Tại cuộc họp giao ban với Bộ Công Thương, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết 9 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 96,2 tỷ USD tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Thặng dư thương mại lớn với Mỹ đạt 74 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mexico, tập trung các mặt hàng như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ hải sản, nông sản... Tuy nhiên, một số mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2021, như hạt điều, sắt thép.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng Mỹ đang có xu hướng giảm nhập khẩu hàng hóa từ các nước, trong đó có Việt Nam. Cụ thể trong tháng 9, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 8,1 tỷ USD giảm 18% so với tháng 8; tháng 8 đi ngang so với tháng 7; tháng 7 giảm 7 % so với tháng 6.
“Dự báo Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời, gây sức ép mở cửa các thị trường xuất khẩu”, ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin.
Vị này cho biết phía Mỹ tiếp tục đề nghị Việt Nam phải có nhượng bộ rõ ràng hơn trong việc mở cửa, tiếp cận thị trường và giải quyết những khúc mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ, thương mại dịch vụ, quản lý kinh tế nền tảng số - luật an ninh mạng.
Bên cạnh đó, việc tăng trưởng thương mại trung bình 20%/năm dẫn đến một số mặt hàng đều có thể trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại.
“Hiện nay, các biện pháp điều tra ngày càng đa dạng, mở rộng, gắn với nhiều vấn đề, kể cả vấn đề về kinh tế và đảm bảo an ninh chính trị.
Đơn cử như các vụ việc liên quan đến mặt hàng mật ong, thép, gỗ dán cứng… bị điều tra gần đây cho thấy Chính quyền và doanh nghiệp Mỹ ngày càng quan tâm đến vấn đề này khi xuất siêu Việt Nam sang Mỹ ngày càng tăng. Do đó, doanh nghiệp và các cơ quan trong nước cần đặc biệt lưu ý”, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị.
Thông tin thêm về tình hình điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới và tại Việt Nam, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, hiện nay có 224 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến Việt Nam, trong đó chống bán phá giá là 124 vụ; chống trợ cấp là 23 vụ; tự vệ 45 vụ; chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại là 32 vụ.
Các sản phẩm xuất khẩu bị điều tra: thép, sản phẩm thép, sợi, sản phẩm nhựa, sản phẩm cao su, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, ống đồng, tôm, cá tra, mật ong…
Các thị trường: Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Canada, EU, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mexico, …
“Trước các tác động của hội nhập, cùng với chính sách bảo hộ của một số thị trường, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu dự báo sẽ gia tăng”, ông Chu Thắng Trung nhận định.
Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu thực tiễn các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng đã xuất khẩu để chuẩn bị một phương án kế hoạch tốt nhất khi gặp tình huống tương tự.