Những sai lầm khi sử dụng nước mắm gây hại sức khỏe Quy tắc vận động đơn giản để có một cơ thể khỏe mạnh Những việc cần tránh để bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh |
Na rừng là gì?
Na rừng có giá trị kinh tế cao, nhiều người săn lùng nên ngày càng khan hiếm. |
Tại Việt Nam, quả na không còn xa lạ với mọi người, thậm chí vào mùa được bán giá rẻ bèo. Thế nhưng, quả na rừng lại khác, trước đây loại quả dại này có rất nhiều, rụng đầy đất không ai nhặt. Tuy nhiên, hiện nay quả na rừng ngày càng khan hiếm, có giá vô cùng đắt đỏ và vừa được Bộ Y tế đưa vào danh sách 23 cây thuốc quý cần được kiểm soát.
Quả na rừng hay còn có tên gọi khác là nắm cơm, Na dây; Xưn xe, Ngũ vị tử nam; Có tên khoa học là: Kadsura Coccinea (Lem.); Quy kinh vị, đại trường. Do có giá trị cao về dược liệu nên na rừng được rất nhiều thương lái tìm mua và trả giá cao.Theo khảo sát, một quả na đỏ có trọng lượng lớn, chín tại cây có giá vào khoảng 500 nghìn đồng/kg, trung bình một quả nặng từ 3 – 4kg có giá vài triệu đồng/ quả.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết quả na rừng là loại quả mọc dại trong tự nhiên, thường có ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Quảng Nam. Na rừng là loại cây thân leo, lá hình bầu dục thường mọc trong rừng sâu và có độ phủ tán trên 40%, ở độ cao từ 150 – 1200m so với mặt nước biển.
Quả na rừng có hình dáng giống như quả na thường, nhưng có kích thước lớn gấp vài lần, trọng lượng có thể lên đến vài kg/quả. Khi chín, thịt của quả na rừng có màu hồng, múi rất to, dễ tách thành từng múi nhỏ, có mùi thơm nhẹ. Đây là loại quả có giá trị dược liệu cao, được người dân săn lùng hái quả nên ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, vì thế chúng rất cần được bảo tồn. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ và quả.
Công dụng chữa bệnh tuyệt vời của cây na rừng
Quả na rừng có tác dụng an thần, giúp người bệnh cải thiện tình trạng mất ngủ. |
Bác sĩ Vũ cho biết, quả na rừng có thể sử dụng dùng làm thuốc an thần giúp ngủ ngon. Dùng quả na rừng hãm trà pha nước uống có tác dụng an thần. Đặc biệt, đây là một trong 3 vị thuốc trong bài thuốc "Tứn khửn", bài thuốc chữa yếu sinh lý nổi tiếng của đồng bào dân tộc Sơn La. Ngoài ra, dễ thân cây na rừng cũng có giá trị rất lớn trong Đông Y.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, phải thận trọng khi sử dụng rượu na rừng ngâm để chữa yếu sinh lý vì dễ gây tác dụng ngược với sức khỏe. Bởi bản chất rượu là chất kích thích, có thể dẫn tới rối loạn cương dương. Việc dùng rượu na ngâm cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nam giới nên đi khám để được thầy thuốc tư vấn về phương pháp điều trị, bổ sung đúng cách các loại dược liệu, thực phẩm cũng như những thứ cần phải kiêng kỵ.
Ngoài quả na rừng, rễ cây na rừng cũng là vị thuốc quý trong Đông y, có nhiều tác dụng với sức khỏe. Trong y học cổ truyền, rễ cây na rừng vị cay, tính ấm, hơi đắng, có hương thơm nhẹ; quy kinh vị, đại tràng. Rễ cây na rừng có tác dụng hành khí, chỉ thống, hoạt huyết, khư phong, tán ứ, tiêu thũng.
Theo kinh nghiệm dân gian, na rừng được dùng làm thuốc bổ, hoạt huyết, giảm đau, kích thích tiêu hóa, ngày dùng 8-16g vỏ rễ hay vỏ thân tán nhỏ, ngâm rượu uống, chia làm 2 lần trong ngày.
Ngoài ra, na rừng rất tốt cho phụ nữ sau sinh, giúp ăn uống ngon, giảm đau, hỗ trợ co bóp dạ con và tăng tốc độ làm sạch dịch sản. Theo đó, dùng 20 – 30g rễ na rừng hãm cùng với một lượng nước vừa đủ, dùng uống thay nước hàng ngày.
