Tác dụng của rau cần ta với sức khỏe
Thành phần hóa học có trong rau cần ta
Cần ta có nhiều tinh dầu, axit o - coumaric, axit chlorogenic, axit gallic, glucoside, quercetin, isorhamnetin sulfat, hyperin, α-tocopherol,... Không những thế, loại rau này còn có nhiều thành phần dinh dưỡng như protein, carbohydrate, chất béo, vi chất khoáng, kali, canxi, natri, magie,... Rễ và thân cây cần chứa falcarinol; phần quả của rau cần chứa 1.5% tinh dầu.
Tác dụng dược lý của rau cần ta với sức khỏe
Chống viêm gan: Cần ta có các hoạt chất với khả năng ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B nên rất tiềm năng trong điều trị bệnh lý này.
Hạ đường huyết: Với khả năng thúc đẩy giải phóng insulin ở các tế bào B đảo tụy langerhans, rau cần ta giúp làm hạ đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường.
Chống ung thư: Rau cần ta có hoạt chất chống oxy hóa và tính chống độc nên có thể ức chế kích hoạt chất gây ra ung thư.
Kháng viêm: Isorhamnetin trong cây rau cần ta có tác dụng ức chế giải phóng các loại chất gây viêm.
Tăng cường miễn dịch: Flavonoid chiết xuất từ rau cần ta có thể hỗ trợ miễn dịch tế bào, miễn dịch dịch thể và miễn dịch không đặc hiệu ở chuột thí nghiệm bị suy giảm miễn dịch do hydrocortisone gây ra. Khả năng tăng cường hỗ trợ miễn dịch này của rau cần được chứng minh thông qua cơ chế thúc đẩy sự tăng sinh của tế bào lympho T.
Giảm ho: Chất p - pinen của rau cần có tác dụng làm loãng đờm, giảm ho kháng nấm và kháng viêm. Ngoài ra myrcene của rau cần cũng giảm ho đờm tương đối hiệu quả.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau cần ta
Chữa nôn ói
Nguyên liệu: cam thảo 15g, rễ rau cần 30g.
Cách thực hiện: đem tất cả nguyên liệu nấu cùng 300ml nước đến khi sôi khoảng 10 phút thì chắt lấy nước ra bát rồi đập 1 quả trứng gà vào, đem uống hết cả phần nước sắc được và ăn cả phần trứng.
Giảm cholesterol máu
Nguyên liệu: 200g cây rau cần ta.
Cách thực hiện: cần ta đem nhặt bỏ phần rễ sau đó rửa, ngâm trong nước muối và đem ép lấy nước cốt trộn cùng một ít mật ong để chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa bí tiểu
Nguyên liệu: 50 - 100g rau cần tươi.
Cách thực hiện: rau cần đem rửa sạch, cắt ngắn, nấu trong 10 phút rồi chắt lấy nước chia thành vài lần uống trong ngày
Chữa ho gà
Nguyên liệu: 500g rau cần ta bao gồm tất cả các bộ phận.
Cách thực hiện: nguyên liệu đã chuẩn bị được đem rửa sạch rồi giã nát và chắt lấy nước cốt sau đó cho thêm vào vài hạt muối, đem hấp cách thủy trong 10 phút rồi uống.
Bài thuốc này nên làm vào buổi sáng sớm, chia làm 2 lần: sáng và tối. Nên duy trì việc uống thuốc trong nhiều ngày cho đến khi chấm dứt cơn ho hoàn toàn.
Chữa cao huyết áp
Nguyên liệu: 200g rau cần ta; 15g từng vị: mã diệu linh và tiểu kế.
Cách thực hiện: đem tất cả nguyên liệu sắc cùng 500ml nước cho đến khi còn lại 250ml thì lọc bỏ bã, nấu tiếp cho đến khi chỉ còn 100ml nước thì lấy ra, bảo quản trong tủ lạnh, uống 10ml/lần x 3 lần/ngày.
Chữa thiếu máu
Luộc hoặc dùng rau cần ta nấu canh ăn đều đặn sẽ bổ sung sắt cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt. Hoặc một cách khác cũng đem lại công dụng tương tự là xào rau cần chung với các thực phẩm giàu sắt như gan, thịt bò và ăn 2 bữa/tuần.
Chữa tiểu đường
Nguyên liệu: 500g rau cần ta.
Cách thực hiện: ép rau cần ta lấy nước cốt rồi chia thành 2 lần uống hoặc đem rau cần tươi chần qua nước sôi sau đó cắt khúc ngắn vừa ăn và trộn cùng các loại gia vị để ăn thay rau.
Chữa mất ngủ
Nguyên liệu: nhị nhân 9g, rễ cần ta 9g.
Cách thực hiện: đem tất cả nguyên liệu sắc lấy nước uống 3 lần/ngày.
Chữa sốt dai dẳng ở trẻ nhỏ
Nguyên liệu: một lượng vừa đủ gồm mạch nha, mã đề, cần ta.
Cách làm: sắc tất cả nguyên liệu trên lấy nước uống sẽ giúp trẻ hạ nhiệt.
Chữa tiểu khó và buốt
Nguyên liệu: 100g rau cần tươi.
Cách thực hiện: đem phần rau cần đã được chuẩn bị rửa sạch, sắc lấy nước uống hàng ngày hoặc ép lấy nước uống.
Điều cần chú ý khi dùng cây rau cần ta
Không nên dùng cần ta để chữa bệnh với những người bị nhiễm giun sán, huyết áp thấp, vảy nến.
Hầu hết các vùng trồng rau cần đều ở bờ ao hoặc ruộng nên rất dễ nhiễm trứng giun sán; nếu dùng dược liệu này ở dạng tươi tốt nhất nên rửa nhiều lần nước cho thật sạch sau đó ngâm cùng nước muối pha loãng hoặc nhúng qua nước sôi rồi mới đem vào sử dụng.
Mặc dù rau cần ta nhiều khoáng chất, vitamin và có những lợi ích rõ rệt với việc điều trị nhiều bệnh lý nhưng hiệu quả đạt được sẽ khác nhau ở mỗi người vì cơ địa từng người không giống nhau. Bên cạnh đó, việc dùng dược liệu tự nhiên này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vì thể, trước khi quyết định thực hiện bất cứ bài thuốc nào từ rau cần nên hỏi ý kiến bác sĩ để có lời khuyên hữu ích.