Ông Tống Văn Chung, một cựu chiến binh, đã thuần hóa loài cá lăng đuôi đỏ đặc sản trên sông Sêrêpốk. |
Loài cá lăng đặc sản hiện một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã nuôi thành công. Tuy nhiên, cá lăng đuôi đỏ nuôi ở sông Sêrêpốk được coi là độc nhất vô nhị, vốn là niềm tự hào của người Tây Nguyên.
Người lính bách chiến bách thắng với cá lăng
Sông Serepok vốn chảy qua 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Không giống như những con sông khác, Serepok chảy ngược lên hướng thượng nguồn, sang tận đất Campuchia trước khi hợp vào dòng Mêkông. Sau đó, dòng sông lại xuôi về miền Tây Nam bộ Việt Nam rồi chảy ra biển lớn. Trên con sông này, nhiều loài cá đang sống. Nhưng cá lăng đuôi đỏ – một loài thuộc họ cá da trơn sống ở những vùng nước sâu chảy mạnh – được đánh giá là loài thuỷ sản ngon nhất nơi này.
Năm 2010, ông Tống Văn Chung nghỉ hưu rồi cùng vợ chọn một khúc sông Serepok, ngay chân thác Trinh Nữ làm nơi “khởi nghiệp”. Theo lão nông sành sỏi này bật mí, loài cá lăng vốn ưa nơi nước chảy, nhất là nơi gần thác ghềnh và sạch sẽ.
Lồng nuôi cá lăng của ông Chung. |
Cá lăng đuôi đỏ được mệnh danh là đặc sản của Tây Nguyên và từng được coi là loài cá tiến vua. Dòng Serepok dữ dằn nhưng lại bao bọc loài cá lăng có thịt thơm ngon và chắc. Những năm gần đây, nhiều công trình thủy điện được xây mới cùng với sự săn bắt quá nhiều. Nguồn cá lăng trong tự nhiên càng hiếm dù nhu cầu của người dân luôn cao.
Người dân TT.Ea T’ling (H.Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) gọi ông Tống Văn Chung là “Chung cá lăng”. Một số người cũng nuôi cá lăng đuôi đỏ nhưng “tán gia bại sản”, còn ông Tống Văn Chung vẫn sống khỏe với nghề nuôi giống cá đặc sản này suốt 10 năm qua.
Đúng hơn, ông Chung cũng có năm trắng tay vì thiên tai lẫn nhân tai. Đó là khi lũ dữ tràn về, thủy điện trên thượng nguồn xả đập khiến lồng cá lăng bị cuốn phăng mất hơn 1,5 tỉ. Lỗ nặng nhưng ông Chung không bỏ cuộc. Vậy nên, bây giờ ngay dưới hạ lưu, cận kề thác Trinh Nữ, hỏi ai nuôi cá lăng đuôi đỏ người ta chỉ ngay ông Chung.
Những chú cá lăng khá to quẫy tung lưới. |
Chuyện cá lăng “xuống núi” phục vụ dân sành ăn phố biển nổi tiếng về hải sản như Nha Trang nghe có vẻ ngược đời, chẳng khác gì ‘đem củi về rừng’ nhưng đó là chuyện thường ngày của vợ chồng ông Chung. Hàng ngày ông nhận điện thoại liên tục khi khách gọi đặt hàng lại vội vã ra bè kéo cá để kịp đóng hàng chuyển đi. “Nhà hàng dưới Nha Trang cần mình phải kéo liền gửi xuống cho kịp chuyến xe. Để khách hàng đợi lâu mất uy tín”, ông Chung nói.
Thu nửa tỷ/năm nhờ thuần phục cá lăng tự nhiên
Tập quán của loài cá lăng là sinh sống đơn lẻ. Nên ông Chung khi quyết định đầu tư mua lưới và đóng bè nuôi cá lăng đuôi đỏ ngay trên sông, nhiều người đã nghi ngại.
“Làm sao mà thuần hóa nó, nuôi tập trung trong một không gian hẹp, nhất là nuôi với sống lượng lớn luôn khiến tôi trăn trở, tìm đọc rất nhiều tài liệu”, ông Tống Văn Chung nhớ lại bài toán khó trong quãng thời gian cách đây 10 năm.