Có thể dùng 6-9g na rừng sắc lấy nước uống hàng ngày để chữa thận hư đau lưng, ho, viêm họng, viêm phế quản, thần kinh suy nhược. Hoặc phụ nữ đau bụng kinh có thể dùng rễ na rừng, kết hợp với oai diệp tử lan, hồ tiêu, các vị lượng vừa đủ, ngâm rượu uống.
Với người đau dạ dày, có thể dùng vỏ thân, rễ na rừng ngâm rượu để dùng uống hàng ngày. Ngoài ra, có thể dùng 8 – 16g na rừng sắc nước uống như trà, sử dụng thường xuyên có thể kích thích tiêu hóa, giảm đau, hỗ trợ điều trị đau dạ dày. Dù có nhiều tác dụng với sức khỏe, nhưng trước khi sử dụng na rừng cần được khám và tư vấn điều trị bởi thầy thuốc có chuyên môn, không nên tự ý sử dụng.
Cách sử dụng quả na rừng
Na rừng ngâm rượu có nhiều tác dụng với cơ thể nếu sử dụng đúng cách. |
Ngâm rượu từ quả na rừng
Quả na rừng đem ngâm rượu có thể trở thành bài thuốc bổ dương rất hiệu quả, mà người Mông hay gọi là Tứn Khửn. Cách ngâm rượu Na rừng rất đơn giản, có thể ngâm từ cả quả tươi hay quả khô.
Ngâm rượu Na rừng tươi: Cho nguyên trái Na rừng vào ống tre bịt kín, đun cách thủy 1 đêm. Cho thêm các dược liệu bổ dưỡng khác vào bình, đổ ngập rượu, hạ thổ và sau 1 năm có thể sử dụng.
Ngâm rượu Ra rừng khô: Rửa sạch quả na rừng để ráo. Chế biến na rừng bằng cách bóc riêng từng múi na khi quả chín. Chuẩn bị rượu nấu thủ công 40 độ. Bình ngâm bằng bình thủy tinh hoặc sành sứ rửa sạch để ráo. Tỷ lệ ngâm 1 kg na rừng ngâm 2 – 4 lít rượu. Ngâm sau 100 ngày uống rất thơm.
Hãm nước trà từ quả na rừng phơi khô
Cách làm: Quả na rừng tách múi, phơi khô sau đó rang lên. Dùng những múi na rừng đã được sơ chế hãm nước pha trà uống hàng ngày. Cần chú ý liều lượng.
Hãm nước từ rễ cây na rừng
Sau khi hái về đem rửa sạch, thái phiến, phơi khô, hãm lấy nước uống với liều lượng là từ 15 – 30g.Có thể hãm cũng các loại thuốc khác như Sâm cau, Bổ béo, Hồi sức để cho tác dụng tốt hơn. Loại quả này có giá trị dược liệu rất cao, tuy nhiên bạn không nên dùng một cách bừa bãi.
Trước khi sử dụng bất cứ bài thuốc nào từ Na rừng, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến thầy thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Lưu ý khi sử dụng
Nên chọn mua tại các địa chỉ đảm bảo uy tín để tránh việc mua nhầm sản phẩm kém chất lượng. |
Quá trình sử dụng cây na rừng, bạn nên chú ý những điều sau:
Không sử dụng trong trường hợp dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược phẩm.
Gặp ngay bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường như: Ngứa da, đỏ da, khó thở, nặng ngực,....
Lưu trữ na rừng trong bao, hộp kín, khô ráo, thoáng gió, tránh nơi có độ ẩm cao.
Nên chọn mua tại các địa chỉ đảm bảo uy tín để tránh việc mua nhầm sản phẩm kém chất lượng.
Tìm hiểu cẩn thận và sử dụng đúng liều lượng, tránh việc lạm dụng loại dược liệu này.
Không tự ý kết hợp loại dược liệu này cùng với các nguyên liệu khác khi chưa có hiểu biết rõ ràng về công dụng cũng như những tác hại có nguy cơ phải đối diện.
Đối với việc dùng rượu ngâm từ na rừng, thì không nên uống quá nhiều mỗi ngày. Đồng thời, không uống khi bụng đang đói.
Nếu muốn sử dụng loại dược liệu này trong điều trị bệnh lý, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để hiểu rõ hơn về lợi ích, biết cách sử dụng hợp lý, đảm bảo sự an toàn cũng như tránh việc phải đối diện với những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.