Tận dụng điều kiện tự nhiên tại khu vực ven biển, nhiều người dân phát triển nghề nuôi tôm và xen canh nuôi các giống loài thuỷ sản khác, trong đó có sò huyết. Loại này vốn phân bố ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương từ phía Châu Phi đến Úc, Nhật Bản…. và khá hiếm ở Việt Nam (trước đó chỉ có ở khu vực miền Tây như Bến Tre, Cà Mau). Nhưng giờ đây, nông dân Việt Nam đã ươm giống sò huyết thành công khiến sản lượng của loài thuỷ sản này ngày càng tăng lên và được nuôi trồng rộng rãi, đáp ứng nhu cầu cung cấp cho thị trường.
![]() |
Ông Hoài phấn khởi thu hoạch sò huyết trong vuông tôm |
Ông Nguyễn Viết Hoài (47 tuổi, ngụ xã Hiệp Tùng, H.Năm Căn, Cà Mau) là một điển hình nuôi sò huyết trong vuông tôm quảng canh, thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.
Ông Hoài cho hay mình sinh ra trong một gia đình thuần nông nên từ nhỏ đã được tiếp cận với mô hình nuôi tôm quảng canh. Sau khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho 2 ha đất nuôi trồng thủy sản để lập nghiệp.
Vùng đất Năm Căn của tỉnh Cà Mau có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi tôm, cua. Tận dụng diện tích mặt nước, những năm gần đây, nhiều hộ dân kết hợp nuôi thêm một số loài thủy sản có giá trị. Trong đó phải kể đến mô hình xen canh 2 trong 1 là nuôi sò huyết trong vuông tôm quảng canh của ông Nguyễn Viết Hoài.
Giới thiệu cơ ngơi với căn nhà khang trang, hiện đại của mình, ông Hoài cho biết tất cả đều nhờ vào con tôm, con sò huyết. Ông Hòa kể, sau khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho 2 ha đất canh tác. Năm 2012, ông dồn sức làm giàu bằng việc nuôi tôm quảng canh, nhưng cách nuôi này có nhiều nhược điểm, hiệu quả kinh tế không cao.
Với bản tính ham làm, ham học hỏi, không ngại đổi mới, năm 2016, ông Hoài quyết định chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp và thành công mỹ mãn. Có được nhiều lợi nhuận từ nuôi tôm công nghiệp, ông mua thêm đất đai, mở rộng mô hình nuôi tôm.
Nhận thấy thổ nhưỡng vùng đất Năm Căn thích hợp nuôi sò huyết, năm 2020, Hòa mạnh dạn đầu tư nuôi xen canh sò huyết trong vuông tôm quảng canh rộng 8 ha. Theo ông Hoài, mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao và có tính bền vững, ít tốn công chăm sóc, người dân dễ dàng thực hiện.
“Sò huyết có thể nuôi lâu dài trong vuông tôm, không cần phải thu hoạch đúng vụ như con tôm, đặc biệt là không tốn chi phí thức ăn và công chăm sóc. Nếu gặp thời điểm giá sò huyết sụt giảm, người nuôi hoàn toàn có thể trữ lại chờ giá tăng để nâng cao thu nhập”, ông Hoài chia sẻ.
![]() |
Khi sò huyết đạt kích cỡ khoảng 100 con/kg thì có thể thu hoạch dần |
Ông Hoài cho biết, sò huyết giống sau khi mua về phải qua giai đoạn vèo trong vuông (nuôi dưỡng) rồi mới thả ra nuôi (nuôi thả lang). Sau 1 năm nuôi thì có thể thu hoạch liên tục trong khoảng 5 tháng. Thời gian vèo sò giống khoảng 5 tháng. Khi sò đạt kích cỡ từ 600 - 700 con/kg thì thả lang ra vuông để nuôi lên sò thương phẩm. Khi sò đạt kích cỡ khoảng 100 con/kg sẽ được thu hoạch dần dần.
Theo ông Hòa, để nuôi sò huyết đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc chú trọng con giống tốt thì điều kiện nguồn nước cũng rất quan trọng. Nguồn thức ăn của sò là tảo và bùn đất trong vuông. Nuôi sò huyết trong vuông tôm không hề ảnh hưởng đến sản lượng tôm nuôi mà còn còn giúp vệ sinh đáy ao hiệu quả.
Hiện, sò huyết có giá khá cao, loại 100 con/kg được thương lái mua từ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi năm ông Hoài thu nhập trên 2 tỉ đồng nhờ mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm quảng canh.
![]() |
Anh Nguyễn Tuấn Dủ kiểm tra kích cỡ sò huyết thương phẩm |
Cùng ở huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau, anh Nguyễn Tuấn Dủ là một trong số những nông dân rất thành công với mô hình nuôi tôm xen canh sò huyết. Cách đây một năm, anh lặn lội lên Cần Giờ (TP.HCM) để bắt đầu “tầm sư học đạo” nghề nuôi sò huyết. “Mua giống sò huyết tại cơ sở sẽ được hỗ trợ 100% về kỹ thuật và về rủi ro cho người nuôi nếu không đạt”, anh cho biết.
Nuôi sò huyết cần được theo dõi thường xuyên, nhất là đảm bảo vệ sinh về nguồn nước. Sò huyết giống từ 15-20 ngày tuổi là có thể có đủ điều kiện được thả nuôi trong môi trường tự nhiên. Sò huyết giống khi mua về cần được thả nuôi trong mùng lưới, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định trong một thời gian, tránh bị các giống loài thủy sản khác xâm hại. Loài thuỷ sản này sống dưới bùn, có sức đề kháng tốt nên không phải lo sâu bệnh phá hoại.
![]() |
Sò huyết giống khi mua về cần được thả nuôi trong mùng lưới |
“Khi kích cỡ sò giống đủ lớn, nuôi ngoài môi trường tự nhiên cần thường xuyên kiểm tra sự phát triển của sò, thu hoạch “tỉa thưa” từng đợt”, anh Dủ chia sẻ. Với 2 ha đất nuôi sò huyết thương phẩm, năm vừa rồi sau khi trừ chi phí, lợi nhuận anh thu về khoảng 500 triệu đồng. So với các loài thuỷ sản khác, nuôi sò huyết mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn mà không tốn công chăm sóc, tốn chi phí thức ăn.