TT - Huế: Thả về rừng cá thể chim Hồng Hoàng bị lạc vào nhà dân |
Con chim hồng hoàng ra khỏi lồng về với tự nhiên. |
Bảo vệ chim hồng hoàng trước nguy cơ tuyệt chủng
Sau bốn năm chăm sóc, phục hồi bản năng, sáng 21/8, tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cặp chim hồng hoàng được thả về tự nhiên.
Đây là hai trong số bốn chim hồng hoàng được Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội tiếp nhận từ công an huyện Tiên Yên, Quảng Ninh bàn giao ngày 5/4/2019. Chim trưởng thành khi đó nặng hơn 2 kg, ba chim non khoảng hai tháng tuổi, mỗi con nặng 0,8 kg.
Chim hồng hoàng tên khoa học là Buceros bicornis, thuộc họ hồng hoàng, bộ sả, lớp chim. Hồng hoàng sinh sống ở các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc, thuộc nhóm Ib - các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Cặp chim hồng hoàng trưởng thành. |
Tại Việt Nam, nhiều vùng vẫn còn chim hồng hoàng tự nhiên, nhưng nạn buôn bán trái phép khiến loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, theo ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội. Trên thị trường, chim hồng hoàng được mua bán trái phép với giá 30 triệu đồng/con.
Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội đang chăm sóc 15 chim hồng hoàng trưởng thành, được thu giữ từ các vụ buôn bán ĐVHD nhiều năm qua. Từ năm 2018, các nhà khoa học, chuyên gia động vật ấp ủ thực hiện dự án tái thả chim hồng hoàng về tự nhiên. Các cá thể hồng hoàng ở trung tâm cứu hộ hầu hết còn non, nên thuận lợi khi trở về tự nhiên. Việc tái thả chim tuân theo 7 tiêu chí của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN).
Từ khi có ý tưởng, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội cùng chuyên gia tư vấn phúc lợi động vật của Tổ chức Động Vật châu Á bắt đầu tìm kiếm, liên hệ nhiều chuyên gia, tổ chức trên thế giới xây dựng phương án. Cuối năm 2021, các bước chuẩn bị cho dự án tái thả được thực hiện. Nhiều đơn vị cùng chung tay như VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Tổ chức Động vật Châu Á, Four Paws Việt, Vườn thú Nashville (Mỹ), Vườn thú Attica (Mỹ), Vườn thú Singapore, Vườn thú Bronx (Mỹ), Dự án hồng hoàng Nabula (Nam Phi), Quỹ nghiên cứu hồng hoàng Thái Lan, nhóm chuyên gia hồng hoàng thuộc IUCN...
Những bước quan trọng trong chăm sóc phục hồi chim để thả về tự nhiên
Bảy con chim hồng hoàng trong độ tuổi sinh sản, có sức khoẻ tốt được chọn lọc ghép chuồng. Lý tưởng nhất để thả chim là ghép đôi một đực một cái trước khi ra ngoài tự nhiên. Một chuồng nuôi kích thước khoảng 20 m2 được xây dựng ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Tại đây, nhân viên của Tổ chức Động vật Châu Á hàng ngày theo dõi đánh giá tình trạng sức khỏe. Sau một thời gian, 2 con đực, cái được lựa chọn ghép.
Bước tiếp theo, các chuyên gia sẽ khám lâm sàng lần một để đánh giá xem cặp nào đủ điều kiện đưa vào Dự án tái thả. Đây là công việc quan trọng khi nuôi nhốt trong chuồng chật hẹp, chim dễ bị dị tật phần xương khớp, cơ, cánh...
Các chuyên gia nước ngoài cũng hỗ trợ quy trình thả chim hồng hoàng. |
Ngày 20/11/2022, cặp chim hồng hoàng khỏe được chọn đưa vào vùng tái thả. Chim vận chuyển bằng hai lồng chuyên dụng, vượt 500 km từ Hà Nội vào Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình.
Các chuyên gia cho biết, sở dĩ chọn Phong Nha - Kẻ Bàng để tái thả chim bởi nơi đây được bảo vệ tốt, có hệ sinh thái động vật, thực vật đa dạng. Đặc biệt, chim hồng hoàng tự nhiên ở đây ít, nên khi tái thả không phải cạnh tranh thức ăn, lãnh thổ, khả năng sống cao hơn. Thức ăn chính của loài này là hoa quả, côn trùng và động vật nhỏ. Thời điểm lý tưởng nhất để thả hồng hoàng là vào tháng 5 đến 8, bởi đây là mùa quả chín.
Để chuẩn bị đón chim, từ tháng 10/2022 các chuyên gia đã làm chuồng tập bay trong rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Chuồng dài 50m, cao 5m. Chuồng giúp chim vận động, bay quãng xa để phát triển phần cơ bị yếu sau thời gian dài nuôi nhốt.
