Nuôi gà ác cho ngủ máy lạnh và nghe nhạc, tháng kiếm hàng trăm triệu |
Vốn dĩ giống gà này không xa lạ với người chăn nuôi, còn có tên gọi khác là ô cốt kê, ô kê, gà đen hay gà chân chì hoặc gà ngũ trảo… Đây là một giống gà có điểm đặc trưng là toàn thân và chân đều màu đen và có thịt bổ dưỡng, gà thường được chế biến thành món ăn gà ác tần dành cho những người cần tẩm bổ.
Gà ác có nguồn gốc từ tự nhiên đã được thuần dưỡng, tuy nhiên bản năng của chúng vẫn rất hung dữ và hiếu chiến. Sau một thời gian nuôi, để hàng ngàn con gà này bớt “nóng tính”, không cắn nhau, Nguyễn Hữu Thắng đã nghĩ ra cách dùng âm nhạc như một liệu pháp giúp gà ổn định tâm lý, trung hòa tính hiếu chiến. Anh đầu tư lắp hệ thống loa trong trang trại và suốt ngày phát nhạc không lời. Tiếng nhạc lẫn trong tiếng vòi phun nước làm mát ở bên ngoài và quạt gió đã phát huy hiệu quả rất tốt, âm thanh nhẹ nhàng này đã át đi các âm thanh lạ nên gà ít bị kích động, nổi nóng và ít cắn nhau.
Anh Thắng cho biết, gà ác nuôi trong chuồng kín sẽ hoảng loạn khi có người đi vào cho thức ăn hay dọn dẹp chuồng trại. Con gà nghe nhạc thường xuyên thì nó trở nên hiền hơn rất nhiều. Đặc biệt, thức ăn dành cho gà ác anh Thắng cũng nói không với kháng sinh, không thức ăn công nghiệp trong trang trại của mình. Ngoài ra, anh cho gà ác ăn các loại thảo dược như tỏi ngừa bệnh đường hô hấp, vàng đắng là loại berberin tự nhiên, cà gai leo tốt cho gan phối trộn cùng với thức ăn để tăng sức đề kháng, phòng bệnh cho vật nuôi…
Nguyễn Hữu Thắng từng sang Hàn Quốc lao động sau khi tốt nghiệp THPT. “Ở bên đó, đi siêu thị thấy người ta bán thực phẩm sạch, an toàn, có quy trình và nguồn gốc rõ ràng, mình nảy ý định về quê sẽ sản xuất thực phẩm sạch”, Thắng nói.
Sau khi trở về quê, chàng trai này quyết định khởi nghiệp theo mô hình chăn nuôi ngay tại quê nhà. 2 lứa lợn gặp thất bại vì dịch bệnh, mất trắng 1 tỉ đồng, Thắng không nản và quyết định chuyển hướng khởi nghiệp lần 2.
Tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, anh Thắng quyết định chọn nuôi gà ác lấy trứng vì loại gà này có khá nhiều ở các tỉnh phía nam, nhưng lại rất hiếm ở phía bắc do điều kiện thời tiết không thích hợp. Trứng gà ác tuy nhỏ nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao, nhu cầu thị trường cũng đang lớn. Năm 2021, Thắng đặt mua 12.000 con gà giống 1 ngày tuổi ở Long An, đưa lên máy bay vận chuyển về Nghệ An.
Anh Nguyễn Hữu Thắng và sản phẩm trứng gà ác |
Để có sản phẩm trứng gà có chất lượng cao, anh Thắng xây dựng quy trình chăn nuôi công nghệ cao. Anh vay 7 tỉ đồng để thực hiện dự án này ngay trên mảnh đất 3 ha của gia đình. Hơn 5 tháng sau, vượt qua mọi sự khởi đầu nan, gà bắt đầu đẻ trứng. Tỷ lệ đẻ trứng của gà ác chỉ đạt 30 - 45%/ngày, nhưng nhờ áp dụng công nghệ nuôi này nên tỷ lệ đẻ trứng tại trang trại của anh Thắng đã đạt 48 - 50%.
Mô hình nuôi gà ác này được ông chủ trẻ đầu tư bài bản từ hệ thống làm mát, đèn chiếu sáng, phân phát thức ăn và công nghệ xử lý phân thải. Mùa rét, trang trại phải sử dụng hệ thống đèn sưởi, mùa nóng, hệ thống quạt làm mát chạy suốt ngày đêm, kết hợp phun tưới bên ngoài chuồng để giảm nhiệt. Với hệ thống làm mát này, nhiệt độ trong chuồng luôn được duy trì từ 22-28 độ C, thấp hơn từ 10-12 độ so với bên ngoài. “Đây là giống gà khó tính và để trứng có chất lượng tốt nhất, việc chăn nuôi phải tuân thủ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, từ kiểm soát chất lượng đầu vào, thức ăn, môi trường và vắc xin phòng bệnh”, anh Thắng nói.
Thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày trang trại của anh thu 3.500-4.000 quả trứng. Với mức giá 3.000 đồng/quả, mỗi ngày ông chủ trang trại gà ác trẻ tuổi thu trên dưới 10 triệu đồng, chưa kể tiền bán phân gà.
"Số trứng này chủ yếu được nhập ra Thanh Hóa, Ninh Bình và một số thị trường phía Bắc. Riêng thị trường Thanh Hóa, nhu cầu tiêu thụ là 30.000-40.000 quả trứng/tuần, trang trại chỉ mới đáp ứng được một phần. Trong thời gian tới, trang trại có thể cung ứng cho thị trường khoảng 9.000 quả trứng/ngày", anh Thắng cho hay.
Nguyễn Hữu Thắng đã đầu tư xây tiếp chuồng trại và trong năm nay sẽ nâng quy mô chăn nuôi lên 35.000 con gà để cung cấp trứng cho thị trường. Anh đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP, VietGAP và đặt kỳ vọng mô hình chăn nuôi này sẽ mang về nguồn thu lớn cho gia đình và tạo nên hình mẫu thanh niên khởi nghiệp tại quê hương.