Xu hướng mua sắm Tết năm 2025 sẽ là tiếp tục chi tiêu tiết kiệm và mua sắm thiết thực. |
Người tiêu dùng dự kiến mua sắm đơn giản
Dịp Tết Ất Tỵ sắp đến, người dân được nghỉ 9 ngày, từ 26 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng (25/1-2/2/2025). Hoạt động mua sắm thường bắt đầu 4-5 tuần trước Tết, tức thị trường sẽ sôi động từ cuối tháng này. Một số người tiêu dùng cũng cảm thấy Tết Nguyên đán 2025 sẽ tích cực hơn, nhưng dự kiến mua sắm đơn giản.
"Gia đình tôi năm nay tập trung vào nhóm hàng thiết yếu như đồ khô, bánh kẹo, mứt tết, tôi sẽ mua vừa phải, không mua tích chữ. Về quần áo mới cho cả gia đình, tôi sẽ ưu tiên con trẻ, còn người lớn cũng không cần thiết lắm, nói chung là tôi sẽ tiết kiệm chi tiêu vì cuộc sống còn khó khăn ", chị Trang (Hà Đông, Hà Nội) cho biết.
Tại hội thảo “Xu hướng mua sắm Tết 2025”, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao thuộc công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định: Người Việt sẽ ưu tiên những sản phẩm hướng tới tiện lợi, thiết thực và tiết kiệm thời gian, tiền bạc trong dịp Tết sắp tới.
Chuyên gia này dự báo tổng chi tiêu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) mùa Tết 2025 sẽ tăng trưởng khoảng 5% so với Tết 2024.
Kantar giải thích, người Việt khả năng sắm Tết Ất Tỵ đơn giản hơn bởi nhiều lý do từ tâm lý tiêu dùng, tình hình tài chính hộ gia đình đến thay đổi trong cách đón Tết.
Khảo sát cho thấy tài chính hộ gia đình dần ổn dịnh sau Covid-19 nhưng chưa hoàn toàn mạnh mẽ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến quý III, thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng và nông thôn là 6,6 triệu đồng, lần lượt tăng 4,49% và 6,45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng khi Kantar hỏi thì 24% hộ nói cần giảm chi tiêu, so với 19% vào quý III/2019. Ngược lại, 20% nói không cần giảm, thấp hơn trước dịch 2 điểm phần trăm. "Xu hướng mua đồ rẻ đang bao phủ nhiều ngành hàng hơn", bà Nga nói.
Cách "ăn Tết" của người Việt đang dần thay đổi, hướng tới gọn nhẹ. Top 3 lý do họ chi tiêu cho Tết 2024 ít hơn là: muốn đơn giản hóa thủ tục ngày Tết, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và giảm tụ họp, dự báo là xu hướng dài hạn.
Thực tế, 3 năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng Tết vào kết quả cả năm trong ngành FMCG đã giảm dần, từ 21% xuống 19% ở thành thị và 24% xuống 21% ở nông thôn.
Tỷ lệ nhận được quà Tết của các gia đình cũng đi xuống, khiến họ phải tự mua sắm những sản phẩm theo đúng ưu tiên về độ cần thiết và túi tiền. "Với những xu hướng này, dự báo không thể có sự đột biến trong mua sắm nên mùa Tết 2025 sẽ tiết kiệm và thiết thực", bà Nga nhận định.
Xu hướng lựa chọn năm nay tiếp tục là hàng hóa "lành mạnh và ý nghĩa"
Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc khối kinh doanh Kantar Worldpanel Vietnam chia sẻ tại hội thảo. |
Không chỉ bớt chi tiêu cho việc mua sắm Tết, hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết cũng đơn giản hơn trước rất nhiều. Bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, một số ngành quan trọng truyền thống trong ngày Tết như: bia, bánh kẹo chứng kiến sự sụt giảm. Chỉ những bánh kẹo lạ, các loại hạt tốt cho sức khỏe được lựa chọn mua sắm cho Tết nhiều hơn.
Cũng theo Kantar Worldpanel Việt Nam, đáng lưu ý hàng mang tính thực tiễn dùng tiêu dùng cho cả gia đình như: dầu, đường, bột ngọt, mì gói,... lại được lựa chọn nhiều hơn. Cụ thể, những giỏ quà gia vị, đang lên ngôi với giá trị từ 200 – 300k/giỏ. Đây là những giỏ quà đơn giản nhưng vẫn hấp dẫn người tiêu dùng.
Để doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu trong xu hướng mới của người tiêu dùng dịp Tết 2025, bà Nga giải thích rõ người tiêu dùng chọn sản phẩm giản đơn nhưng trong đó là nhu cầu về sự tiện lợi và đơn giản hóa của người tiêu dùng. Do đó, thương hiệu và nhà sản xuất cần nắm bắt và đáp ứng để chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm Tết. Người tiêu dùng đã ưu tiên những sản phẩm hướng tới sự tiện lợi và thiết thực để tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc. Hơn thế, theo nghiên cứu, xu hướng chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên trong dịp Tết 2025. Bên cạnh việc giữ gìn những ý nghĩa truyền thống, văn hóa, người tiêu dùng cũng sẽ tìm kiếm những sản phẩm vừa đảm bảo sức khỏe vừa mang ý nghĩa sum vầy, thể hiện sự quan tâm đến chất lượng cuộc sống.
“Do đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ hành trình mua sắm Tết của người tiêu dùng trên các kênh online và offline là yếu tố quan trọng để các thương hiệu có thể tiếp cận người tiêu dùng. Việc tiếp cận đúng lúc, đúng chỗ từ đó nắm bắt mọi nhu cầu của khách hàng từ việc mua sắm sớm đến giai đoạn chạy nước rút cận Tết để phục vụ hàng hóa”, bà Nga cho biết.