Hai chuyên gia dùng khăn trùm kín để chim không bị hoảng sợ. |
Ngoài tự nhiên, chim hồng hoàng bay từ 30 - 50km/ngày. Ban đầu, chim bay trong chuồng khoảng 30 m là há miệng thở dốc, nhịp thở không ổn định, chân yếu nên đứng không vững trên thân cây. Đây là nhược điểm khi chim bị nuôi nhốt trong không gian chật hẹp. Nếu thả luôn ra ngoài tự nhiên khó tồn tại.
Trong thời gian theo dõi chim trong chuồng tập bay tại Phong Nha - Kẻ Bàng, các chuyên gia nhiều lần thấy chim hồng hoàng tự nhiên bay đến đậu bên ngoài. Chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu quan trọng để xác định vùng phân bố loài chim này.
Quy trình thả hồng hoàng nghiêm ngặt sẽ xây dựng khung cho các loài khác
Sau tám tháng theo dõi, khi chim tập bay đường dài thành công, chuyên gia của Tổ chức Phi lợi nhuận Pour Paws kiểm tra sức khỏe toàn diện lần nữa. Trong lần khám này, chim được chụp Xquang, lấy máu, mẫu phân, kiểm tra sinh hoá, lấy các mẫu test... Các chỉ số đạt tiêu chuẩn chim mới được thả về tự nhiên.
"Con chim đực bắt đầu tiên, đưa về phòng khám, gây mê, lấy mẫu máu để xét nghiệm chỉ số căng thẳng của chim trong những thời gian nhất định", Lesley Halter Goelke, Bác sĩ thú y của Four Paws Việt nói.
Kiểm tra sức khỏe chim hồng hoàng trước khi tiến hành quy trình thả. |
Chim đực sau đó được mặc áo chip định vị. Bác sĩ thú y Lesley Halter Goelke, cho biết, sở dĩ chỉ mặc áo cho chim đực, bởi khi ghép đôi, chúng luôn sinh hoạt cạnh nhau. Tới mùa sinh sản, chim làm tổ ở hốc cây, con cái ấp trứng, tới khi trứng nở con cái thường xuyên ra vào kiếm ăn. Quá trình này rất dễ gây cọ xát cơ thể chim cái với tổ làm mất thiết bị định bị. Chính vì vậy lắp thiết bị lên người con đực sẽ tránh được rủi ro.
Chiếc áo định vị này theo con chim suốt cuộc đời, để theo dõi hành trình, phân bố, khả năng bay và sinh tồn khi thả lại tự nhiên. Áo chip không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của chim. Giá thiết bị khoảng 1.000 USD/chiếc.
Chim đực nặng 2,5 kg sau khi mặt áo định vị được đưa vào chuồng giải mê. Chim hồng hoàng cái nặng 3,2kg cũng khám trong ngày. Quá trình khám kết thúc, chim thả lại vào chuồng tập bay theo dõi thêm 8 tuần để sẵn sàng thả.
Ngày 13/8/2023, một tuần trước ngày tái thả, chiếc lồng thứ hai có kích thước 6 x 4 m, cao 3 m được dựng lên trên đỉnh núi U Bò, cao nhất tại Phong Nha - Kẻ Bàng, cách lồng tập bay hơn 40 km.
Chim sau đó được thả vào lồng mới, theo dõi bảo vệ, để thích nghi hơn với khí hậu. Sở dĩ phải dựng thêm một chiếc lồng mới cách xa lồng tập bay bởi chim đã ở quen lồng cũ khi thả ra sẽ không chịu rời lồng, hoặc chỉ sống loanh quanh đó mà không chịu đi xa.
10h30' ngày 21/8, 10 người theo đuổi dự án "Tái thả chim hồng hoàng" suốt 5 năm có mặt tại lồng tạm trên đỉnh núi U Bò để tiến hành tái thả. Thời tiết đẹp, thuận tiện cho việc mở cửa lồng. Hai con chim được gắn thêm vào vòng nhận dạng vào chân để dễ dàng quan sát.
Chim hồng hoàng sải cánh trở về với tự nhiên. |
Cặp chim khi ra khỏi lồng có phần bỡ ngỡ, bay đậu trên cây gần chuồng. Theo các chuyên gia, trong thời gian vài ngày tới, chim sẽ chỉ sinh hoạt quanh đỉnh núi U Bò để tìm kiếm thức ăn và khoanh vùng lãnh thổ.
Việt Nam lần đầu tiên tái thả một cặp đực cái vào độ tuổi sinh sản. Từ khâu chuẩn bị, theo dõi, khám sức khỏe, dựng chuồng tập bay, chuồng giả, mặc áo chip định vị đến khi thả chim về tự nhiên chi phí khoảng 400 triệu đồng. Dự án tái thả chim hồng hoàng hiện chưa có quy trình chuẩn, bởi mỗi nước chim phân bố có điều kiện tự nhiên, khí hậu, bối cảnh khác nhau. Từng chim có đặc tính sinh hoạt riêng, nên các chuyên gia kỳ vọng việc tái thả chim hồng hoàng lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ xây dựng khung cho các loài khác./.