Dịp cận Tết, làng So đang vào cao điểm mùa miến dong. Cả làng tấp nập người người làm bột, làm sợi, chở miến đi phơi rồi thu miến. |
Đất linh sinh sản vật miến dong
Làng So thuộc xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Người dân làng So không nhớ rõ nghề làm miến có từ khi nào, chỉ biết rằng đây là nghề truyền thống mà ông cha để lại. Theo các cụ trong làng, tên gọi miến làng So gắn liền với ngôi đình So, một trong ngôi đình cổ kính nổi tiếng của địa phương.
Làng So được bao quanh bởi 4 ngọn núi Long - Ly - Quy - Phượng, phủ kín cây xanh, thiên nhiên ban tặng nguồn mạch nước giếng vừa trong vừa ngọt, đó cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên độ trắng trong hương vị rất riêng của sản phẩm miến nơi này.
Theo ông Vương Đắc Tý, chủ cơ sở sản xuất miến dong lâu năm tại xã Tân Hòa, để làm ra sợi miến ngon người làng So sử dụng 100% bột cây dong riềng. Bột dong tiếp tục được ngâm và thau rửa kỹ cho lắng gạn cát và tất cả tạp chất trong bột lọc sạch đi, sau 3 lần lọc sẽ cho ra bột tinh sạch. Sau đó bơm một lượng bột nhỏ để làm bột chín, xong phối trộn bột sống, công đoạn này có tác dụng làm cho bột sống không bị lắng lại, sau đó cho vào nồi hấp thành bánh và mang ra phơi ngoài cánh đồng khoảng 90 – 180 phút tùy thuộc vào điều kiện thời tiết nhiệt độ nắng, gió.
Tranh thủ thời tiết khô hành và có nắng, người làng So mang miến dong ra đồng phơi. |
Điểm đặc biệt là khi phơi miến sẽ phơi ngược hướng gió để khô nhanh và đều. Sau khi bánh khô cho vào máy cắt, ngâm qua nước cho mềm và cho vào máy rèn thành sợi rồi đưa ra cánh đồng phơi khoảng 3 tiếng để sợi miến khô đều xong mới bó miến và đóng gói từng túi.
Miến dong làng So được sản xuất quanh năm, tuy nhiên từ tháng 9 đến tháng 12 được coi là vụ chính vì tập trung phục vụ hàng Tết nên số lượng cao hơn bình thường. Hiện nay, do nhu cầu của thị trường và giảm bớt sức lao động các hộ gia đình đầu tư thiết bị máy bán tự động tạo năng suất cao, trung bình mỗi ngày thu được 3000-4000kg miến/ngày. Miến làng So có màu trắng trong, sợi dai và giòn tự nhiên nấu quá lửa không bị nhão, bết dính, không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia.
Miến dong làng quê vươn ra biển lớn
Ngày nay, miến làng So đã có mặt trên các tỉnh thành cả nước, thậm chí khách hàng tại thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), châu Âu (Đức) đón nhận nhiệt tình.
Sản phẩm miến dong làng So những năm qua cũng thường xuyên xuất hiện tại các hội chợ, triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm lớn của ngành nông nghiệp và ngành công thương. Uy tín chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy đánh giá cao. Đây là tín hiệu vui và là động lực để người dân làng So tiếp tục phát huy giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu truyền thống của quê hương.
Việc sản xuất miến không chỉ duy trì, phát triển văn hóa làng nghề mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với công việc làm nông đơn thuần, đồng thời đem đến thu nhập tương đối, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động tại địa phương.