Thời gian đầu, ông Chung tập tành nuôi cá lăng. Do chưa am hiểu kỹ thuật nhiều, cá chậm lớn. Thậm chí có trường hơp cá chết vì nuôi không đúng kỹ thuật. Vụ thu hoạch đầu không đáng kể nhưng cũng đủ mang lại cho ông những kiến thức quý báu trong suốt 10 năm “thuần hóa” đặc sản Tây Nguyên.
“Cá lăng ăn cao cấp lắm. Lúc nhỏ, chúng ăn thịt cá xay nhuyễn. Đến khi trưởng thành, chúng lại ăn các loại cá khác, thịt heo và lòng gà. Có ngày, nuôi gần 20 lồng cá lăng, gia đình phải mất cả triệu bạc tiền mua thức ăn”, ông Chung vừa kể, vừa chèo chiếc thuyền nhỏ ra giữa lòng sông, chuẩn bị cho cá ăn.
Sáng nào, vợ chồng ông Chung cũng đi lùng khắp các chợ, mua đồ ăn về phục vụ loài cá này.
Cá tạp, cá ươn, ốc... được mua về làm thức ăn cho cá lăng. |
Hiện tại với 20 lồng cá, trừ tất cả chi phí, gia đình thu được khoảng 500 triệu đồng mỗi năm. Thị trường tiêu thụ khá ổn định, có mặt ở nhiều tỉnh thành phía Nam”, ông Chung bộc bạch.
Tiếp lời chồng, bà Nguyễn Thị Hoan kể, nuôi cá lăng không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà phải có “duyên”. Sau 10 năm, vợ chồng ông bà ăn ngủ cùng loài cá này luôn nên hiểu được tập tính của nó.
“Cá này sống ở đoạn nước sâu, có chỗ sâu tận 5m. Thấy người đến là chúng lặn sâu, mất hút. Cá lăng ưa nước sạch nên nuôi trên sông serepok là hợp lý nhất, lúc nào nước cũng chảy nên cá nhanh lớn mà không bị bệnh.
Cá nuôi từ lúc chỉ bằng ngón tay cái đến khoảng 2-2,5kg mới được bán, có lồng phải nuôi gần 3 năm trời nên chúng tôi nuôi theo kiểu gối đầu. Với giá khoảng 180.000 đồng- 250.000 đồng/ kg tùy thời điểm, cá nuôi đến đâu là được thương lái đến mua đến đó”, bà Hoan nói thêm.
Được biết, hiện với mỗi lồng bè khoảng 1.500 con, với độ tuổi từ 1 tháng- 2 năm, gia đình ông Chung có cuộc sống ổn định. Mỗi ngày chỉ cần “xúc” vài con lên bán cho các nhà hàng là đủ chi phí mua thức ăn cho số cá trong 20 lồng bè còn lại.
Ước tính gia đình ông Chung có thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm từ nuôi cá lăng đuôi đỏ. |
Để thuần được con cá lăng trứ danh quen sống tự do trên sông Sêrêpốk, ông Chung phải thăm dò kỹ địa hình, dòng nước, nghiên cứu tài liệu hướng dẫn. Cuối cùng ông chọn nhánh sông có dòng chảy êm ngay dưới dòng thác thơ mộng để xây dựng lồng bè nuôi cá.
“Nhiều người không tin tôi nuôi được cá lăng. Cá lăng đuôi đỏ thường sống đơn độc trong tự nhiên, môi trường thoáng. Đưa chúng về sống “tập thể” trong không gian nhỏ hẹp là bài toán khó”, ông Chung thổ lộ.
Có nhiều người cũng bỏ công sức thuần hóa cá lăng đuôi đỏ nhưng đa phần thất bại, chỉ có bản lĩnh và ý chí người lính mới giúp ông Tống Văn Chung bám trụ với với cá trứ danh này. Thuần hóa thành công loài cá đặc sản cá lăng đuôi đỏ không chỉ giúp ông làm giàu mà còn mở hướng phát triển kinh tế cho người dân nơi đây./.