Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020 Miền Trung - Tây Nguyên hút đầu tư vào năng lượng tái tạo Điện năng lượng tái tạo phát triển vượt bậc, đạt trên 5.500 MW |
Ngày 12/10, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.
Hội thảo tổ chức nhằm tổng hợp ý kiến đóng góp, phản biện của các đại biểu, chuyên gia về lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, tương lai phát triển, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo để từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết số 115/NQ – CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ.
![]() |
Ninh Thuận đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo |
Tại hội thảo, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá, tiềm năng và cơ hội phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của tỉnh còn rất lớn, khả năng xây dựng thành trung tâm năng lượng tái tạo là hoàn toàn có cơ sở. Để xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng tái tạo cần phải có bộ tiêu chí có tính định lượng để đánh giá. Từ đó làm cơ sở đề xuất, kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển trong giai đoạn tới.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, từ 2018 đến nay, tỉnh đã lắp đặt và đưa vào vận hành 25 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 1.561 MW (so với toàn quốc 6.025 MW, chiếm 25,9%). Tỉnh đã có 1.607 hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt và đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 84.432 kWp.
Dự kiến đến cuối năm 2020, Ninh Thuận sẽ có 37 dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành với tổng công suất 2.473,6 MW, trong khi nhu cầu điện của tỉnh về công suất dao động 110- 115 MW, còn lại đóng góp cho điện lực Quốc gia.
Hiện tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi đầu tư 50 dự án điện mặt trời, tổng công suất 3.120 MW trên diện tích đất 4.349 ha, tổng vốn đầu tư 76.089 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư 20 dự án điện gió, tổng công suất 1.510 MW, trên diện tích đất 286,67 ha, tổng vốn đầu tư 36.185 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện của Ninh Thuận sẽ đạt khoảng 13.717 MW, sản lượng điện sản xuất đạt khoảng 34,8 tỷ kWh. Riêng về điện mặt trời tỉnh dự kiến phát triển công suất đạt 8.442 MW, khi thực hiện thành công sẽ chiếm 42% trong tổng số 20.050 MW tổng công suất lắp đặt điện mặt trời của cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư các dự án địa phương cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc như vấn đề giải tỏa công suất. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang khẩn trương phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam, công ty tư nhân đang nỗ lực xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải, dự kiến đến cuối năm nay sẽ giải tỏa hết công suất phát của các dự án năng lượng tái tạo. Để có thể hấp thụ công suất các dự án năng lượng tái tạo được triển khai trong các năm tiếp theo cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường dây truyền tải điện mới.