![]() |
Cây cau có từ ngàn đời |
“Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên…”
Không chỉ có ở Vỹ Dạ xứ Huế như trong bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử, hàng cau đầu ngõ là hình ảnh rất thân thuộc của mọi miền quê Việt Nam. Từ ngàn xưa, cây cau đã hiện diện và gắn kết trong muôn mặt văn hóa - đời sống người dân Việt: từ truyện tích Trầu cau nói về tình nghĩa anh em, chồng vợ, đến tập tục ăn trầu và các lễ nghi xã giao, cưới xin, tang ma,…
Theo các nhà khoa học, cau là cây có nguồn gốc ở Malaysia, sau được nhập trồng sang các nước khác ở Đông Nam Á và Nam Á, sang cả Madagasca và Đông Phi. Cau không chỉ được trồng làm cảnh hay lấy quả ăn trầu mà còn dùng làm thuốc trong Đông y.
Trồng cau trước đây vốn chỉ để làm cảnh, có cho ra trái thì cũng chỉ biết đem chia các cụ già làm quà vặt chứ chẳng mấy ai dùng đến loại quả này. Mấy năm gần đây, thương lái đến tận nhà hỏi mua với số lượng lớn, nhà nông không khỏi bất ngờ vì cái cây mình trồng làm cảnh này cũng có thể kiếm ra tiền
![]() |
Mô hình trồng cau của ông Dũng |
Điển hình như ông Hà Văn Dũng, sinh năm 1966, người Mường, ở xã Giao An, huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa), đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 5 ha cau. Mô hình trồng cau mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông Dũng.
Ông Hà Văn Dũng cho biết, trước đây, ông làm nghề thu gom dược liệu và thu mua quả cau, nhưng thu nhập không được bao nhiêu.
Năm 2006, trong một lần ra các tỉnh phía Bắc thu mua dược liệu, ông Hà Văn Dũng nhận thấy người dân ở đây sử dụng cau khá nhiều và giá khá cao, nhưng nguồn cung cấp cau lại thiếu.
Từ đó, ông nảy ra ý tưởng trồng cau ngay tại quê nhà để cung cấp cho các tỉnh phía Bắc. Nghĩ là làm, về quê, ông quyết định phá bỏ hơn 1ha cây ăn quả của gia đình để trồng cau.
Thời điểm đó, ông Hà Văn Dũng bắt đầu trồng thử khoảng 1.200 cây cau trên diện tích 0,5ha. Ông chọn những cây cau trong xã, huyện, có giống tốt và mua quả về, chọn ra quả cau đẹp nhất để ươm giống.
Do chưa có kinh nghiệm trong việc chọn giống, ươm giống, kỹ thuật trồng nên cau bị chết khá nhiều. Không nản chí, ông Dũng đã lên mạng, sưu tầm sách, báo hướng dẫn kỹ thuật chọn giống cau, ươm cau giống, trồng cau để học hỏi và trồng trám lại những diện tích cau bị chết.
Sau 5 năm, vườn cau của ông Dũng đã cho thu hoạch. Nhận thấy cây cau phát triển tốt và giá trên thị trường khá ổn định, nên ông quyết định sử dụng toàn bộ 5ha đất đồi của gia đình để trồng cau.
Theo ông Hà Văn Dũng, cau từ khi ươm quả đến lúc thu hoạch phải mất 5 năm, mỗi cây cau trung bình sẽ cho 15-20kg quả/mùa. Năm 2022, vườn cau của ông cho thu hoạch hơn 700 cây. Với giá hiện tại khoảng 85.000 đồng/kg, ông thu về hàng tỷ đồng.
Ước tính, đến năm 2024, toàn bộ 5ha trồng cau cho thu hoạch, ông có thể thu về gần chục tỷ đồng/năm. Ngoài thu hoạch quả cau, ông bán mo cau với giá 3.000 đồng/chiếc.
Không chỉ bán quả cau thương phẩm, mo cau, ông còn ươm cây cau giống bán cho người dân. Theo ông Dũng, để ươm được cây giống phải trải qua nhiều công đoạn như để cau chín, phơi khô.
Khi cau khô sẽ mang đi ngâm, ủ cho đến khi nảy mầm mới ươm từ 3-4 tháng, đến lúc cây ra 2 lá, một ngọn sẽ xuất bán.
“Gia đình tôi đang cho ươm khoảng 4 vạn cây cau giống. Với giá bán cây cau giống là 25.000 đồng/cây giống, riêng tiền bán cây cau giống cũng thu về hơn 1 tỷ đồng/năm”, ông Hà Văn Dũng cho biết.
![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Tần bên vườn cau của gia đình |
Cũng giống như ông Dũng, ông Nguyễn Ngọc Tần, ở ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) rất phấn khởi khi mô hình trồng cau xuất khẩu đang hút hàng, cho hiệu quả cao.
Qua nhiều năm gắn bó với cây thanh long thương phẩm, năm 1997, ông Nguyễn Ngọc Tần phát hiện cây cau thương phẩm có nhiều triển vọng, nhất là nhu cầu xuất khẩu.
Đến nay, khu vườn cau của ông Tần có 1.200 cây cau từ 4-6 năm tuổi. Mỗi cây cau sau 4 năm tuổi cho trái với năng suất từ 40-50 kg/năm. Gần đây, trái cau xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc nên, giá dao động từ 20.000 – 50.000 đồng/kg (tùy theo thời điểm) và rất dễ tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tần, cau rất dễ trồng so với các loại cây trồng khác như không kén đất, tiết kiệm diện tích đất, phân bón, ít sâu bệnh và có khả năng chống chịu cao với khô hạn. Để cho cây cau phát triển tốt, ông sử dụng phân hữu cơ và phòng ngừa bệnh thối đọt cau.
Hiện nay, vườn cau này mỗi tháng cho thu hoạch gần 2 tấn trái cau tươi. Ngoài ra, ông còn chọn các buồng cau tốt để làm giống, bán với giá từ 20.000 – 25.000 đồng/cây giống. Năm qua, vườn cau của ông cho thu nhập gần 500 triệu đồng.
“Trồng cau hiệu quả hơn trồng dừa vì trên 1 công đất có thể trồng đến 170 cây. Vài năm trở lại đây, cau có giá cao nên chỉ cần buồng cau 4kg đã có thể bán với giá hơn 200.000 đồng. Cau dễ trồng, dễ chăm sóc và không cần xịt thuốc, chỉ cần 1 người có thể chăm sóc vườn cau trên diện tích 7 công đất. Theo tôi nghĩ, cây cau hay cây gì cũng vậy, muốn trồng đạt năng suất thì phải có mương liếp bằng phẳng, thoát nước tốt, phân hữu cơ như phân dê, phân gà bón thường xuyên thì cau có trái đặc cây”, ông Tần chia sẻ về mô hình trồng cau của mình.
Gần đây, trái cau xuất khẩu rất mạnh nhất là thị trường Trung Quốc để làm dược liệu, dược phẩm và phục vụ như là loại ngũ quả để cúng tế, cưới hỏi và là thứ không thể thiếu được trong tục ăn trầu của người dân…Vườn cau của ông Tần được thương lái đến tận vườn thu hoạch và chuyển về tập kết tại tỉnh Bến Tre để sơ chế đưa đi xuất khẩu.
Ông Tần cho biết, trồng cau không phải tốn công như các loại cây ăn trái khác. Khu vườn 7 công đất của ông lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động nên không còn phải thuê mướn lao động nên giảm được chi phí.