![]() |
Vì sao trẻ bị chảy máu cam?
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, bệnh viện Nhi Trung ương, chảy máu cam là tình trạng các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Hầu hết ai cũng bị chảy máu cam ít nhất một lần trong đời, nhất là ở độ tuổi từ 2-10 tuổi. Tùy từng trường hợp mà chảy máu cam có thể nguy hiểm hoặc không. Tuy nhiên, phần lớn chảy máu cam thường không nghiêm trọng, chỉ kéo dài vài phút và có thể xử trí tại nhà.
Nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ em
Chảy máu cam hay chảy máu mũi là tình trạng xảy ra ở hầu hết mọi người nhưng chiếm phổ biến ở trẻ em từ 2-10 tuổi. Chảy máu cam ở trẻ được phân chia làm 2 loại: chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau:
Chảy máu mũi trước
Xuất phát từ phía trước mũi và chiếm khoảng 90% trường hợp. Vị trí dễ chảy máu nhất là đám rối Kiesselbach ở phần dưới vách ngăn mũi (do chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ). Thường chảy máu một bên, máu mũi chủ yếu chảy ra từ phía trước với lượng không nhiều.
![]() |
Thường xảy ra với trẻ em ở trong môi trường hanh khô như dùng lò sưởi, điều hòa thời gian dài. Tình trạng khô niêm mạc dẫn đến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và dễ chảy máu.
Chảy máu mũi sau
Chiếm khoảng 10% trường hợp, thường xảy ra ở các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi. Chảy máu ở cả hai bên, máu mũi chảy nhiều ra phía sau và đi xuống họng, có thể nguy kịch.
Tuy không phổ biến nhưng mức độ nguy hiểm lại cao hơn do khó kiểm soát hơn, thường cần nhờ đến chăm sóc y tế. Cũng có thể xảy ra ở người cao tuổi, huyết áp cao hoặc trong các chấn thương vùng mũi, mặt.
Các bước xử trí trẻ bị chảy máu cam tại nhà
Cũng theo TS.BS Lê Ngọc Duy, khi trẻ bị chảy máu cam cha mẹ cần làm 5 bước sau:
Bước 1: Trấn an, động viên, an ủi để trẻ không hoảng sợ.
Bước 2: Giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng, nghiêng đầu nhẹ về phía trước.
Bước 3: Bóp mũi: Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cánh mũi trẻ khoảng 10 phút. Lưu ý không bóp phần xương sống mũi hay ấn một bên cánh mũi, kể cả khi trẻ chỉ chảy máu ở một bên mũi.
![]() |
Bước 4: Thả tay ra sau 10 phút và chờ đợi, giữ im lặng. Nếu máu không ngừng chảy, lặp lại bước này. Cha mẹ lưu ý, nếu sau hơn 10 phút nữa mà máu vẫn chảy thì cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Bước 5: Sau bước sơ cứu, để trẻ nằm nghỉ một lúc. Nếu thấy máu vẫn chảy xuống cổ họng thì đặt trẻ nằm nghiêng. Tránh để trẻ nuốt máu vì có thể gây nôn mửa, khó chịu.
Trẻ chảy máu cam khi nào cần đưa đến bệnh viện?
Đa số trường hợp chảy máu cam ở trẻ đều là lành tính, chảy máu lượng ít và thường sẽ tự cầm. Tình trạng này có thể lặp đi lặp lại cho đến khi dậy thì. Nếu trẻ bị chảy máu cam thỉnh thoảng vài tháng 1 lần, lượng ít thì gia đình không cần quá lo lắng. Nhưng nếu trẻ bị tái phát thường xuyên hoặc hay có vết bầm máu ở tay chân khi va chạm nhẹ thì gia đình nên đưa con đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên môn để thăm khám và loại trừ các nguyên nhân khác.
Cách phòng ngừa chảy máu cam trở lại
Để ngăn trẻ bị chảy máu cam trở lại, cha mẹ cần lưu ý:
Cho trẻ nghỉ ngơi và thư giãn ít nhất trong vòng 2 giờ, chỉ hoạt động nhẹ nhàng (nếu cần).
Tránh không cho trẻ ăn uống đồ nóng, tắm nước nóng trong ít nhất 24 giờ kể từ khi chảy máu cam.
Có thể làm ẩm niêm mạc vùng mũi bằng kem làm ẩm hoặc nước muối sinh lý.
Nhắc trẻ không ngoáy mũi hay xì mũi trong vòng 24 giờ.
Trẻ cần tránh các hoạt động mạnh hay các môn thể dục cường độ cao như chạy, ném, nhấc vật nặng.
Nếu trẻ bị táo bón thì cần cho uống nhiều nước và tăng hàm lượng chất xơ trong chế độ ăn