Thác Mây - điểm đến hoang sơ, đẹp mê hồn của xứ thanh 5 tháng, ngành du lịch Thanh Hóa đón gần 5,8 triệu lượt khách Ngư dân Thanh Hóa lao ra biển mưu sinh dưới trời nắng như "đổ lửa" |
Hàm Rồng – Sông Mã, nơi sơn thủy hữu tình, khí thiêng hội tụ |
Thành phố Thanh Hóa không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh mà còn là nơi hội tụ của nhiều di tích lịch sử - văn hoá. Đây là vùng đất gắn với nhiều địa danh nổi tiếng như: Hàm Rồng – Sông Mã, nơi sơn thủy hữu tình, khí thiêng hội tụ, nơi có cầu Hàm Rồng nối đôi bờ Sông Mã, gối đầu lên núi Ngọc, núi Rồng; có dòng sông xanh uốn khúc chở nặng phù sa, nổi tiếng với những lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống: chèo chải, trò diễn Tứ Linh, Tú Huần, chạy chữ “Thiên hạ thái bình”… cùng các làn điệu dân ca độc đáo mang nét đặc trưng của người dân xứ Thanh với điệu Hò Sông Mã.
Thái Miếu nhà Hậu Lê, phường Đông vệ, thành phố Thanh Hóa. |
Đi vào cửa ngõ phía Nam của thành phố Thanh Hóa theo quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố 2km, du khách có thể đến thăm Thái miếu Nhà Hậu Lê (hay còn gọi là Đền Nhà Lê) ở làng Bố Vệ (Nay là thôn Kiều Đại), phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Đây là di tích có giá trị lịch sử văn hoá lâu đời đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch) cấp Bằng “Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia”.
Đến nơi đây, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc cổ từ thế kỷ 17,18. Thái Miếu Nhà Hậu Lê được xây dựng năm Gia Long thứ 4 (1805) theo phong cách kiến trúc hậu Lê và thời Nguyễn, là nơi lưu thờ bài vị của 27 vị Hoàng đế thời Lê, Hoàng Thái Hậu cùng các Vương công nhà Hậu Lê.
Ngoài tham quan tìm hiểu về lịch sử thời Lê, du khách còn có cơ hội khám phá nghệ thuật kiến trúc cổ, điêu khắc điển hình của thời Hậu Lê. Vào ngày 21, 22 âm lịch hàng năm, thành phố Thanh Hóa tổ chức các hoạt động lễ hội, dâng hương và các trò chơi dân gian như một nét đẹp truyền thống.
Rời Thái Miếu nhà Hậu Lê, du khách đến với Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây lưu giữ, trưng bày khoảng 2000 hiện vật, hình ảnh về Bác trong những lần Người về thăm và làm việc tại Thanh Hóa. Đây được xem là thế giới linh thiêng trong tâm linh của người dân thành phố Thanh Hóa bởi chính nơi đây đang cất giữ những kỷ vật liên quan trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt, sự nghiệp chính trị cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và miền ký ức về lịch sử hào hùng của người dân xứ Thanh. Tại đây, đã có hàng trăm đoàn với hàng nghìn lượt khách đến tham quan và dâng hương tưởng niệm Bác Hồ.
Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hung liệt sỹ, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. |
Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, sau những hy sinh, mất mát trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thanh Hóa đã cùng với quân dân cả nước chiến đấu, hàng vạn người con Thanh Hóa đã lên đường ra trận, hàng nghìn người mẹ đã cống hiến cho tiền tuyến. Thanh Hóa tự hào có trên 3600 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gần 6 vạn liệt sỹ đã hy sinh cho công cuộc bảo vệ tổ quốc.
Tọa lạc trên khu vực đồi Cánh Tiên, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, công trình Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sỹ được xây dựng với diện tích 15ha, lối kiến trúc mang nét văn hóa gồm nhiều hạng mục: Tháp chuông, Đền thờ chính, Nhà bia, Hồ nước bán nguyệt, cổng chính và Đền… Đây là điểm tham quan lịch sử có ý nghĩa đối với du khách, thắp nén nhang tỏ lòng tri ân những người đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng |
Cách Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sỹ không xa, với tổng diện tích 9000m2, tạo lạc trên đồi C4, núi Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng nằm yên ắng, thanh tịnh trên ngọn núi cao bên bờ sông Mã, bao bọc xung quanh bởi rừng thông xanh ngút ngàn trải dài trên sườn đồi thoai thoải.
Thiền viện được khởi công xây dựng năm 2010. Công trình được thiết kế với 12 hạng mục góp phần tôn tạo danh thắng núi Hàm Rồng trở thành danh lam thắng tích, nơi du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Hàng năm, đã có khoảng 20 nghìn lượt khách từ Trung ương đến địa phương tới dâng hương, thăm quan và trồng cây lưu niệm tại đây.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, thành phố Thanh Hóa tập trung phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Thành phố nâng cao chất lượng và phát huy các tuyến, các điểm du lịch hiện có, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của khu vực Hàm Rồng – núi Đọ, các di tích lịch sử, văn hóa gắn với tuyến du lịch ngược xuôi sông Mã;
Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các chuỗi liên kết du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, khám phá lịch sử với vui chơi, giải trí; kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch; xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch thành phố Thanh Hóa, phấn đấu giai đoạn 2020 – 2025 thu hút được 12 triệu lượt khách du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; khôi phục các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian nhằm phát huy bản sắc văn hóa thành phố; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tập trung vào các tuyến, tour, điểm du lịch.
Xây dựng Đề án phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa đến năm 2030, thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch; hỗ trợ tạo điều kiện để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, các điểm du lịch như: Thái Miếu nhà Hậu Lê, Công viên văn hóa xứ Thanh, Công viên Hội An, Công viên nước Đông Hương; quan tâm đầu tư phát triển khu di tích văn hóa, thắng cảnh núi Mật Sơn, xây dựng và triển khai các dự án du lịch dọc theo hai bờ sông Mã.