Năm 2023, giá trị ngành hoa và cây cảnh đạt 45.000 tỷ đồng. |
Xuất khẩu hoa tăng trưởng mạnh
PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả cho hay tính tới hết năm 2023, tổng diện tích trồng hoa cả nước ước đạt 36.000ha, tăng gần 2.000ha so với năm 2022. Các loài hoa được sản xuất nhiều gồm hoa lan, hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền và hoa lay ơn, vùng trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2023, giá trị sản xuất và tiêu thụ các loại hoa, cây cảnh của nước ta ước đạt 45.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân/ha canh tác 350 triệu đồng/năm.
Xuất khẩu hoa đang tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hoa của Việt Nam năm 2021 đạt 61,8 triệu USD, tăng 27% so với 2020. Trong đó, hoa hồng có mức tăng trưởng mạnh nhất trên 100%. Tiếp đến là hoa ly, cúc, lan hồ điệp. Xuất khẩu hoa năm 2022 đạt 67 triệu USD, tăng trưởng 6,7%. Kim ngạch xuất khẩu hoa năm 2023 ước tính đạt xấp xỉ 80 triệu USD, tăng trưởng 19,4% so với năm 2022.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn TP đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa (tổng diện tích hơn 1.800ha) với quy mô từ 10 - 20ha/vùng tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm… Trong đó, diện tích trồng hoa chất lượng cao chiếm hơn 30% và đang được nhân rộng trong năm nay. Nhiều loại hoa như cúc, ly, lan… đã được xuất khẩu.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết mục tiêu từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh lên 8.000ha, tập trung tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Gia Lâm... Trong đó sẽ có các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung ứng dụng công nghệ cao, quy mô từ 20 - 50ha/vùng. Để hướng tới mục tiêu xuất khẩu, hiện ngành nông nghiệp Hà Nội đã khảo sát, nghiên cứu một số loại hoa có thế mạnh xuất khẩu tại huyện Mê Linh để sớm xây dựng mã số vùng trồng.
Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất hoa
Quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội). |
Về ứng dụng công nghệ cao, có trên 19% số doanh nghiệp, HTX, trang trại hoặc hộ gia đình hiện đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất hoa ở các mức độ khác nhau như trồng hoa trong nhà có mái che, trồng hoa trên giá thể (không dùng đất), tưới nước tiết kiệm qua hệ thống nhỏ giọt tự động hoặc phun mưa tự động, sản xuất giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật...
Đặc biệt, đã có một số cơ sở ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT) hoặc chia sẻ thông tin minh bạch trong mạng lưới kinh doanh (Blokchain) trong sản xuất hoa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng hoa của tỉnh này hiện đạt gần 10.000 ha. Trên địa bàn tỉnh có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa đã có từ lâu đời ở Đà Lạt hay xuất xứ từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Úc.
Tính đến nay đã hơn 3.000 ha diện tích đất trồng hoa ở Lâm Đồng đáp ứng các tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, Lâm Đồng có 3 doanh nghiệp sản xuất hoa được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, gồm: Công ty Dalat Hasfarm, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học.
Tỉnh Lâm Đồng đã và đang đẩy mạnh phát triển hoa theo hướng nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, hệ thống thông tin chính xác trong sản xuất hoa. Người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử để điều khiển tự động chăm sóc hoa dựa trên các yếu tố vi khí hậu, môi trường và dinh dưỡng.
PGS.TS Đặng Văn Đông cũng thẳng thắn nhìn nhận, nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở nước ta cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; nhiều địa phương chưa quan tâm quy hoạch phát triển hoa, cây cảnh; chưa có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu so với các quốc gia trồng hoa tiên tiến; chưa có chính sách thúc đẩy sản xuất hoa phù hợp với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Một số vùng chuyên canh hoa còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng tới môi trường, sinh thái và sức khoẻ cộng đồng...
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, TS Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh, sinh vật cảnh là sản phẩm nông nghiệp và là một trong 7 ngành nghề nông nghiệp được ghi rõ tại một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT, nhưng sự phối hợp sản xuất sinh vật cảnh giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp còn nhiều lúng túng; cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, chưa đồng bộ, rất khó khăn cho các hội nghề nghiệp thực hiện hiệu quả các quyết định được giao.
"Có nhiều địa phương đã hình thành được làng nghề sản xuất hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh gắn với du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP và xây dựng NTM", TS Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh thêm
Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, TS Phạm Minh Thông cho rằng dư địa để xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh ra thị trường quốc tế còn rất lớn. Một vấn đề đặt ra, bên cạnh cần đầy đủ các thủ tục hải quan, sau quá trình lưu hành còn phải chứng minh được không vi phạm bản quyền giống tạo ra sản phẩm đó, thậm chí một loại hoa, cây cảnh được du nhập vào nước ta để sản xuất cho nhu cầu cho tiêu dùng trong nước vẫn có thể bị khiếu nại vi phạm bản quyền.
"Kể cả với những dòng hoa, cây cảnh truyền thống của địa phương cũng dễ bị mất quyền sở hữu giống ngay trên "sân nhà" vì hầu hết các địa phương chưa quan tâm tới công tác công bố lưu hành giống, dẫn đến thua thiệt là khó tránh khỏi”, ông Thông nhấn mạnh.