới được..
Đi bằng xe khách
Xe khách đi Yên Bái |
Ở Hà Nội có rất nhiều chuyến xe di chuyển đến Yên Bái xuất phát từ bến xe Mỹ Đình. Tuy nhiên, các chuyến xe này chỉ dừng ở điểm cuối cùng là bến xe Yên Bái. Nếu du khách muốn đi Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Mù Cang Chải du khách hãy sử dụng các tuyến xe khách Lai Châu.
Dưới đây là một số tuyến xe khách chạy từ Hà Nội đến Yên Bái, du khách có thể tham khảo cho chuyến du lịch Yên Bái của mình:
Thảo Nguyên
Lịch trình: Hà Nội – Mù Cang Chải
Giờ xuất bến: Mỹ Đình 10h, Mù Cang Chải 21h
Điện thoại: 0978991992
Dũng Thảo
Lịch trình: Hà Nội – Nghĩa Lộ
Giờ xuất bến: Nghĩa Lộ 7h15, Hà Nội 13h20
Điện thoại: 0216 3871055 – 0979 704288 – 0912 016756
Hùng Liên
Lịch trình: Hà Nội – Yên Bái
Giờ xuất bến: Mỹ Đình 16h – 16h45, Yên Bái 8h45 – 10h45
Điện thoại: 0216 3863656 – 0915 914407