Để làm ra những sợi miến dong ngon, người làng So sử dụng 100% bột của cây dong riềng nguyên chất. |
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, hiện nay trong xã có khoảng 65 hộ gia đình sản xuất miến dong, thu nhập so với làm ruộng thông thường cao hơn, riêng công nhân tráng bánh 400 ngàn/1 ngày, thu nhập người lao động làm khác công đoạn đơn giản là 6-7 triệu đồng/ tháng/người. Trung bình thu nhập 62 triệu/1 người/1 năm. Mỗi hộ kinh doanh có khoảng trên dưới 20 lao động.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đức, trong số 65 hộ gia đình sản xuất miến dong đã hơn 1/3 số hộ đã được chứng nhận sản phẩm OCOP. Những ngày áp Tết, trung bình mỗi ngày toàn xã sản xuất khoảng 200 tấn miến dong. Miến dong làng So đã đăng ký kinh doanh đầy đủ mã số mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm trên toàn quốc theo đúng quy định và được khách hàng gần xa tín nhiệm, ủng hộ.
Miến dong đặc sản thơm thảo mâm cỗ Tết
Người xứ Đoài có câu “Cỗ yến thiếu miến làng So” – chỉ mâm cỗ yến cao sang cũng chưa trọn vẹn nếu thiếu miến làng So. Điều đó đủ cho thấy đặc sản này nổi tiếng như thế nào.
Miến dong làng So có hương vị khác biệt so với các nơi khác nhờ được làm hoàn toàn từ củ cây dong riềng mọc nhiều ở khu vực ven bờ bãi sông Đáy. Cùng với đó là nguồn nước ngọt được thẩm thấu từ mạch nước ngầm qua lớp đá ong giúp miến có độ trắng, trong. Để làm được mẻ miến ngon, nguyên liệu phải được chọn kỹ càng với những củ dong riềng đạt chất lượng.
Làng So đã đầu tư máy móc trong một số công đoạn làm miến dong nhưng những công đoạn chính vẫn làm thủ công. |
Sau khi thu hái về, người dân đem thái nhỏ, phơi khô, nghiền thành bột mịn. Tiếp đó là ngâm, thau rửa bột 3 lần để loại bỏ cặn bã rồi cho vào lò tráng thành từng lớp mỏng, đổ ra khay và cắt thành sợi nhỏ. Cuối cùng, người ta xếp miến lên các phên tre và phơi nắng cho đến khi miến khô, đạt yêu cầu về độ dai, giòn mà không bị nát khi nấu.
Cẩn trọng từ khâu chọn nguyên liệu tới chế biến, người làng So vẫn kiên trì gìn giữ “bí quyết” làm miến từ cổ xưa để tạo nên sự khác biệt cho sản vật quê hương mình. Dù máy móc được đầu tư để tăng năng suất, giảm bớt sức người, nhưng các công đoạn chính vẫn được làm thủ công, kỹ lưỡng. Về phía chính quyền cũng nỗ lực hỗ trợ bà con gìn giữ nghề truyền thống.
“Chúng tôi phối hợp với các cấp, ngành ở huyện kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đề xuất thành lập khu công nghiệp Tân Hòa để nhân dân ra đấy sản xuất tập trung, việc quản lý chất lượng, xử lý chất thải ổn định", ông Nguyễn Văn Đức nói.
Giờ đây, miến dong làng So đã thành thương hiệu, xuất hiện ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. |
Miến dong làng So đã đăng ký kinh doanh đầy đủ mã số mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm trên toàn quốc theo đúng quy định và được khách hàng gần xa tín nhiệm, ủng hộ.
Năm xưa, miến dong làng So từ trong các thôn xóm đã được các bà, các mẹ gánh gồng đi khắp những phiên chợ quê. Giờ đây, miến So đã thành thương hiệu, xuất hiện ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. Người làm miến cũng biết khai thác các kênh online để quảng bá sản phẩm, kết nối đưa sản phẩm miến làng So đi muôn nơi. Từ những quán hàng ở phố phường Hà Nội, mâm cỗ hiếu hỉ, trên bàn thờ tiên tổ khi giỗ chạp hoặc Tết đến xuân về vẫn thơm thảo bát canh miến làng So./.